|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thủ phủ phân lô tại Khánh Hòa kỳ 2: Cẩn trọng nguy cơ trắng tay của nhà đầu tư F0

07:46 | 02/11/2021
Chia sẻ
Khánh Hòa từng trải qua giai đoạn giá đất tăng dựng đứng tại khu vực Bắc Vân Phong và một số khu vực khác với hàng loạt nhà đầu tư F0 mắc cạn và hiện nay là khu vực Cam Lâm vẫn đang nóng lên từng ngày.
Thủ phủ phân lô tại Khánh Hòa kỳ 2: Cẩn trọng nguy cơ trắng tay của nhà đầu tư F0 - Ảnh 1.

Loạt ô đìa nuôi trồng thủy sản tại Cam Lâm được nâng cấp thành đất ở để phân lô, bán nền. (Ảnh: A.C).

Khi "lựu đạn" được rút chốt

Giai đoạn đầu năm 2018, huyện Vạn Ninh, khu vực được dự kiến trở thành đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong đã chứng kiến hiện tượng giá đất tăng vài chục đến hàng trăm lần giá trị thực.

Thời điểm đó, dòng người từ các địa phương khác đổ về Bắc Vân Phong để buôn đất khiến giá đất "dựng đứng". Tuy nhiên, khi quy hoạch đặc khu tạm dừng, giá đất nhanh chống về lại giá trị thực.

Hàng loạt nhà đầu tư không kịp sang tay lô đất "đặc khu" buộc phải ôm những lô đất nông nghiệp khu vực hẻo lánh có giá tương đương khu vực trung tâm TP Nha Trang. Không ít nhà đầu tư đã ôm nợ, buộc bán tháo để thu hồi vốn nhưng tất cả đã quá muộn khi "lựu đạn" mang tên đất nền đã rút chốt và chuyền đến tay người cuối cùng.

Tại Cam Lâm, giá đất cũng bắt đầu tăng từ năm 2018 khi du lịch phát triển. Nhiều cửa hàng phục vụ khách Trung Quốc xuất hiện khiến giá đất tăng từng ngày.

Giá đất Cam Lâm vẫn tiếp tục tăng từ năm 2018 đến giữa năm 2020 do các sàn môi giới, công ty bất động sản bơm thổi và quảng cáo "trên trời", bất chấp dịch bệnh COVID-19.

Thủ phủ phân lô tại Khánh Hòa kỳ 2: Cẩn trọng nguy cơ trắng tay của nhà đầu tư F0 - Ảnh 2.

Cường Thịnh Land giới thiệu dự án Cam Lâm Riverside nhưng thực chất là đất phân lô, bán nền. (Ảnh: Cường Thịnh Land).

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB) cho biết, nguồn cung nhà ở tại Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung trong những năm gần đây bị gián đoạn và hạn chế vì nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Do đó, thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản "đục nước béo cò" chuyển hướng sang hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực lân cận TP Nha Trang như huyện Cam Lâm.

"Nhóm đầu cơ có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp thường đi đến những vùng ven triển khai thu mua ồ ạt đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân địa phương.

Sau công đoạn chuyển mục đích rồi phân lô, họ sẽ cùng nhau tạo sóng để bán hàng qua các kênh mạng xã hội, thậm chí còn tổ chức những buổi lễ trực tiếp mở bán hoành tráng tại Hà Nội hay TP HCM,… Người tham gia nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ nhầm lẫn đây là một dự án khu đô thị nào đó", ông Hoàng cho hay.

Thiệt hại thường rơi vào nhà đầu tư F0

Thủ phủ phân lô tại Khánh Hòa kỳ 2: Cẩn trọng nguy cơ trắng tay của nhà đầu tư F0 - Ảnh 3.

Hàng loạt lô đất nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm tại Cam Lâm được chuyển đổi thành đất ở từ giai đoạn 2018. (Ảnh: Khải An).

Hồi tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản số gửi các sở, ngành và các địa phương yêu cầu thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đặc biệt là tại huyện Cam Lâm, tình trạng phân lô, bán nền thổi giá đất vẫn tiếp tục tái diễn không có dấu hiệu suy giảm thậm chí còn rầm rộ hơn.

Theo ông Phan Việt Hoàng, các khu đất triển khai phân lô, bán nền không lập dự án đầu tư dẫn đến tình trạng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, trực tiếp phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, hình thành số lượng lớn các khu dân cư đi vào "ngõ cụt" và địa phương cũng mất đi nguồn đất sản xuất.

Đặc biệt, đối với những dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc tiếp cận với quỹ đất bởi tình trạng đất "da beo", đồng nghĩa với việc mất cơ hội thu hút đầu tư của địa phương.

"Thực tế hiện nay, đa số các khu đất phân lô, bán nền đều nằm trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp,... không đưa vào sử dụng gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên và an sinh xã hội", ông Hoàng cho biết.

Chia sẻ thêm về rủi ro của các nhà đầu tư vào phân khúc đất nền, Tổng Thư ký KAREB cho biết, bất động sản thuộc top kênh đầu tư giúp nhiều người làm giàu nhanh chóng. Song cũng có không ít những người phải chịu thiệt hại.

"Nhóm này thường rơi vào những đối tượng được ví như F0 trên thị trường bất động sản. Những nhà đầu tư mới bén duyên với lĩnh vực này trong thời gian ngắn, hoặc bắt trend dịch chuyển dòng tiền từ các kênh khác nhau về bất động sản, trong đó chứng khoán và ngoại tệ chiếm số lượng lớn", ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường đất nền thường có ít kiến thức và thông tin về ngành bất động sản. Họ cũng không có nhiều vốn như nhà đầu tư chuyên nghiệp và xuống tiền đầu tư theo niềm tin, dễ bị tác động giữa đám đông và hay mắc lỗi tính thời điểm không phù hợp. Khi nhận ra nguy hiểm thì những nhà đầu tư F0 thường tìm cách cắt lỗ, tháo chạy.

Trong giai đoạn này, thị trường là sân chơi của nhóm nhà đầu tư F0, dòng tiền của F0 đổ vào thị trường bất động sản tương đối lớn thông qua những chương trình marketing "bắt đáy bất động sản", "bỏ phố về quê", "đón đầu cao tốc",… do những sàn môi giới bất động sản vẽ ra.

"Và tất nhiên người thắng cuộc là những nhóm tạo ra các cơn sốt đất và số ít người may mắn lướt nhanh. Còn lại đa số nhà đầu tư F0 bị chôn vốn, rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan thậm chí cắt lỗ 10 - 20% cũng không có người mua", vị này phân tích.

Khải An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.