|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index bật tăng 33 điểm nhưng đa số nhà đầu tư vẫn thua lỗ khi hàng T-3 về tài khoản

07:46 | 08/12/2021
Chia sẻ
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong phiên 7/12 nhưng không đủ đề bù đắp thiệt hại của các phiên giảm sâu trước đó, đa số cổ phiếu vẫn đang thấp hơn giá T-3.

Trong ba phiên liên tiếp ngày 2, 3 và 6/12, VN-Index đều đóng cửa trong sắc đỏ, đặc biệt là hai ngày 3/12 và 6/12 đánh mất lần lượt 39 điểm và 30 điểm. Vì vậy, mức tăng 33 điểm (tức 2,35%) trong phiên 7/12 là chưa đủ để lấy lại những mất mát trước đó.

Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 2,42% và 1,52% nhưng vẫn chưa thể quay lại mức điểm của tuần trước.

VN-Index bật tăng 33 điểm nhưng đa số nhà đầu tư vẫn thua lỗ khi hàng T-3 về tài khoản - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục sau ba phiên giảm liên tiếp. Trong ba phiên gần đây, VN-Index đều biến động từ 30 điểm trở lên.

Theo số liệu của Chứng khoán SSI tính đến hết phiên 7/12, trên toàn thị trường Việt Nam có 317 mã tăng giá so với cuối phiên T-3 (tức là ngày 2/12), 374 mã ngang giá với phiên T-3 và có tới 935 mã thua lỗ.

Xét riêng rổ VN30, toàn bộ 30 cổ phiếu thành viên đều tăng trong phiên 7/12, bao gồm hai mã kịch trần là VRE và POW, đưa chỉ số tăng gần 32 điểm so với tham chiếu. Dù vậy, khi so với giá kết phiên T-3 (tức 2/12), có tới 26 mã đang chìm trong sắc đỏ.

Chỉ có 4 bluechip đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư lướt sóng là VRE của Vincom Retail, VJC của Vietjet, PDR của Bất động sản Phát Đạt, và POW của PV Power.

VN-Index bật tăng 33 điểm nhưng đa số nhà đầu tư vẫn thua lỗ khi hàng T-3 về tài khoản - Ảnh 2.

Đa số cổ phiếu VN30 vẫn đang có giá thấp hơn so với phiên T-3.

GVR của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam tăng 1,7% trong phiên 7/12 nhưng giá vẫn đang thấp hơn 5,3% so với phiên T-3, là cổ phiếu giảm sâu nhất VN30.

Tương tự, HDB của HDBank, STB của Sacombank giảm lần lượt 4,8% và 4,3% so với giá kết phiên 2/12.

Cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 3,7% so với giá T-3, vốn hóa hiện còn khoảng 21.300 tỷ đồng và không còn nằm trong câu lạc bộ tỷ đô của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xét trong nhóm ngân hàng, toàn bộ 27 mã đều đóng cửa trên tham chiếu trong phiên 7/12. Thế nhưng khi so với giá của ba phiên trước, tất cả đều đang chìm trong thua lỗ. Giảm ít nhất là ACB của Ngân hàng Á Châu và VCB của Vietcombank, mất lần lượt 0,75% và 0,91%. Sụt sâu nhất là BVB của Viet Capital Bank và PGB của PG Bank, mất tương ứng 9,1% và 11,5%.

Ở nhóm công ty chứng khoán, chỉ có ba mã có lãi T-3 là PHS của Chứng khoán Phú Hưng, APG của Chứng khoán APG và CSI của Chứng khoán Kiến Thiết. 

Các cổ phiếu còn lại trong ngành đều đi xuống, giảm sâu nhất là APS của Chứng khoán APEC. Phiên 7/12, APS nhích lên 0,2% nhưng liên tiếp trong 5 phiên trước đó, cổ phiếu này đều sa sút, bao gồm cú giảm sàn ngày 6/12. 

Hiện nay giá cổ phiếu APS vẫn cao hơn 869% so với ngày đầu năm 2021 và tăng 1.293% so với một năm trước. Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức giữa tháng 11 vừa qua, lãnh đạo của Chứng khoán APEC đã cùng các cổ đông hô to "Gồng lãi".

Nhiều cổ phiếu ở sàn HNX và thị trường UPCoM thậm chí còn ghi nhận mức giá thấp nhất nhiều tháng sau phiên hồi phục của thị trường chung 7/12, có thể kể đến những cái tên như NBC của Than Núi Béo, DNP của Nhựa Đồng Nai, hay CAG của Cảng An Giang, ...

Song Ngọc