|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tesla gặp rắc rối nhưng các hãng xe điện khác còn chật vật hơn nhiều

11:18 | 09/04/2024
Chia sẻ
Vốn hóa Tesla sụt hơn một nửa từ mức đỉnh 1.200 tỷ USD hồi năm 2021, nhưng nhiều đối thủ khác của công ty này còn chứng kiến mức giảm nặng nề hơn nhiều. Nhiều hãng xe điện đang phải vật lộn để sống sót.

Xe điện của Rivian, một trong những đối thủ lớn nhất của Tesla. (Ảnh: Getty Images). 

 

Ưu tiên hàng đầu

Trong những tháng gần đây, Tesla trải qua không ít khó khăn. Hồi tháng 1, nhà sản xuất xe điện của Elon Musk cảnh báo tốc độ tăng trưởng của hãng sẽ “thấp hơn đáng kể” trong năm nay. Thị phần của Tesla tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, sụt giảm trong bối cảnh các công ty địa phương gia tăng cạnh tranh.

Từ đầu năm đến nay, vốn hóa Tesla đã sụt hơn 30% xuống gần 550 tỷ USD. Tesla vẫn là nhà sản xuất xe có vốn hóa cao nhất thế giới, nhưng công ty này từng trị giá 1.200 tỷ USD vào năm 2021.

Có thể Tesla đang gặp khó khăn, nhưng các đối thủ của hãng xe này còn ở trong tình cảnh chật vật hơn. Ba năm trước, các nhà đầu tư điên cuồng đổ tiền vào những gương mặt mới hứa hẹn sẽ trở thành Tesla thứ hai.

Giá trị thị trường của hai startup Mỹ chào sàn trong năm đó tăng tốc nhanh như ô tô của họ. Vốn hóa Lucid Motors - thành lập năm 2007 - vượt quá 90 tỷ USD. Vốn hóa Rivian - ra đời năm 2009 - cán mốc 150 tỷ USD.

Hai hãng xe này đều có giá trị thị trường cao hơn Ford - “cây đại thụ” có tuổi đời gần 120 năm và bán ra 4 triệu chiếc xe trong năm 2021. Cùng năm đó, Lucid và Rivian lần lượt giao cho khách hàng 125 và 920 chiếc xe.

Các đối thủ Trung Quốc khác như Li Auto (thành lập năm 2015), Nio và Xpeng (ra đời năm 2014) cũng được định giá cao. Vào cuối năm 2021, tổng vốn hóa của 6 đối thủ đáng chú ý nhất của Tesla đạt 400 tỷ USD. Bây giờ, 6 hãng xe chỉ đáng giá 65 tỷ USD.

 

 

Ngay cả các hãng bán được vài chục đến vài trăm nghìn chiếc xe điện mỗi năm cũng chật vật. 

Rivian bán được 50.000 chiếc xe nhưng giá cổ phiếu hiện chỉ bằng 1/15 so với mức đỉnh năm 2021. Li Auto, Leapmotor, Nio và Xpeng - các công ty đã giao hơn 800.000 ô tô vào năm ngoái -  cũng chứng kiến ​​giá cổ phiếu trượt dốc. Trong số đó chỉ Li Auto là tạo ra được lợi nhuận, chủ yếu là vì công ty này chuyên sản xuất xe hybrid.

VinFast của Việt Nam thành lập vào năm 2017 và niêm yết tại Mỹ vào năm ngoái. Vốn hoá của công ty chạm mức 190 tỷ USD vào tháng 8 năm đó và hiện còn khoảng 9,8 tỷ USD. VinFast bán được 35.000 chiếc vào năm 2023. 

Thay vì phát triển, giờ đây ưu tiên trước mắt của các doanh nghiệp là tìm cách sống sót trong kỷ nguyên xe điện. Đối thủ nào của Tesla sẽ làm được điều đó?

Thực tế khắc nghiệt

Không ai nghĩ ngày này sẽ đến. Xe động cơ đốt trong - được cấu tạo bởi hàng nghìn bộ phận chuyển động - có độ phức tạp và chi phí cao, buộc các hãng xe truyền thống phải sản xuất với số lượng lớn.

Trái lại, tính kinh tế của ô tô chạy bằng pin được cho là sẽ hạ thấp rào cản gia nhập thị trường. Các bộ phận như pin và động cơ điện có thể được mua sẵn, giúp các nhà sản xuất xe điện tập trung phát triển phần mềm để giúp xe của họ trở nên nổi bật. Một số công ty như Fisker thậm chí còn thuê ngoài công đoạn uốn kim loại.

Tuy nhiên, dù có lợi thế ra sao, các hãng vẫn phải sản xuất với số lượng lớn. Theo tờ Economist, để tạo ra được lợi nhuận, các công ty xe điện có thể vẫn cần phải sản xuất tới 500.000 chiếc xe mỗi năm.

Ông Tu Le, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Sino Auto Insights, kết luận: “Quy mô là điều thiết yếu và sản xuất xe [số lượng lớn] là rất khó”. 

Tesla khởi đầu là một hãng xe xa xỉ, nhưng Elon Musk luôn để mắt đến thị trường phổ thông. Công ty chỉ bắt đầu thu được lợi nhuận sau khi vượt qua “địa ngục sản xuất” - theo như lời Musk mô tả - để sản xuất nhiều mẫu Model 3 giá phải chăng hơn.

Các hãng xe điện khác đã bắt đầu ý thức về thực tế. Bước đầu tiên của họ là cố cách tiếp cận thị trường bình dân hơn. Ngày 7/3, Rivian thông báo công ty sẽ cho ra mắt ba mẫu xe mới giá rẻ vào năm 2026.

Năm ngoái, Xpeng ký thỏa thuận với hãng gọi xe khổng lồ Didi Global để sản xuất xe rẻ hơn. Xpeng cũng bắt tay với Volkswagen để sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng.

Ngay cả Lucid - công ty bán những chiếc xe có giá tới 250.000 USD - cũng có kế hoạch tung ra các mẫu xe khoảng 50.000 USD trong vài năm tới.

Song, để những nỗ lực trên thành công, các công ty vẫn cần tạo ra sản phẩm có tính năng độc đáo. Tesla làm được điều này bằng cách chú trọng công nghệ. Kết quả là hãng có thể cung cấp những chiếc xe điện không hề rẻ nhưng có dáng gọn và phạm vi hoạt động khá tốt.

Trong khi đó, nhà phân tích Patrick Hummel của UBS bình luận rằng hầu hết các startup đã thất bại trong việc tạo ra sản phẩm độc đáo với chi phí cạnh tranh bởi họ không có đủ quy mô.

Những chiếc xe của Rivian và Lucid không có công nghệ gì đặc biệt. Chỉ riêng ngoại hình đẹp là không đủ để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận mức giá đắt đỏ.

Lợi thế của Trung Quốc

Nhiều startup xe điện cần có thêm vốn để tiếp tục hoạt động. Nhưng sau khi các nhà đầu tư nhìn thấy hàng tỷ USD của họ bị đốt trong vòng vài năm vì xe điện, họ không còn dễ tính như trước nữa. Nhà phân tích Hummel của UBS nghĩ rằng đa số các startup xe điện sẽ biến mất.

Theo tờ Economist, các hãng xe Trung Quốc có khả năng sống sót cao nhất. Các hãng này có vẻ có tính sáng tạo cao nhất. Xe điện cao cấp của Nio đi kèm với tùy chọn đổi pin và có mạng lưới trạm pin rộng lớn để thực hiện dịch vụ đó. Các chủ xe có thể tiếp tục lên đường trong vòng vài phút mà không cần ra khỏi xe. Công ty chứng khoán Bernstein đánh giá Xpeng là công ty đi đầu trong công nghệ tự lái.

Xe điện Trung Quốc có mức giá khá hời khi so với các đối thủ phương Tây. Nio, Xpeng và Li Auto được hưởng lợi từ sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu, Giám đốc Tu Le của Sino Auto Insights cho hay.

Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương Trung Quốc cũng tích cực ủng hộ ngành xe điện. Các yếu tố này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc duy trì chi phí và giá bán thấp.

Giang