Trả lương tới 70 triệu đồng/tháng, Việt Nam vẫn thiếu hụt trầm trọng lập trình viên
Bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu, thị trường công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng của khu vực.
Thỏi nam châm hút vốn đầu tư
Sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố then chốt giúp Việt Nam củng cố vị thế là trung tâm công nghệ khu vực. Nửa đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 11,63 tỷ USD thặng dư thương mại, phần lớn nhờ vào các khoản đầu tư từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Những công ty đa quốc gia như Samsung, Intel và LG liên tiếp mở rộng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành một điểm đến hàng đầu cho các trung tâm công nghệ khu vực.
Cùng với việc Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc, các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành trọng tâm phát triển. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực lành nghề cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành CNTT Việt Nam.
Chính phủ đã đề ra các chiến lược nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó có việc tích hợp AI và các công nghệ đám mây vào giáo dục và doanh nghiệp. Điều này đảm bảo rằng Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Đông Nam Á.
Bùng nổ việc làm IT
TopDev -nền tảng tuyển dụng IT hàng đầu tại Việt Nam, vừa công bố báo cáo ghi nhận thị trường việc làm CNTT tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, và an ninh mạng.
Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ cao đang tăng mạnh, với mức lương cho các chuyên gia trong các lĩnh vực này liên tục gia tăng. Theo báo cáo, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính dao động từ 1.100 đến 3.000 USD mỗi tháng, tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm.
Các vị trí chuyên sâu như kỹ sư AI và chuyên gia bảo mật thông tin có thể nhận được mức lương vượt xa con số trung bình, nhờ vào sự khan hiếm nhân lực và tầm quan trọng của những vai trò này trong các doanh nghiệp.
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Một trong những thách thức đáng kể là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn sâu. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường IT Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp trong việc triển khai các chương trình đào tạo upskilling và reskilling cho nhân viên (nâng cao kỹ năng và đào tạo lại).
Cửa sáng khởi nghiệp CNTT
Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhờ vào sự hỗ trợ từ Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế. Theo báo cáo của TopDev, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về số lượng dự án khởi nghiệp nhận được đầu tư.
Trong năm ngoái, tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ tại Việt Nam đạt 529 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, và thương mại điện tử.
Một xu hướng khác trong ngành là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư quốc tế. Chẳng hạn dự án Qualcomm Vietnam Innovation Challenge mở ra cơ hội cho các startup Việt Nam tiếp cận với những công nghệ hàng đầu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và viễn thông.
Hay chương trình Google for Startups Accelerator đã cung cấp các nguồn lực hỗ trợ như vốn đầu tư và kỹ thuật cho các startup, giúp họ tăng tốc phát triển và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, ngân hàng và dịch vụ công. Chuyển đổi số mang lại thay đổi đáng kể trong cách thức vận hành của doanh nghiệp, với trọng tâm là tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.
Báo cáo đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,5% GDP quốc gia và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 20% hàng năm. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ này, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số để giữ vững vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.
Thách thức
Mặc dù thị trường CNTT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển vượt bậc, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải đối mặt.
Một trong những thách thức chính là hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G, các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây đang dần trở thành nhu cầu tất yếu. Để có thể tiếp tục phát triển bền vững, Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ ngày càng tăng.
Vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp IT. Trong thời đại mà các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng và quy định bảo mật dữ liệu trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ cải tiến công nghệ mà còn phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về bảo mật dữ liệu.
Cũng theo báo cáo, một trong những thách thức lớn đối với thị trường lao động IT là sự gia tăng yêu cầu tuyển dụng các vị trí có kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực phức tạp như an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu về những chuyên gia giàu kinh nghiệm vượt xa nguồn cung, tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.