Tăng dự phòng phải thu từ nhóm Novaland, Thép SMC lỗ hơn 300 tỷ quý IV
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC), tổng tài sản cuối năm của doanh nghiệp đạt 6.092 tỷ đồng, giảm 27% sau một năm.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn, chủ yếu là từ khách hàng. Cuối quý IV, SMC ghi nhận 1.284 tỷ đồng nợ xấu, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 553 tỷ, tăng 300 tỷ so với cuối quý III và tăng 500 tỷ so với đầu năm.
Nợ xấu của SMC chủ yếu nằm ở nhóm bất động sản trong bối cảnh sự đóng băng của thị trường làm cho các doanh nghiệp bất động sản nói chung và đơn vị thi công xây lắp gặp khó kéo dài, suy giảm dòng tiền, từ đó khiến công nợ chậm luân chuyển của SMC với các khách hàng này.
Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 298 tỷ, gấp 2,3 lần sau một quý cho ba doanh nghiệp thành viên của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) gồm Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City.
Trong đó, Delta - Valley Bình Thuận là chủ dự án NovaWorld Phan Thiết, Đà Lạt Valley là chủ đầu tư dự án Aqua Waterfront City và The Forest City là chủ đầu tư dự án NovaWorld Hồ Tràm - The Tropicana.
Việc tăng trích lập dự phòng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của Thép SMC gấp 7 lần cùng kỳ lên 326 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp lỗ ròng 330 tỷ đồng quý IV, cùng kỳ 2022 lỗ 515 tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ thép và giá thép quý IV tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp. Do đó, doanh thu thuần quý IV giảm 24% còn 3.212 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm, SMC ghi nhận 13.786 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 60% cùng kỳ năm ngoái. Thua lỗ ba quý liên tiếp nên cả năm, công ty lỗ ròng 879 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 578 tỷ. Đây cũng là năm có mức lỗ cao nhất kể từ khi hoạt động của SMC. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm ngoái âm 163 tỷ.
SMC cho biết 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động kinh doanh thép nói riêng. Nhu cầu thép giảm mạnh đồng thời giá thép nguyên liệu liên tục giảm trong năm dẫn đến sản lượng bán ra giảm so với năm 2022.
Công ty cho hay đã tiến hành các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, thu hẹp hoạt động, nhân sự trong hệ thống nhằm tối thiểu hoá chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tăng cường dòng tiền thông qua việc đôn đốc, đề xuất những giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng.
Tính tới hết năm 2023, SMC có 1.165 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng. Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 3.014 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn và gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu.