|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam trong top 10 nước có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn nhất thế giới

09:07 | 21/11/2021
Chia sẻ
Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với 16.504 MW, chiếm 2,3% toàn cầu. Công suất trên đầu người của Việt Nam đạt 60 W/người.

Theo Visual Capitalist, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch và xu hướng của tương lai. Dù nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 4,5% trong năm 2020, các công nghệ năng lượng tái tạo vẫn cho thấy những bước phát triển đầy tiềm năng.

Những năm gần đây, điện mặt trời đang phát triển với tốc độ nhanh như vũ bão.

Trong năm ngoái, thế giới đã lắp đặt thêm hơn 127 GW năng lượng mặt trời, tương đương 127 tỷ W, mức tăng theo năm lớn nhất từ trước đến nay.

Hiện, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời với 254.355 MW, chiếm 35% tổng số toàn cầu.

Trung Quốc đang tích cực phát triển năng lượng mặt trời và gió, dự án lớn nhất thế giới đang triển khai có thể đẩy tổng công suất lắp đặt năng lượng sạch của nước này lên tới 400.000 MW.

Việt Nam nằm top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Nguồn: Visual Capitalist.

Sau Trung Quốc, Mỹ với 75.572 MW, chiếm 10% tổng số toàn cầu.

Theo số liệu mới nhất, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của Mỹ đã vượt mốc 100.000 MW sau khi lắp đặt thêm 50.000 MW trong 3 tháng đầu năm 2021.

Mức tăng trưởng năng lượng mặt trời hàng năm của Mỹ đạt 42% trong thập kỷ qua. Các chính sách như tín dụng thuế đầu tư năng lượng mặt trời, hỗ trợ tín dụng thuế 26% đối với các hệ thống năng lượng mặt trời thương mại và dân cư giúp thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Theo đó, công suất năng lượng mặt trời trên đầu người của Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 147 và 237 W/người.

Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 nơi có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với 16.504 MW, chiếm 2,3% toàn cầu. Công suất trên đầu người của Việt Nam là 60 W/người.

Còn lại trong top 10, Nhật Bản chiếm 9,4%, Đức chiếm 7,5%, Ấn Độ chiếm 5,5%, Italy chiếm 3%, Australia chiếm 2,5%, Hàn Quốc chiếm 2% và Tây Ban Nha chiếm 2%.

Việt Nam nằm top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Nguồn: Visual Capitalist, Việt hóa: Alex Chu.

Vào năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 và nước này đang thực hiện các bước để đạt được điều đó.

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng mặt trời và dường như nước này đã cởi trói cho chuỗi cung ứng ngành công nghiệp này.

Cụ thể, vào năm 2019, các công ty Trung Quốc đã sản xuất 66% polysilicon của thế giới. Polysilicon là khối cấu tạo ban đầu của các tấm pin quang điện (PV) dựa trên silicon. Đáng chú ý, hơn 3/4 pin mặt trời đến từ Trung Quốc, cùng với 72% tấm pin PV trên thế giới.

Như vậy, không ngạc nhiên khi 5 trong tổng số 10 công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đều ở Trung Quốc và con số này có thể gia tăng khi nước này chuyển sang trạng thái trung hòa carbon.

Quá trình chuyển đổi năng lượng là yếu tố quyết định sự lớn mạnh của ngành năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời có tốc độ tăng trưởng tốt nhờ việc chi phí sản xuất đang giảm dần và rẻ nhất trong các năng lượng mới.

Kể từ năm 2010, giá điện mặt trời đã giảm 85%, từ 0,28 USD xuống còn 0,04 USD/kWh.

Theo các nhà nghiên cứu của MIT, quy mô càng rộng thì chi phí phát triển càng nhỏ. Nói cách khác, khi thế giới lắp đặt và sản xuất nhiều tấm pin mặt trời hơn, việc sản xuất trở nên rẻ và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong năm 2021, chi phí lắp đặt năng lượng mặt trời tăng do các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhưng đây chỉ là diễn biến nhất thời vì các nút thắt đang được cởi bỏ.

Hoàng Anh