|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vai trò của ngân hàng trong các phương án phát hành trái phiếu, người mua nên nhận thức đúng thay vì chỉ nhìn vào lợi suất

07:00 | 13/04/2022
Chia sẻ
Trái phiếu phát hành riêng lẻ vốn là những khoản đầu tư rủi ro cao nhưng khi được giao dịch qua các ngân hàng, công ty chứng khoán, người mua dường như lại bỏ qua những yếu tố như đánh giá tài chính doanh nghiệp mà thường chỉ chăm chú nhìn vào lợi suất.

 

Ngân hàng là chủ thể phát hành chiếm 35% thị phần trái phiếu doanh nghiệp và là người mua hơn 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (nhóm phát hành TPDN lớn nhất) trên thị trường năm 2021. Những con số cho thấy ngân hàng đóng một vai trò rất quan trọng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với sự đa chức năng, vừa là ngân hàng thương mại, vừa là ngân hàng đầu tư, các ngân hàng tại Việt Nam có thể tham gia vào việc hỗ trợ phát hành trái phiếu và phân phối trái phiếu trên thị trường với các vai trò như tổ chức bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối, bảo lãnh thanh toán hay đơn vị quản lý tài khoản thanh toán, quản lý tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo các chuyên gia phân tích lượng trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng (ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm thanh toán gốc, lãi thay tổ chức phát hành nếu họ không trả được) chiếm tỷ trọng rất thấp.

Tại Việt Nam, các ngân hàng thường đóng vai trò các nhà phân phối hoặc đôi khi chỉ là đơn vị quản lý tài khoản, tài sản đảm bảo để nhận phí dịch vụ từ các doanh nghiệp phát hành.

"Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ", chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”.

Sơ đồ dòng chảy của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

 Nguồn: Fiin Group.

Với vai trò là tổ chức bảo lãnh phát hành, ngân hàng cam kết sẽ bán hết trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành. Nếu các nhà đầu tư không mua hết thì ngân hàng bảo lãnh sẽ mua toàn bộ phần còn lại.

Đối với chức năng đại lý phát hành, ngân hàng sẽ thực hiện bán trái phiếu cho các nhà đầu tư theo đúng cam kết với tổ chức phát hành. Trường hợp không bán hết, đại lý được trả lại cho tổ chức phát hành số trái phiếu còn lại. 

Trong khi đó đại lý quản lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) có trách nhiệm nhận và quản lý TSBĐ cho trái phiếu; thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu và một số vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp phát sinh theo quy định của pháp luật.

Giới hạn trách nhiệm của ngân hàng khi tham gia vào quá trình doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng được thể hiện tại vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu mới đây.

Sau khi Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì cáo buộc công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, các ngân hàng SHB và VietinBank đã lần lượt đưa ra thông cáo cho biết họ không có trách nhiệm trong việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của Tập đoàn.

"Ngân hàng SHB không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư, không phân phối các lô trái phiếu vừa bị huỷ", thông cáo của SHB khẳng định. 

Vai trò của các ngân hàng trong quá trình phân phối trái phiếu cũng được Bộ Tài chính đưa ra trong cảnh báo tới các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân, nhóm được đánh giá là có khả năng chịu rủi ro thấp nhất.

Bộ Tài chính cho biết các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán thực hiện phân phối trái phiếu chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

"Do đó các tổ chức này không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành", thông tin từ Bộ Tài chính ghi rõ.

Như vậy, có thể thấy vai trò của ngân hàng trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức cung cấp dịch vụ đơn thuần, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ lại đang tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau.

Sự hiểu lầm này khiến các nhà đầu tư chủ quan hơn trong quá trình đánh giá tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành và ra quyết định đầu tư khiến bản thân đứng trước những rủi ro chưa được nhận thức đúng.

 

Tại các ngân hàng, sản phẩm trái phiếu được chào bán tới nhiều khách hàng, cả cá nhân và doanh nghiệp như một trong những sản phẩm đầu tư thông thường. Ngân hàng bán nhiều loại trái phiếu khác nhau như trái phiếu của chính ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp khác.

Trái phiếu của ngân hàng (chiếm 35% lượng trái phiếu trên thị trường - năm 2021) thường nhận được sự tin tưởng cao mặc dù không có tài sản bảo đảm và do đó lãi suất của trái phiếu cũng ở mức thấp, 

Theo khảo sát thực tế, mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm khoảng từ 1 - 1,5 điểm %. Cuối năm 2021, mức lãi suất trái phiếu ngân hàng cao nhất thuộc về Ngân hàng Bản Việt Viet Capital Bank với 8,5%/năm cho kì hạn 7 năm. 

Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp lại nổi lên với ưu thế lãi suất cao, mức chênh với lãi tiết kiệm có thể lên tới 2 - 4 điểm % với tuỳ loại trái phiếu khác nhau. Số liệu của Fiin Groups cho thấy lãi suất trái phiếu phát hành trong năm 2021 có giảm so với năm 2020 tuy nhiên vẫn hấp dẫn hơn tương đối so với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm.

 

Theo các chuyên gia của Fiin Group, mặc dù ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là hai lĩnh vực dẫn đầu về phát hành trái phiếu nhưng mức độ tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân thì chủ yếu vẫn là trái phiếu doanh nghiệp BĐS lưu hành trên thị trường. 

 

Rà soát số liệu trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối năm là không đáng kể so với số lượng họ mua vào trong năm, như vậy đã có sự phân phối đáng kể số lượng trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Fiin Group

Ngân hàng và các công ty chứng khoán, những người mua lớn nhất trên thị trường sơ cấp cũng là người sẽ phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp tới tay các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp. 

Theo chia sẻ từ một chuyên viên cao cấp tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn, ngân hàng phân phối nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp khác nhau, với các kỳ hạn khác nhau và các khách hàng mua thường quan tâm đến tên doanh nghiệp và lãi suất. Chỉ cần là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn được nghe nhắc đến nhiều là sẽ xuống tiền đầu tư.

Bên cạnh đó, với một số trái phiếu phân phối, ngân hàng cũng sẽ cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán hoặc cam kết mua lại trái phiếu, tuy nhiên khách hàng sẽ phải chịu một mức phí bảo lãnh tuỳ theo các loại trái phiếu khác nhau.

Với trái phiếu của những doanh nghiệp ít có tên tuổi, mức phí bảo lãnh thanh toán sẽ càng cao. Nhiều khi mức phí này sẽ "ăn" hết phần chênh lệch với lãi suất tiết kiệm. Do đó, phần lớn khách hàng sẽ không lựa chọn phương án mua thêm bảo lãnh nhằm hưởng được mức lợi suất cao nhất.

Đó cũng là căn nguyên khiến cho các nhà đầu tư đối mặt với những rủi ro khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp vấn đề về dòng tiền, vốn.

Đọc tiếp: 4 rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cách để giảm thiểu trước khi xuống tiền 

Diệp Bình