|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao?

10:41 | 24/06/2021
Chia sẻ
Nhờ vào việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin từ sớm, những nơi từng là điểm nóng của đại dịch như Mỹ và châu Âu, cuộc sống của người dân nơi đây đã dần trở lại bình thường.

Với hơn 2,7 tỷ liều vắc xin COVID-19, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại đang được triển khai. Các quốc gia trên thế giới đều đang tiến hành đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi đại dịch.

Vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao? - Ảnh 1.

Người dân ngồi ngoài trời tại một nhà hàng ở London, Anh, hôm 14/6. (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát gần đây được Reuters đăng tải vào hồi tháng 5 cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại vắc xin khiến tốc độ tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Tại Philippines, cứ 10 người dân nước này thì có tới 6 người không muốn tiêm vắc xin. Câu hỏi đặt ra, vậy vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao?

Mỹ: Từ mức trung bình hơn 250.000 ca hồi tháng 1 xuống hơn 12.000 ca trong tuần qua

Quay trở lại thời điểm khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, nơi đây được xem là những điểm nóng của đại dịch khi ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày.

Trong thời điểm năm 2020 đến đầu 2021, nước Mỹ đã phải hứng chịu một cú sốc kép về dịch tễ và kinh tế. Dịch bệnh COVID-19 hoành hành dữ dội, nước Mỹ phải đối mặt với hơn 16 triệu ca nhiễm và gần 300.000 người chết. Theo thống kê của Our World in Data, vào thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ nhất vào những tháng cuối năm 2020, nước Mỹ ghi nhận khoảng hơn 250.000 ca mỗi ngày, cùng với đó là trung bình gần 3.000 ca tử vong mỗi ngày.

Vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao? - Ảnh 2.

Số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ tỷ lệ nghịch với số người được tiêm phòng vắc xin COVID-19 ở đây. (Nguồn: Bloomberg).

Các hoạt động kinh tế, ngoại giao bị ngưng trệ do việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Không những thế, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã buộc phải tạm dừng sản xuất vì thiếu chip máy tính. Các nhân viên y tế đang chiến đấu với đại dịch COVID-19 thiếu khẩu trang vì phải chờ đợi nguồn cung từ Trung Quốc.

Thế nhưng, sau hơn một năm đại dịch bùng phát, Mỹ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm vắc xin COVID-10. Cho tới nay, đã có hơn 50% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Tổng thống Joe Biden cũng đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin cho 70% dân số trưởng thành trước lễ Quốc khánh 4/7.

Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, tức là 70 - 80% dân số được tiêm, vẫn còn là mục tiêu khá xa thế nhưng cho tới thời điểm này. Dù vậy, vắc xin đã dần chứng minh được vai trò là lá chắn tích cực khi tỷ lệ ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia này đã có dấu hiệu giảm dần.

Số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Mỹ giảm mạnh kể từ khi triển khai tiêm chủng, từ mức trung bình hơn 250.000 hồi tháng 1 xuống khoảng hơn 12.000 ca trong tuần qua. Bên cạnh đó, số người nhập viện và tử vong cũng giảm xuống đáng kể.

Số ca bệnh giảm dần khi độ bao phủ của vắc xin tăng

Vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao? - Ảnh 3.

Số ca mắc COVID-19 tại các quốc gia châu Âu cũng giảm dần khi các nước bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. (Nguồn: Bloomberg).

Những tín hiệu tích cực này cũng xuất hiện tại các nước châu Âu, nơi chiến dịch tiêm chủng thần tốc được triển khai, số ca bệnh hằng ngày tại khu vực này đang có dấu hiệu giảm dần trong thời gian vừa qua. Chính phủ nhiều nước cũng đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Điển hình tại Anh, vào ngày 8/12/2020, nước này đã tiến hành phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Tính đến nay, độ bao phủ vắc xin tại quốc gia này đã đạt 55.9% và có khoảng hơn 43 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna. Chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả dân số trưởng thành vào cuối tháng 7.

Vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao? - Ảnh 4.

Nước Anh từng phải đối diện với làn sóng lây nhiễm phức tạp do biến chủng mới của COVID-19 gây nên, biến chủng vi rút B.1.1.7. (Nguồn: Bloomberg).

Thành quả của việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 tại Anh đã cho thấy rõ số ca nhiễm và tử vong tại đây đã có xu hướng giảm nhanh chóng so với mùa hè năm ngoái. Tỷ lệ nhập viện tại đây chủ yếu do chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Vào ngày 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trì hoãn việc mở cửa trở lại trong 4 tuần nhằm tạo điều kiện cho nhiều người trưởng thành tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai. Điều này phần nào chứng minh hiệu quả của vắc xin trước những biến thể mới.

Vắc xin đã thực sự giúp các điểm nóng COVID-19 trên thế giới hạ nhiệt ra sao? - Ảnh 5.

Israel là một điểm sáng trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng. (Nguồn: Bloomberg).

Tương tự với các quốc gia ở châu Âu, Israel là một trong số quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng COVID-19. Vào tháng 2 năm nay, quốc gia này đã hoàn thành tiêm đủ vắc xin cho 84% người cao tuổi. Đến nay, độ bao phủ vắc xin tại quốc gia này đã đạt 58.6%.

Đồng thời số ca nhiễm trong hai tháng vừa qua ở mức thấp chỉ vài chục ca mỗi ngày, trong khi trước đó vào thời điểm cuối 2020 đầu 2021, nước này phải đối mặt với trung bình gần 7.000 ca nhiễm mỗi ngày. Điều này cho thấy rõ tác dụng tích cực của vắc xin COVID-19 đã giúp cho số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm nhanh chóng ở Israel.

Có thể thấy vắc xin COVID-19 đang giúp người dân của các quốc gia tại châu Âu hay Mỹ thư thái hơn, đất nước cũng tiến tới trạng thái "bình thường mới". Giai đoạn học cách sống chung bình thường với dịch bệnh, khi những hạn chế đi lại hay biện pháp phong tỏa dần được gỡ bỏ ở nhiều nước.

Phương Trang