|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital: Đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu dù vẫn còn những yếu tố bất định phía trước

15:34 | 06/10/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia VinaCapital, sự biến động hiện nay của thị trường chứng khoán (TTCK) đã làm không ít nhà đầu tư bất an và phía trước vẫn còn những yếu tố bất định nhưng nhìn về dài hạn thì bây giờ là thời điểm thích hợp để nắm giữ cổ phiếu.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư 2022 tổ chức tại TP HCM ngày 6/10, VinaCapital cho biết có gần 100 nhà đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

"Hội nghị Nhà đầu tư gần nhất được chúng tôi tổ chức trực tiếp là ba năm về trước và từ đó đến nay thế giới đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi đó là sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam. Không có quá nhiều quốc gia có thể vượt qua đại dịch và phục hồi mạnh mẽ như Việt Nam, chúng tôi rất vui vì các nhà đầu tư đã đến để nghe và thấy rằng các cơ hội đầu tư ở đây nhiều hơn bao giờ hết",  ông Don Lam, Tổng Giám đốc và là cổ đông sáng lập VinaCapital cho biết.

Gần 100 nhà đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. (Ảnh: VinaCapital).

Kinh tế Việt Nam đủ nền tảng vượt khó

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital cho rằng Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bất chấp những khó khăn hiện tại nhờ sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát đang được kiểm soát tốt.

Vốn nước ngoài (FDI) giải ngân vẫn đang tăng trưởng mạnh theo xu hướng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong vài năm qua. Thị trường nội địa phục hồi mạnh mẽ kích thích sự phát triển của các chuỗi bán lẻ trong nước theo các nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân Việt Nam. 

Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư 2022.

Trong ba trụ cột của nền kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công, ông Andy Ho cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu có thể giảm đi trong năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dưới áp lực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu. 

Dù vậy, Andy Ho cho rằng sự suy giảm lĩnh vực tiêu dùng và xuất khẩu vẫn có thể bược bù đắp một phần bởi nguồn thu từ du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Đây là nguồn thu đã mất đi từ COVID-19 và đang phục hồi rất chậm trong năm 2022.

Cuối cùng, theo ông Andy Ho, đầu tư công vào hạ tầng sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế việt Nam trong vài năm tới. Đây là trụ cột mà Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam.

VinaCapital dự báo, Việt Nam có thể tăng trưởng 8% năm nay và sau đó trở lại mức tăng trưởng trước COVID-19, khoảng 6-7% mỗi năm.  

Nhà đầu tư đang bi quan nhìn thị trường chứng khoán suy giảm, nhưng cơ hội lớn đang mở ra trong dài hạn

Một yếu tố được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm nhất hiện nay đó là xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và nhà đầu tư đang phải bám sát từng nhất cử nhất động của FED. Ông Andy Ho cho biết nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn phương án an toàn là đầu tư về Mỹ khi đồng USD tăng mạnh, nhưng cũng có không ít nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội với dự báo xu hướng tăng lãi suất của FED sẽ đảo chiều khi lạm phát hạ nhiệt.  

"Đây là vấn đề của không riêng Việt Nam đang mà hiện nước nào cũng phải đối mặt với vấn đề này. Quỹ dự trữ ngoại hối của toàn cầu đã giảm 12% kể từ đầu năm nay. Việt Nam cũng phải dùng một phần dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Dù vậy, cần nhìn nhận VNĐ vẫn là đồng tiền có sự ổn định cao trên thế giới so với sự tăng giá của USD. Đây là một sự nỗ lực của Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao", ông Andy Ho cho hay.

Lý giải thêm về xu hướng suy giảm của TTCK thời gian vừa qua, Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc đầu tư VinaCapital cho rằng đang có nhiều rào cản khiến thị trường chứng khoán khó khăn. Trong đó, căng thẳng địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng lên trên toàn cầu buộc các NHTW thắt chặt tiền tệ, Việt Nam cũng phải tăng lãi suất điều hành. Điều này khiến chi phí vốn doanh nghiệp tăng, mức định giá cổ phiếu cần phải điều chỉnh với mức chiết khấu cao hơn. 

Bênh cạnh đó, các chính sách quản lý thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cũng đang khiến hoạt động huy động vốn của các DN gặp nhiều khó khăn. "Đối với các quỹ đầu tư như VinaCapital, chính sách thanh lọc thị trường chứng khoán là cần thiết và sẽ mang lại giá trị bền vững trong dài hạn. Nhưng mặt khác, điều này cũng gây tâm lý tiêu cực đối với các nhà đầu tư cá nhân, thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi thị trường", bà Nguyễn Hoài Thu đánh giá.

Dù vậy, theo đánh giá của Giám đốc đầu tư VinaCapital, TTCK Việt Nam đang hấp dẫn hơn rất nhiều.  Hiện thanh khoản thị trường đã sụt giảm so với năm 2021 nhưng vẫn cao gấp ba lần so với giai đoạn trước COVID-19. Tiếp theo là về mặt định giá, thị trường đã rẻ hơn rất nhiều.

So sánh định giá P/E của Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và TIP (bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines), Vinacapital chỉ ra mức chiết khấu theo định giá P/E của Việt Nam so với các nước ở thời điểm hiện tại đã lên đến (36%), cao hơn 3 lần so với trung bình 5 năm trước (12%) cho thấy thị trường Việt Nam rẻ hơn tương đối so với các nước trong khu vực kể cả hiện tại hay quá khứ.

Trong khi đó, về yếu tố nền tảng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đang cao vượt trội so với các nước Asean. Năm 2023, lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng 19,1%.  

Kết hợp với so sánh lợi suất của việc nắm giữ cổ phiếu với lãi suất tiền gửi 12 tháng của Vietcombank trong vòng 10 năm, hiệu số giữa hai tỷ suất này đang cao nhất trong 10 năm. Như vậy, nếu nhìn trong dài hạn, bây giờ là thời điểm thích hợp để nắm giữ cổ phiếu mặc dù phía trước vẫn còn những yếu tố bất định.

ND9TNN còn rất nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Hoạt động IPO, thoái vốn tại các DNNN đã nguội lạnh từ 3-4 năm nay, điều này cũng tạo nên lo ngại rằng thị trường sẽ thiếu hàng hóa chất lượng để các đầu tư nước ngoài rót vốn vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Andy Ho, thực tế thị trường hiện nay không thiếu cơ hội đầu tư bởi lúc này nhu cầu huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân đang rất lớn, nhiều lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm như năng lượng, giáo dục, y tế,...

"Quan trọng nhất đối với các NĐTNN vẫn là bài toán lợi nhận và rủi ro. Sự biến động hiện nay của TTCK đã làm không ít nhà đầu tư bất an, tuy nhiên điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là các công ty niêm yết và tư nhân của Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả. Với sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế, chúng tôi tự tin rằng các doanh nghiệp này sẽ liên tục phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vữn cho nhà đầu tư trong dài hạn", ông Andy Ho đánh giá. 

Cũng cho rằng TTCK hiện đang có rất nhiều cơ hội, Giám đốc đầu tư Nguyễn Hoài Thu cho biết khi quan sát các doanh nghiệp trong một thời gian dài cho thấy có sự cải thiện rất tích cực trong quản trị và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mức tăng trưởng dự báo cho năm 2023 là 19,1% vượt xa rất nhiều so với mức tăng trưởng GDP Việt Nam.

"Một vài ví dụ khi nói về sự hấp dẫn của thị trường có thể kể đến như ngành công nghệ với mức tăng của FPT 26%; ngành bất động sản khu công nghiệp, cảng biển cũng đạt được những mức tăng trưởng tốt; ngành ngân hàng vẫn còn một số lo ngại tuy nhiên trong năm tới sẽ tăng trưởng ở mức 37%. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý với ngành bất động sản và ngân hàng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng cổ phiếu bởi hiện đang tồn tại rất nhiều rủi ro", Giám đốc đầu tư VinaCapital chia sẻ.

Riêng vấn đề về room ngoại, bà Thu cho rằng vấn đề này không còn quá quan trọng trong bối cảnh hiện nay do nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn từ 2021 và đang rút vốn nhẹ trong năm 2022 dẫn điến việc những doanh nghiệp mà trước đây hết room thì bây giờ có khoảng trống để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào.

Nhận định về khả năng rút lui của vòng vốn ngoại vào năm 2023. Đại diện Vinacapital nói đây là một câu hỏi khó khi năm 2021 thị trường tăng trưởng nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn rút lui. Có hai lý do cho việc khi một số nước trong khu vực đang thu hút được nhà đầu tư nước ngoài trong khi trên thị trường Việt Nam ghi nhận sự rút lui nhẹ vào năm 2022.

Thứ nhất, 2022 là năm của thị trường hàng hóa nên một số nước như Thái Lan, Indonesia thu hút được dòng vốn qua thị trường này. Thứ hai, Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên trong khi các nước trên đã là thị trường mới nổi nên có mức rủi ro cao hơn. Về tương lai khó có thể dự báo, tuy nhiên sự tăng lên của USD sẽ đến một mức cản và đảo ngược nếu Fed có sự thay đổi chính sách.

"Đến khi các nhà đầu tư dài hạn nước ngoài xem xét các thị trường khác ngoài Mỹ sẽ nhận thấy được sự hấp dẫn về tốc độ tăng trưởng kinh tế; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn thì sẽ quay trở lại Việt Nam", bà Thu phân tích.

Huy Nguyên