|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Warren Buffett khốn khổ vì cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 3): Salomon chết đi sống lại

12:43 | 28/10/2021
Chia sẻ
Án phạt mạnh tay của Bộ Tài chính Mỹ khiến Salomon Brothers có nguy cơ sụp đổ. Warren Buffett sẽ phải làm những gì để giải cứu ngân hàng này cũng như bảo vệ khoản đầu tư 700 triệu USD của Berkshire Hathaway?

Cuộc gọi lúc sáng sớm

Lúc 6h45 sáng ngày 16/8/1991, CEO Gutfreund của Salomon Brothers gọi điện tới nhà của Warren Buffett và thông báo về ý định từ chức vì bê bối đã vỡ lở. Câu hỏi là ai sẽ lên làm tân CEO?

Buffett chưa đưa ra quyết định gì khi đang ở nhà và nói rằng sẽ gọi lại sau khi tới văn phòng. Lúc 7h45, ông gọi lại cho ban điều hành của Salomon và cho biết ông đồng ý làm CEO và chủ tịch tạm quyền cho đến khi cuộc khủng hoảng được dàn xếp ổn thỏa.

Warren Buffett khốn khổ vì cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 3): Salomon chết đi sống lại - Ảnh 1.

Căn nhà tại thành phố Omaha mà Warren Buffett mua để ở suốt từ năm 1958 đến nay. (Ảnh: Huffington Post).

Buffett không chỉ muốn bảo vệ khoản đầu tư 700 triệu USD của Berkshire Hathaway ở Salomon mà còn cảm thấy rằng với tư cách thành viên HĐQT, ông có trách nhiệm với toàn bộ cổ đông của Salomon.

Sau khi tin Buffett sẽ trở thành Chủ tịch tạm thời của Salomon được công bố, giá cổ phiếu ngân hàng tăng nhẹ từ 27 lên 28 USD/cp.

Chiều cùng ngày, Buffett bay tới New York để nói chuyện với Gerald Corrigan, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, về tương lai của Salomon.

Salomon bên bờ vực diệt vong

Suốt cả ngày thứ Bảy, các cơ quan quản lý tài chính của Mỹ vẫn miệt mài làm việc để tìm cách trừng phạt Salomon.

Dự kiến vào 10h sáng Chủ nhật (18/8/1991), hội đồng quản trị của Salomon sẽ họp để chính thức bầu Warren Buffett vào ghế quyền chủ tịch.

Chỉ ít phút trước giờ cuộc họp được lên lịch bắt đầu, Bộ Tài chính Mỹ gọi điện tới và thông báo Salomon sẽ bị cấm tham gia các đợt đấu thầu trái phiếu Kho bạc cho tài khoản tự doanh cũng như thay mặt cho khách hàng.

Warren Buffett hiểu rằng án phạt này sẽ báo hiệu sự diệt vong của Solomon Brothers. Việc bị cấm tham gia thị trường trái phiếu Kho bạc sơ cấp không trực tiếp gây ra thiệt hại kinh tế quá khủng khiếp, nhưng nó sẽ khiến cho cả thế giới mất niềm tin vào Salomon.

Warren Buffett khốn khổ vì cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 3): Salomon chết đi sống lại - Ảnh 2.

Warren Buffett làm CEO của Salomon Brothers là vì muốn cứu ngân hàng này chứ không phải để tuyên bố phá sản. (Hình minh họa: Song Ngọc).

Thời gian không có nhiều. Salomon đã lên lịch họp báo vào lúc 14h30 chiều cùng ngày để Warren Buffett phát biểu trước công chúng. 

Thị trường tài chính Tokyo sẽ mở cửa vào cuối buổi chiều Chủ Nhật theo giờ Mỹ, sau đó đến lượt London và New York. Tin xấu sẽ lan truyền từ thị trường này sang thị trường khác và nhà đầu tư cả thế giới sẽ nghĩ rằng: Salomon đã bị Bộ Tài chính Mỹ dồn vào đường cùng, chắc chắn sẽ sụp đổ.

Buffett và ban lãnh đạo của Salomon quyết định thực hiện đồng thời hai giải pháp.

Phương án thứ nhất chuẩn bị cho nguy cơ phá sản. Các luật sư được tập hợp ngay trong ngày Chủ nhật để dự trù xem thủ tục phá sản của một tập đoàn tài chính khổng lồ sẽ diễn ra như thế nào. Kết luận được rút ra là trình tự phá sản của Salomon sẽ thực sự là một cơn ác mộng.

Đó cũng sẽ là ác mộng với cá nhân Buffett. Ông đến với Salomon là để giải cứu, không phải để nhìn ngân hàng rơi xuống vực thẳm.

Vì vậy, Buffett dốc sức thực hiện phương án thứ 2 là cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ rút lại hoặc thay đổi một phần lệnh cấm.

Ông lập tức gọi lại cho số điện thoại mà Bộ Tài chính Mỹ vừa dùng để thông báo án phạt nhưng đầu dây bên kia đang bận. Công ty điện thoại đồng ý xen ngang vào cuộc gọi để Buffett nói chuyện nhưng rồi lại xảy ra lỗi và delay. Đến khi Buffett kết nối được với người phát ngôn Bộ Tài chính thì án phạt đã được công bố ra báo giới toàn cầu.

Warren Buffett xoay chuyển tình thế

Warren Buffett và Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Nicholas Brady có mối quan hệ khá tốt. Trong cuộc điện thoại vào buổi sáng Chủ Nhật đó, Buffett cho biết Salomon không thể chịu nổi lệnh cấm đấu thầu trái phiếu Kho bạc và đang xem xét cả kịch bản phá sản.

Vị tân chủ tịch nhấn mạnh quy mô khổng lồ và hoạt động rộng khắp toàn cầu của Salomon, cảnh báo với Bộ trưởng Tài chính rằng nếu ngân hàng phá sản, cả hệ thống tài chính sẽ tan tành.

Bộ trưởng Brady tỏ ra đồng cảm nhưng vẫn nghĩ rằng chuyện phá sản và khủng hoảng tài chính là khá xa vời. Ông cũng hiểu rõ tình hình lúc đó: Lệnh cấm đã được công bố rộng rãi và không dễ gì thu lại được.

Tuy vậy, vị Bộ trưởng vẫn giữ liên lạc với Buffett chứ không tắt máy. Ông nói chuyện với một số người liên quan rồi nhiều lần gọi lại cho Buffett.

Một chi tiết khá kỳ lạ của ngày cuối tuần đó là Buffett nói chuyện với Bộ trưởng Brady trên chiếc điện thoại ở văn phòng của Salomon, và loại điện thoại này không đổ chuông mà chỉ nhấp nháy một chiếc đèn xanh nhỏ xíu khi có người gọi tới. Kết quả là Buffett phải ngồi nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại rất lâu để đợi các cuộc gọi của vị Bộ trưởng.

Về sau, cả Gerald Corrigan, Chủ tịch Fed chi nhánh New York cũng tham gia vào cuộc gọi với Buffett và Brady.

Đúng 14h30 chiều, hàng trăm phóng viên đã tập trung đông đủ cho buổi họp báo, Warren Buffett đang ngồi đợi với các thành viên HĐQT khác của Salomon.

Vừa lúc đó, Jerome Powell, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính (và sau này trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang) gọi điện cho Buffett để báo tin: Salomon sẽ bị cấm mua trái phiếu Kho bạc thay cho khách hàng nhưng vẫn được đấu thầu trái phiếu cho tài khoản của chính mình.

"Như vậy có ổn không?", Powell hỏi. "Tôi nghĩ vậy là được rồi", Buffett trả lời.

HĐQT của Salomon vội vã tổ chức họp để chính thức bầu Warren Buffett vào ghế Chủ tịch. Nếu Bộ Tài chính Mỹ không giảm nhẹ án phạt và Salomon phải tuyên bố phá sản, Warren Buffett sẽ không nhận ghế Chủ tịch.

Đến 14h45, Buffett bước vào phòng họp báo và tự giới thiệu: "Tôi là Warren Buffett và tôi vừa được bầu làm quyền Chủ tịch của Salomon chiều nay". Sau đó, ông đọc to thông báo mới nhất của Bộ Tài chính và trả lời câu hỏi của báo giới trong hơn hai tiếng đồng hồ.

Phía cuối phòng họp, nhiều nhân viên của Salomon thở phào nhẹ nhõm: "Được cứu rồi, được cứu rồi".

Đón đọc Phần 4: 10 tháng dọn dẹp không lương


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Song Ngọc (Theo Forbes)

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.