TS. Nguyễn Đình Cung: 'Ẩn sau những con số vĩ mô 10 tháng khả quan, sức khỏe doanh nghiệp đang yếu dần'
Kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà phục hồi, kinh tế xã hội Việt Nam phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng: Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%; các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch xuất nhâp khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD,...
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), vẫn còn rất nhiều điểm cần lưu ý trong nền kinh tế như tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp, vốn FDI vào Việt Nam chậm lại hay xuất nhập khẩu giảm tốc,...
Thẳng thắn nhìn nhận về số liệu vĩ mô, TS. Cung cho rằng, những con số ngắn hạn không nói lên được nhiều điều. Kinh tế luôn có chuỗi và xu thế, ẩn đằng sau con số tích cực là những tín hiệu cần lưu ý.
"Cứ chặt ngang một điểm và nhìn nhận rằng kinh tế rất tốt, khả quan thì có lẽ phải xem xét lại", TS. Cung nói.
Phân tích kỹ hơn về những xu hướng đang diễn ra trong nền kinh tế, TS. Cung cho hay, nhìn vào số doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng cần đặt trong mối tương quan với số doanh nghiệp ở lại thị trường. Ví dụ như 10 tháng đầu năm nay, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng trụ lại được thị trường, có tăng hay không? Đó mới là xu hướng.
Ba xu hướng tiêu cực ẩn sau số liệu vĩ mô
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước có 125.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 52.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên gần 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó có 66.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 40.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 10 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 122.100 doanh nghiệp.
Bình luận về con số này, TS. Cung chỉ ra rằng, tỷ lệ số rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đang là gần 70%, một con số rất cao. Điều này có nghĩa, trong 10 tháng đầu năm, cứ 100 doanh nghiệp mới xuất hiện trên thị trường thì có tới 70 doanh nghiệp phá sản, rút khỏi thị trường.
Tỷ lệ này cao nhất từ trước đến nay, trước đây, nhiều giai đoạn tỷ lệ này chỉ ở khoảng 15-20%, ngay cả thời kỳ khủng hoảng 2009-2014, tỷ lệ này là khoảng 60%, nguyên Viện trưởng CIEM nêu số liệu.
Cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp kiệt quệ, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao. Con số này cũng thể hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Tuy rằng số gia nhập thị trường tăng lên nhưng số rút khỏi thị trường cũng rất lớn và có xu hướng tăng, TS. Cung chỉ ra.
Với số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, TS. Cung cũng cho rằng, cần làm rõ về số lượng giải ngân trong đó có bao nhiêu là đầu tư mới và bao nhiêu là góp vốn mua cổ phần. Vì số góp vốn mua cổ phần chỉ là thay thế vốn chứ không phải là đầu tư mới.
Số liệu thực về vốn FDI đầu tư mới quan trọng bởi đây là cái nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế chứ còn số mua cổ phần trên thị trường chứng khoán, góp vốn nhiều khi chỉ là đang “mua rẻ” của doanh nghiệp nội trong giai đoạn khó khăn, ông Cung đánh giá.
Trong giai đoạn dài hơn, nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra rằng, số vốn FDI vào Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm liên tục trong vòng mấy năm nay. Lượng vốn FDI vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đến nay mới đạt hơn 22 tỷ USD, bằng hơn 50% số vốn đăng ký mới trong năm 2019 (38 tỷ USD).
Ông Cung cũng lưu ý rằng, xu hướng này có nghĩa là sau này số vốn FDI giải ngân cũng sẽ giảm xuống bởi vốn đăng ký mới giảm thì vốn giải ngân rồi cũng sẽ giảm. Xu hướng đang xấu đi chứ không phải tích cực.
Tương tự, xuất nhập khẩu có tăng trưởng nhưng đang thấp dần cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm dần, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.
Theo ông Cung, các nhà hoạch định chính sách nên nhìn vào những xu hướng ẩn sau số liệu vĩ mô thay vì chỉ tập trung vào những “cái nhất” của Việt Nam như kiểm soát lạm phát hay tăng trưởng kinh tế.
"Xu hướng kinh tế thế giới đang xấu đi, xu hướng kinh tế của Việt Nam cũng không thể khác được. Thực tế mà nói, doanh nghiệp - một lực lượng xung kích, động lực trong phát triển kinh tế đang yếu dần", ông Cung nói.
"Cứu doanh nghiệp cũng là cứu nền kinh tế"
Trước những xu hướng tiêu cực vừa chỉ ra, theo TS. Cung tại thời điểm này chỉ có một cách là giảm thu, giãn thu thuế, phí để cứu doanh nghiệp cũng như cứu nền kinh tế.
Phân tích về nhận định trên, vị chuyên gia này cho rằng, chi phí tăng cao, lãi suất tăng, tỷ giá tăng rồi cuối cùng sẽ đẩy vào chi phí doanh nghiệp.
Ở nước ngoài, giá đầu vào tăng thì giá đầu ra cũng tăng, tương ứng với đó là tỷ lệ lạm phát. Còn nếu giá đầu vào tăng mà cố giữ giá đầu ra để kiềm lạm phát thấp thì chắc chắn biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, thậm chí thua lỗ rất nhiều.
Đáng lẽ khi giá đầu vào tăng thì doanh nghiệp cần số vốn tăng tương ứng như vậy để thanh khoản tiếp tục hoạt động, đằng này tín dụng bị thắt lại, doanh nghiệp không có vốn thì giai đoạn tiếp theo phải thu hẹp hoạt động sản xuất,kinh doanh, thậm chí đóng cửa. Điều này đồng nghĩa với nền kinh tế thực cũng sẽ khó khăn.
TS. Cung cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng, nhưng không chỉ có kiểm soát lạm phát mà phải cân bằng giữa cái lợi, cái hại của điều hành từng yếu tố vĩ mô, đánh giá lạm phát trong mối tương quan với các yếu tố khác chứ không chỉ đánh giá riêng lẻ lạm phát, hoặc thắt chặt tiền tệ quá mức.
Hiện chi phí nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp không thể không tăng theo giá thế giới, nguồn vốn bị thắt chặt nên chỉ còn cách hỗ trợ giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp trong đó lớn nhất là thuế và phí.
"Chính sách tài khoá lúc này phải nới lỏng, mở rộng, giảm thu, tăng chi cho doanh nghiệp và người dân có dư địa để hoạt động", ông Cung cho hay.
Với những gói tài khoá có tỷ lệ giải ngân rất thấp như gói hỗ trợ lãi suất 2%, khi đã không thấy hiệu quả thì cần nhanh chóng chuyển nguồn lực sang thực hiện giảm thuế, phí cho doanh nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế một cách nhanh nhất.
TS. Cung nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là cần hỗ trợ, củng cố và khích lệ tinh thần doanh nghiệp, để họ cùng đồng lòng chống chịu những thay đổi và vượt qua những khó khăn lúc này. Cứu doanh nghiệp cũng chính là cứu nền kinh tế.