Top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm mới cao nhất năm 2022
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2022, các ngân hàng có động lực đẩy mạnh nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm trong điều kiện room tín dụng hạn chế.
Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance tăng 45% so với cùng kỳ và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% so với cùng kỳ. Các ngân hàng dẫn đầu vè doanh số bán bảo hiểm bao gồm MB, VIB, Sacombank, ACB, VCB.
Cụ thể, doanh số bảo hiểm mới của MB đạt 2.143 tỷ đồng, dẫn đầu trong danh sách các ngân hàng VCBS theo dõi. Theo sau là VIB và Sacombank với tổng doanh số bảo hiểm mới đạt lần lượt 1.868 tỷ đồng và 1.817 tỷ đồng.
Những ngân hàng khác cũng góp mặt trong Top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm mới cao nhất năm 2022 có thể kể đến ACB (1.716 tỷ đồng), Vietcombank (1.691 tỷ đồng), Techcombank (1.664 tỷ đồng), VPBank (1.602 tỷ đồng), HDBank (1.326 tỷ đồng), VietinBank (1.038 tỷ đồng) và MSB (857 tỷ đồng).
VCBS cho biết một số ngân hàng chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Các ngân hàng như MB, Techcombank, VIB,… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
Trong 2022, các ngân hàng Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank và VPBank ghi nhận một phần phí Upfront cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết. Thị trường ghi nhân hợp đồng bancassurance của LienVietPostbank trong quý IV/2022 và có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các thương vụ ký kết mới của HDBank và VIB trong 2023.
Bên cạnh đó,việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước đây.
Ngân hàng lãi nghìn tỷ từ bán bảo hiểm
Bancassurance là hình thức hợp tác nở rộ từ năm 2017 với loạt thương vụ ký kết độc quyền dài hạn (15-20 năm) giữa ngân hàng và các hãng bảo hiểm nhân thọ như Techcombank với Manulife; Nam A Bank với FWD; Sacombank với Dai-ichi; Prudential với VIB; VPBank với AIA; ...
Qua thời gian, bancassurance dần được coi là nguồn thu béo bở mang lại doanh thu lớn cho ngân hàng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng, chỉ có MB, VPBank, Techcombank, VIB, TPBank SeABank và KienlongBank công bố chi tiết doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm.
Trong đó MB ghi nhận doanh thu tại mảng này lớn nhất khi mảng bảo hiểm mang về cho ngân hàng hơn 10.100 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 21,4% so với năm trước và chiếm 71,5% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ (14.243 tỷ đồng). Doanh thu này đến từ việc ngân hàng sở hữu hai công ty con về bảo hiểm là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và MB Ageas Life.
Tại VPBank, thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm năm 2022 đạt 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021 và chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ của ngân hàng. Với Techcombank, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm là 1.571 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng này của VIB là 1.303 tỷ đồng, TPBank là 877 tỷ đồng và SeABank là 534 tỷ đồng.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Chứng khoán VnDirect cho rằng tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023 do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và theo đó, là nhu cầu mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động bán chéo bảo hiểm giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng phí dịch vụ bảo hiểm.