|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau 6 năm về với Masan Group, chuỗi WinMart sẽ lần đầu tiên có lãi ròng

14:12 | 28/06/2024
Chia sẻ
WinCommerce dự kiến có lợi nhuận ròng dương vào quý II năm nay.

Cuối năm 2019 thị trường tiêu dùng bán lẻ chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa Vingroup và Masan Group khi thành lập một doanh nghiệp mới từ hợp nhất ba công ty gồm: VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holdings.

Trong đó, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần công ty mới sau sáp nhập. Masan Group với tỷ lệ sở hữu chi phối sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, phía Vingroup sẽ là cổ đông.

 VinMart trước khi về tay Masan Group. (Ảnh: Đức Huy).

Thời điểm trước khi về tay Masan Group, số liệu từ báo cáo tài chính Vingroup cho thấy mảng bán lẻ đang tăng trưởng tốt về doanh thu, vượt mức 1 tỷ USD trong năm 2019, tuy nhiên chưa hề có lãi kể từ thời điểm chính thức vận hành năm 2014. Thậm chí, tổng số lỗ trước thuế lũy kế 5 năm lên tới con số gần 17.400 tỷ đồng.

Một chỉ số đáng tích cực của mảng bán lẻ này trước khi về với “chủ mới” là tốc độ tăng lỗ chậm hơn đáng kể so với tốc độ tăng doanh thu. Mặt khác, doanh thu trung bình trên từng cửa hàng trong hệ thống cũng đang trên đà tăng trưởng. Số liệu Vingroup công bố cho thấy SSSG của VinMart và VinMart+ tăng lần lượt 14% và 19%, cao hơn mức tăng ngành bán lẻ hàng hóa. 

 

Sau khi tiếp quản VinCommerce, Masan Group thay thế yếu tố Vin thành Win trong thương hiệu ở các đơn vị như WinCommerce, WinMart, WinMart+. Bước đi được đánh giá là khéo léo khi không tạo ra quá nhiều xáo trộn cho người tiêu dùng. 

Trong năm đầu tiên để khắc phục tình trạng thua lỗ, nhiều cửa hàng hoạt động không hiệu quả, Masan Group đã thẳng tay đóng cửa một loạt điểm bán. Cụ thể, đã có hơn 740 cửa hàng WinMart+ mà Masan Group quyết định đóng cửa trong năm 2020. Không chỉ cửa hàng tiện lợi, Masan cũng mạnh tay khai tử 12 siêu thị WinMart. Sau một năm quản lý, tính đến cuối năm 2020, hệ thống bán lẻ này còn 123 siêu thị WinMart và 2.231 cửa hàng WinMart+.

Tương ứng, doanh thu thuần năm đó của WinCommerce tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong đó, doanh thu thuần từ hệ thống WinMart+ tăng 42% bất chấp việc đóng cửa hàng loạt.

Chỉ trong một năm, WinCommerce hoàn tất quá trình chuyển đổi với tín hiệu tích cực xuất hiện khi lần đầu tiên đạt  EBITDA dương 16 tỷ đồng trong quý IV/2020. Biên EBITDA của WinCommerce liên tục được cải thiện từ âm 4,8% vào quý I, âm 8,4% vào quý II, âm 3% trong quý III và cuối cùng là dương 0,2% vào quý IV/2020.

Theo Masan, biên EBITDA được cải thiện nhờ vào tăng trưởng doanh thu (đóng góp 60%), cải thiện biên lợi nhuận gộp (đóng góp 10%) và hợp lý hóa chi phí hoạt động cửa hàng (đóng góp 30%).

WinMart sau khi được đổi nhận diện thương hiệu và chuyển sang mô hình cửa hàng WIN dành cho thành phố. (Ảnh: Đức Huy).

Trong những năm sau đó, Masan Group đã tiến hành những thay đổi trong hệ thống WinCommerce thông qua ba chiến lược chính đó là đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, cải thiện danh mục sản phẩm và chính sách giá.

Kết quả, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư chiều 27/6 mới đây, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc chiến lược và Phát triển tại Masan Group thông báo dự kiến WinCommerce sẽ bắt đầu có lợi nhuận ròng dương từ quý II/2024. Tức sau 6 năm kể từ khi về tay Masan Group, hệ thống bán lẻ này đã bắt đầu có lãi.

“Từ khi mua lại siêu thị WinMart vào năm 2019, tới thời điểm này chúng tôi nhìn thấy dư địa ngành siêu thị hiện đại còn rất nhiều vì quy mô thị trường của kênh bán hiện đại là 7 tỷ USD - chiếm 12% của thị trường tiêu dùng bán lẻ Việt Nam có giá trị hơn 55 tỷ USD. Trong thời gian tới chúng tôi nhận thấy sự dịch chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại rất nhiều”, lãnh đạo Masan Group nói về triển vọng WinCommerce.

Trong tương lai gần, Masan Group tiếp tục tập trung vào kênh bán lẻ offline bởi theo thống kê thương mại điện tử thực tế hiện chỉ chiếm dưới 5% doanh thu toàn ngành hàng nhu yếu phẩm. Do đó, đối với tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, kênh cửa hàng vật lý vẫn đóng vai trò quan trọng khi mang về 95% doanh thu.

Ngoài ra, số lượng xe máy cá nhân nhiều tại Việt Nam và thói quen đi chợ hàng ngày mua sắm sản phẩm tươi sống của người dân là lý do WinCommerce vẫn trung thành với mô hình siêu thị mini WinMart+.

“Bởi những mô hình siêu thị hay đại siêu thị thì người Việt chưa có đủ ô tô để đi đến chở hàng về nhà. Đối với mô hình cửa hàng tiện lợi lại chưa đủ những sản phẩm tươi để người tiêu dùng ghé thăm hàng ngày. Do đó, mô hình mini mart có cả sản phẩm tươi và mặt hàng FMCG là rất quan trọng, mang tới sự tiện lợi đến người tiêu dùng”, ông Nam Anh nói.

 

Hiện WinCommerce đang sở hữu gần 3.700 siêu thị WinMart với độ phủ 62/63 tỉnh, thành. Số cửa hàng chiếm 50% tổng số siêu thị bán lẻ hiện đại toàn quốc. Năm ngoái, tập đoàn bắt đầu triển khai hai mô hình cửa hàng mới nhằm tiếp cận tối đa tới các tập khách hàng khác nhau.

Đầu tiên là mô hình cửa hàng WIN, hiện có hơn 400 cửa hàng, tăng trưởng mỗi cửa hàng là trên 7%, mang đến trải nghiệm tiêu dùng hiện đại, cung cấp những sản phẩm tươi sống cho người tiêu dùng thành phố.

Tại nông thôn, do người tiêu dùng không có thói quen đến siêu thị hiện đại để mua những hàng tươi sống. Do đó Masan Group ra mắt mô hình WinMart+ Nông thôn, tập trung đưa các mặt hàng FMCG có chất lượng với giá cả tốt. Năm qua, hệ thống bán lẻ này đã chuyển đổi gần 1.200 cửa hàng WinMart+ cũ sang cửa hàng WinMart+ mới, kết quả tạo ra hơn 11% tăng trưởng/mỗi cửa hàng sau chuyển đổi.

Với câu chuyện online, ban điều hành WinCommerce cũng có lộ trình cho mục tiêu này. Theo ông Nam Anh chia sẻ để thương mại điện tử thành công doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống logistisc, phải làm được chuỗi cung ứng tốt nhằm đảm bảo khi khách hàng đặt online thì hệ thống nắm được tại cửa hàng offline nào sẽ có đủ lượng hàng đó để giao tới khách. 

Do đó, hiện WinCommerce mới chỉ làm bán hàng online qua 150 siêu thị WinMart. Tuy nhiên sắp tới khi hệ thống sẵn sàng, doanh nghiệp sẽ đưa từ 1.000 tới 2.000 cửa hàng WinMart+ đi vào hệ thống online, giúp thúc đẩy tăng trưởng online. Dự kiến lộ trình sẽ diễn ra cuối năm 2025 đầu năm 2026. 

Nhìn về thị trường chung, nhà phân tích tại Chứng khoán HSC nhận xét có vẻ thời điểm khó khăn nhất đã đi qua. Bằng chứng là theo Nielsen, sau 4 quý liên tục sụt giảm, doanh số FMCG đã tăng trở lại vào tháng 4 và tháng 5 năm nay. Cụ thể, doanh số ngành này tăng 2,8% trong tháng 4 và tháng 5/2024 so với mức giảm 2,9% ba tháng đầu năm và mức giảm 4,1% trong quý IV/2023. 

Phía Masan Group cho biết cũng nhìn thấy sự quay lại đà tăng trưởng của mảng bán lẻ trong quý I, khi toàn hệ thống tăng gần 9%. Doanh số trên một cửa hàng trong hệ thống WinCommerce tăng 6%. Mức tăng này được dự báo sẽ tiếp tục trong quý II.

Đức Huy