Từng là nguyên nhân nghiền nát các cửa hàng bách hoá, Amazon lại đang muốn mở chuỗi bán lẻ trên khắp nước Mỹ
Tờ Wall Street Journal cuối tuần này đã trích dẫn nguồn tin cho hay Amazon sẽ mở các cửa hàng bách hoá trên khắp nước Mỹ, bắt đầu tư Ohio và California. Các cửa hàng dự kiến sẽ có diện tích khoảng 2.700 m2, bằng khoảng 1/3 diện tích bách hoá truyền thống.
Trong những cửa hàng này, Amazon sẽ bán quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử và các loạt hàng hoá khác. Dòng sản phẩm OEM độc quyền do công ty tự sản xuất dự kiến cũng sẽ có mặt và được ưu tiên trưng bày.
Amazon từ chối bình luận về kế hoạch này. "Chúng tôi không bình luận về những tin đồn và suy đoán", một phát ngôn viên của công ty viết trong email.
Nếu thông tin trên là đúng, thì có vẻ rất lạ khi Amazon - công ty nắm giữ 40% tổng số mua sắm trực tuyến tại Mỹ, lại muốn mở thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành lại cho rằng điều đó có thể xảy ra.
Họ cho biết kế hoạch này sẽ là một cách giúp Amazon thử nghiệm và học hỏi thói quen mua sắm của khách hàng. Người tiêu dùng thích được mặc thử quần áo, xem xét đánh giá hàng hoá bằng mắt thường trước khi quyết định xuống tiền. Các nhà phân tích cho rằng chuỗi bán lẻ cũng sẽ giúp thúc đẩy các sản phẩm thương hiệu riêng do Amazon sản xuất, vốn ít được biết tới hơn.
Các cửa hàng như vậy cũng sẽ mang tới cho Amazon những kho trung tâm, nơi khách hàng có thể đến để đổi/hoàn trả sản phẩm họ đã mua trên web, tương tự như một kho hàng để vận chuyển hàng hoá tới nhà người mua một cách nhanh hơn.
Theo phân tích, việc mở chuỗi cũng có ý nghĩa dưới góc độ bát động sản, khi các mặt tiền cửa hàng đang bị bỏ trống nằm quanh các thành phố và bên trong trung tâm thương mại. Amazon có thể chuyển tới mở cửa hiệu với chi phí thấp.
Tuy nhiên, tham vọng trên không hẳn không có những rủi ro. Amazon không hề có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc điều hành các cửa hàng bách hoá.
Tiếp cận tệp khách hàng không muốn mua online, trở thành trung tâm phân phối
Theo dữ liệu từ Cục Điều tra dân số Mỹ, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hoá đã giảm từ 184 tỷ USD năm 2010 xuống còn 135 tỷ USD vào năm 2019. Đến năm 2020, con số này chỉ còn 114 tỷ USD.
Sự sụt giảm này đã khiến một số chuỗi bán lẻ vốn đang gặp khó khăn như Neiman Marcus, JC Penney, Lord & Taylor và Stage Stores rơi vào cảnh phá sản. Công ty nghiên cứu bất động sản Green Street cho hay gần 1.000 cửa hàng bách hoá đã đóng cửa kể từ năm 2018.
Khoảng trống trên thị trường mở ra do sự sụp đổ của nhiều chuỗi bán lẻ có thể là một phần lý do khiến Amazon tính toán để mở những cửa hàng vật lý như vậy. Giáo sư Venkatesh Shankar tại Đại học Texas A&M cho biết: "Họ đã lên kế hoạch từ lâu để nắm bắt cơ hội đó. Và cơ hội đã được tạo ra khi nhiều cửa hàng bách hoá phải đóng cửa. Amazon đang nhận được các hợp đồng với giá thuê mặt bằng hấp dẫn."
Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, bất chấp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử, các cửa hàng vật lý vẫn chiếm khoảng 84% tổng doanh số bán lẻ tại quốc gia này.
Giáo sư Shankar nhận xét: "Trực tuyến là một kênh bán hàng tiện lợi và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn xây dựng thương hiệu thì hiện diện truyền thống là rất quan trọng."
Các nhà phân tích cho rằng cửa hàng bách hoá có thể là phương tiện để Amazon giành những khách hàng vốn có thói quen mua sắm tại các cửa hàng, không sở hữu thẻ tín dụng để mua trực tuyến hoặc sống ở những khu vực mà Amazon chưa triển khai dịch vụ giao hàng.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ tại Columbia Mark Cohen nói rằng: "Tôi tin Amazon với ý định vô tận là tiếp tục phát triển, có ý định mở cửa hàng để khai thác lượng khách hàng không thể hoặc không muốn mua sắm qua thương mại điện tử."
Trong các sản phẩm Amazon định bán tại những cửa hàng này, theo Cohen, quần áo và đồ trang trí nhà cửa là hai thứ thu hút khách hàng muốn chạm và cảm nhận sản phẩm thực tế hơn là mua chúng trên mạng.
Amazon đang cố gắng xây dựng các nhãn hiệu riêng của mình như Amazon Essentials, Goodthreads, quần áo Core 10, và đồ nội thất Stone & Beam. Những cửa hàng bách hoá này sẽ mang tới cho Amazon nền tảng để giới thiệu sản phẩm với những khách hàng ít quen thuộc.
"Các cửa hàng này sẽ giúp Amazon làm tốt hơn nhiều trong việc giới thiệu sản phẩm của mình, đặc biệt là thương hiệu riêng", Neil Saunders, CEO GlobalData Retail, nói.
Cuối cùng, Amazon đang gấp rút mở rộng giao hàng trong ngày và các cửa hàng này có thể tăng diện tích gấp đôi để trở thành trung tâm vận chuyển cho các đơn đặt hàng trực tuyến nhanh chóng.
"Những cửa hàng này sẽ hoạt động như những trung tâm phân phối cuối cùng tại các khu đô thị đông dân cư, nơi không thể có được một kho hàng riêng. Đây sẽ là lợi thế cho việc giao hàng trong ngày, thậm chí giao hàng tính bằng giờ", Matthew Katz, đối tác quản lý tại công ty Tư vấn SSA & Co, nói.
Amazon từng thất bại với cửa hàng vật lý
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo Amazon có thể tạo ra một cửa hàng bách hoá thu hút được khách hàng. Những cửa hàng vật lý trong quá khứ của họ đã minh chứng cho điều này.
Năm 2015, công ty mở cửa hàng vật lý đầu tiên, đó là Amazon Books, tại Seattle. Hai năm sau, họ mua lại 471 cửa hàng thuộc Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. Amazon cũng có hàng chục cửa hàng 4 sao gọi là Amazon Go, nơi hàng hoá được bán ra không có thu ngân,….
Tính đến 31/12/2020, Amazon đã sở hữu 611 cửa hàng tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, những cửa hàng này lại không thành công như những gì kỳ vọng. Doanh số thực giảm 0,18% trong năm 2019 so với 17,2 tỷ USD năm trước đó và giảm tiếp 5,6% trong năm 2020.
"Amazon có một quá khứ khủng khiếp với các cửa hàng truyền thống", Sucharita Kodali, nhà phân tích tại Forrester cho hay. Ông nói rằng chuỗi bán lẻ là một mô hình đang ngấp ngoải và sẽ là một sai lầm đối với Amazon nếu tiến vào. "Các cửa hàng đã mở trước đây của Amazon không có gì nổi bật. Nó không cho thấy niềm tin vào các luận điểm rằng những cửa hàng tiếp theo sẽ thay đổi cuộc chơi."