|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research: Ngành dược ít bị ảnh hưởng từ rủi ro lạm phát, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp có thể tăng 12% - 29% năm nay

14:45 | 24/05/2022
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh của các công ty dược sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc. Nửa cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại.

Trong 3 tháng đầu năm, theo phân tích của SSI Research, trong giai đoạn bùng phát Omicron, dược phẩm tiếp tục tăng trưởng tích cực, mặc dù nhu cầu thuốc trong bênh viện phục hồi chậm. Những thuốc điều trị Covid được thương mại hóa giúp doanh thu kênh nhà thuốc tăng đột biến.

Trong quý I/2022, nguồn cung thuốc trong ngành bị thắt chặt do quá trình phê duyệt thuốc kéo dài. Do đó, mặt bằng giá của của nhiều loại thuốc có mức tăng ổn định.

Về kỳ vọng ngành dược, với mức nền tăng trưởng thấp trong năm 2021,SSI Research kỳ vọng doanh thu dược phẩm tại kênh bệnh viện sẽ có sự phục hồi mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, giúp tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước COVID.  

Hơn nữa, doanh thu toàn ngành cũng có thể được kích thích tăng trưởng do cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc. Ba chuỗi lớn nhất cả nước là Long Châu, An Khang, Pharmacity đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước.

 Ảnh: SSI 

Theo khảo sát của IQVIA, năm 2016 cả nước có 55.300 hàng thuốc, trong đó 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc, chiếm khoảng 1% thị phần.

Năm 2021, tuy các quy định được thắt chặt với thuốc không kê đơn và tiêu chuẩn nhà thuốc, tổng cửa hàng giảm còn 44.600 đơn vị, nhưng có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc, chiếm khoảng 4%.

Tham vọng của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu được SSI dự đoán sẽ đưa tổng số nhà thuốc lên 7.300 đơn vị trong năm 2025, chiếm 16% thị phần. Các hàng thuốc mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho và kích thích doanh thu ngành dược cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2-5 năm tới.

 Ảnh: 

Về phía các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, thuốc nhập khẩu tiếp tục là mối lo ngại. Mức tăng trưởng đột biến các cửa hàng của các chuỗi không đồng nghĩa với mức tăng trưởng tương đương với doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước vì các chuỗi nhà thuốc này kinh doanh phần lớn thực phẩm chức năng và thuốc nhập khẩu.

Tổng giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục tăng 25% trong quý I/2022, trong khi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc chỉ tăng 3% so với cùng kỳ trong năm 2021 và giảm 11% so với cùng kỳ quý I/2022.

Kết quả là tăng trưởng thuốc nhập khẩu năm 2021 - 2022 cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 13% trong giai đoạn 2015 - 2022.Điều này có thể là do việc thắt chặt phê duyệt thuốc dẫn đến hoạt động sản xuất trong nước giảm sút và nhu cầu nhập khẩu thuốc điều trị Covid trong giai đoạn vừa qua tăng lên. 

Ngành dược ít chịu ảnh hưởng của môi trường lạm phát cao

Về những điểm nhấn của ngành, theo phân tích của SSI Research, ngành dược có nhiều triển vọng để phát triển.

Đầu tiên, SSI Research cho rằng hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao, có chi phí đầu vào ổn định hơn so với các ngành khác. 

Chi phí đầu vào bình quân của hầu hết các công ty dược phẩm đều có tỷ trọng khá tương đồng: 60% chi phí nguyên vật liệu, 20% chi phí nhân công, 10% chi phí quảng cáo/tiếp thị, 4% khấu hao, 3% chi phí R&D và 3% thuộc chi phí logistics và các chi phí khác. 

Mặc dù chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng được chia nhỏ thành nhiều loại hoạt chất và dược phẩm khác nhau. Do đó, cấu thành chi phí sản xuất sẽ phân mảnh và ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu như đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc/Ấn Độ trong năm 2020/2021

Bên cạnh đó, việc mở cửa các chuyến bay quốc tế được nhận định giúp đẩy nhanh các thương vụ M&A và duy trì mức định giá ngành ổn định trong thời kỳ thị trường biến động xấu.

Các công ty dược phẩm nước ngoài đang đẩy nhanh tìm kiếm M&A khi giữ được lượng tiền mặt dồi dào trong giai đoạn nhu cầu thuốc tăng cao. Những công ty dược niêm yết của Việt Nam với cơ cấu cổ đông hợp lý, tỷ lệ thả nổi thấp, sẽ được chú ý.

Đơn vị phân tích của SSI ước tính kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc. Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại. 

 

Dược phẩm là một ngành phòng thủ với nhu cầu ổn định qua các thời kỳ, vì vậy triển vọng sẽ chắc chắn hơn so với các ngành khác trong trường hợp nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, do năm 2022 là năm có cơ sở lợi nhuận cao nên tăng trưởng của các công ty dược phẩm trong năm 2023 có thể sẽ thấp hơn.

Duy Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.