Sàn Việt mất hút trong cuộc đua thương mại điện tử
Kể từ khi Shopee xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2016, thị trường thương mại điện tử trong nước đã liên tục chứng kiến cuộc “thanh lọc” khắc nghiệt, giữa một bên là những tên tuổi ngoại và bên còn lại là những tay chơi trong nước.
Sendo không còn vận đỏ
Gia nhập thị trường từ rất sớm, thành lập năm 2012 và nằm trong hệ sinh thái của FPT, Sendo là một trong những trang thương mại điện tử nội địa đời đầu của Việt Nam. Sàn này được vận hành theo cả mô hình B2C lẫn C2C.
Điểm khác biệt của Sendo nằm ở chỗ thay vì chỉ tập trung vào các thành phố lớn như các nền tảng khác, 2/3 lượng đơn hàng mà sàn này bán ra nằm ở bên ngoài các vùng đô thị chẳng hạn Hà Nội hay TP HCM. Khác biệt rõ rệt này giúp Sendo nhanh chóng lọt top 4 các sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam năm 2018, theo iPrice và cán mốc 10 triệu khách hàng cùng thời điểm.
Điều này cũng giúp Sendo lọt vào “mắt xanh” các nhà đầu tư. Thời gian này, Sendo liên tục được rót vốn khủng. Chẳng hạn tháng 8/2018, Sendo công bố nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tới tháng 11/2019, Sendo tiếp tục gọi vốn thành công 61 triệu USD trong vòng Series C, theo Deal Street Asia. Số tiền được đầu tư bởi các cổ đông hiện hữu cũng như hai nhà đầu tư mới EV Growth của Indonesia và Kasikornbank của Thái Lan.
Quý III cùng năm cũng là thời điểm tăng trưởng huy hoàng của Sendo trước khi “vụt tắt”. Bản đồ thương mại điện tử do iPrice Group thực hiện cho thấy Sendo tăng trưởng thần tốc trong kỳ, leo lên vị trí thứ hai toàn quốc về lượng truy cập, cán mốc gần 31 triệu lượt/tháng. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng chiếm giữ vị trí thứ hai toàn quốc về lượt ứng dụng tải xuống.
Tháng 6/2019, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam 2019, khi đó ông Trần Hải Linh là Giám đốc điều hành Sendo, tiết lộ nếu tính vận hành thuần túy, sàn đã có lãi.
Tuy nhiên, vận đỏ của Sendo đã bị chặn đứng khi đại dịch COVID-19 ập tới. Tháng 7/2022, báo cáo từ Reputa cho thấy Sendo tuột khỏi top 10 sàn thương mại điện tử phổ biến trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo cập nhật mới nhất từ Momentum Works trong báo cáo ra năm 2023 cho thấy Sendo đang đánh mất thị phần khi chỉ nắm vỏn vẹn 4%. Trong khi đó, với các báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường như Metric hay YouNet ECI, Sendo thậm chí còn không xuất hiện trong danh sách thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tiki xanh mãi không chín
Thời điểm trước năm 2016, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam chủ yếu là cuộc chiến giành thị phần giữa Lazada và Tiki. Khác với Sendo là tìm thị trường ngách, chiến lược cạnh tranh của Tiki tỏ ra rất sòng phẳng khi liên tục “đốt tiền” để đua với Lazada - nền tảng được hậu thuẫn tài chính bởi Alibaba (Trung Quốc) và sau này là Shopee thuộc SEA (Singapore).
Được thành lập từ năm 2010 chủ yếu bán sách tương tự Amazon, những năm sau đó Tiki đã mở rộng ra thành một sàn thương mại điện tử. Tới năm 2016, VNG của ông Lê Hồng Minh quyết định mua gần 4 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki. Thương vụ này hoàn tất vào tháng 2/2016 và Tiki bắt đầu được ghi nhận là một công ty liên kết của VNG.
Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, tới quý II/2019, khoản đầu tư hơn 506 tỷ đồng của VNG vào Tiki đã “bốc hơi” hết. Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019 của VNG cho biết công ty này đã lỗ lũy kế hết phần vốn đầu tư vào Tiki.
VNG cũng không tiếp tục tham gia vào các đợt tăng vốn của Tik diễn ra trước đó. Điều này khiến tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm xuống còn 24,6% năm 2019. Tới tháng 3/2021, VNG giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tiki xuống 20,18%. Trong báo cáo của VNG, giá trị đầu tư của họ vào Tiki Global đã về 0 tính đến cuối năm 2022.
Để tiếp tục đua đường dài với các “ông lớn” ngoại, Tiki liên tục huy động vốn từ bên ngoài. Năm 2020, Tiki tăng vốn điều lệ từ 190,9 tỷ đồng lên hơn 208,31 tỷ đồng qua đó cũng hé lộ cơ cấu cổ đông ngoại của sàn này. Theo đó, nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến từ dòng vốn nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông ngoại tại Tiki tăng từ 49,7% lên 54,5%.
Theo thống kê từ Tech in Asia, tính đến tháng 5/2022, Tiki tổng cộng đã gọi vốn thành công 468,7 triệu USD (chỉ tính đến các khoản đầu tư được công bố chính thức). Lần gọi vốn thành công gần nhất của Tiki là vào tháng 11/2021 với quy mô 258 triệu USD thuộc vòng Series E.
Trường vốn, Tiki liên tục đuổi kịp Lazada trong nhiều thời điểm về thị phần. Báo cáo do Q&Me công bố cho thấy năm 2018, thị phần Tiki gần như tương đương với Lazada (17% và 20%).
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Tiki không ghi nhận thêm khoản đầu tư chính thức nào, trong khi đó Lazada tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Alibaba. Lần gần đây nhất Lazada được Alibaba “bơm” 230 triệu USD vào tháng 5/2024, theo dữ liệu từ Alternatives.pe, một nền tảng theo dõi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Singapore.
Tính cả chi phí mua lại năm 2016, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã rót khoảng 7,7 tỷ USD vào Lazada. Trung bình mỗi năm Alibaba rót gần 1 tỷ USD cho Lazada.
Tháng 7 vừa qua, nguồn tin cho biết Lazada đã lần đầu có lãi. Trong khi đó, đối thủ từng cạnh tranh ngang hàng là Tiki vẫn chưa thấy đường tới lợi nhuận. Và kể từ khi Shopee rồi TikTok Shop vào Việt Nam, thị phần Tiki càng ngày càng bị thu hẹp.
Theo Metric, nửa đầu năm nay, doanh thu Shopee dẫn đầu với 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; TikTok Shop có 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần; Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Còn theo thống kê của YouNet ECI, trong quý II, Shopee có 261.000 nhà bán, gấp hơn 2 lần TikTok Shop (113.000 nhà bán), Lazada (104.000 nhà bán), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, giảm đến 19,1%.
Đau đầu bài toán vốn
Thế khó của cả Tiki và Sendo là nguồn lực tài chính và khả năng gia tăng thị phần. Điểm cốt lõi của hai sàn này là đều tập trung vào người dùng cuối - thị trường vốn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các tay chơi ngoại.
Năm 2020, Sendo đã kêu gọi 56,7 triệu USD vốn đầu tư thông qua hình thức khoản vay chuyển đổi, theo DealStreetAsia. Năm 2021, nền tảng này phát hành hai đợt trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư có thể kể đến Econtext Asia Limited, SBI E-Vietnam Pte Ltd và nhiều công ty con của FPT.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Bloomberg năm 2021, CEO kiêm đồng sáng lập Tiki - ông Trần Ngọc Thái Sơn, nói công ty muốn IPO tại Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, sàn này muốn đẩy sớm kế hoạch niêm yết thêm một năm.
CEO Tiki tin rằng việc niêm yết trên sàn Mỹ thành công của Tiki sẽ mở đường cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đợt IPO của Tiki có thể được thực hiện thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC), dù vậy, kế hoạch cuối cùng vẫn chưa được "chốt", theo ông Sơn.
Hồi năm 2020, dẫn nguồn tin thân cận DealStreetAsia cho biết Tiki và Sendo đã nộp hồ sơ đề nghị sáp nhập tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Việc hai công ty sáp nhập sẽ tạo thành sự kết hợp “hai tài sản có khả năng bổ sung lần nhau”, ông Akshay Jayaprakasan từ công ty nghiên cứu Redseer Consulting chia sẻ.
Dù vậy, đến tháng 7 cùng năm, DealStreetAsia cho biết thoả thuận sáp nhập giữa Tiki và Sendo đã bị hoãn lại vô thời hạn do hàng loạt cổ đông không tìm được tiếng nói chung với những điều khoản sáp nhập, một trong số đó là JD.com - cổ đông lớn tại Tiki.