Ra đời sớm hơn 13 năm song Apple đang bị công ty này cho 'hít khói' bởi vừa chậm chân vừa kém sáng tạo
Đầu tuần này, Spotify công bố một thông tin quan trọng, công ty sản xuất nội dung Bad Robot của J.J. Abrams sẽ sản xuất podcast độc quyền cho Spotify. Thực tế, đây không phải điều bất ngờ với nhiều người vì trước đó Spotify cũng có nhiều thương vụ hợp tác đình đám ở mảng nội dung podcast, theo Fast Company.
Bà Dawn Ostroff, giám đốc nội dung và kinh doanh quảng cáo Spotify, nói với Fast Company rằng hợp tác với J.J. Abrams và nhiều nhà sản xuất nội dung khác, thể hiện "cam kết tiếp tục đầu tư vào các nội dung cao cấp và liên tục duy trì quan hệ kinh doanh với các nhà sáng tạo nội dung hàng đầu thế giới".
Với Abrams, Spotify bình luận ông "là một nhà kể chuyện đầy phiêu lưu khi nhắc đến những điều mới mẻ".
Trong 3 năm qua, Spotify có những bước chuyển đổi ấn tượng từ một nền tảng streaming nhạc đơn thuần thành một nền tảng có tới 3,2 triệu nội dung podcast. Bước tiến này còn ấn tượng hơn nữa khi so sánh với việc Apple đã bước chân vào mảng podcast từ năm 2005 và mới chỉ có hơn 2 triệu show nội dung âm thanh.
"Trái ngọt" từ đầu tư vào podcast được thể hiện rõ nét trong báo cáo kinh doanh quý III của Spotify. Theo đó, doanh thu quảng cáo từ podcast đã thúc đẩy tổng doanh thu quảng cáo tăng đến 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Spotify đang trên đà lần đầu vượt qua mốc doanh thu quảng cáo 1 tỷ euro trong năm nay.
Đáng chú ý, ông Daniel Ek, người sáng lập và CEO Spotify, nói rằng Spotify đã trở thành nền tảng podcast được người dùng Mỹ nghe nhiều nhất dựa trên nghiên cứu của Edison Research. 24% số người tham gia khảo sát nói Spotify là nền tảng podcast họ nghe nhiều nhất, vượt qua con số 21% của Apple và 18% của YouTube. Dù vậy, một số thống kê khác cho thấy Spotify đang trên đà song vẫn chưa thể vượt qua Apple.
Theo Fast Company, Spotify không chỉ có tiềm năng trở thành nền tảng podcast lớn nhất thế giới mà còn có thể là nền tảng sáng tạo nhất. Thực tế, Spotify nói sẽ không chỉ rót tiền vào podcast mà còn hướng đến "các định dạng âm thanh tương lai". Ông Ek khẳng định mục tiêu của Spotify là làm điều này với tốc độ cao. Trong buổi tiếp xúc với giới đầu tư gần đây, ông liên tục dùng từ "tốc độ" khi nói đến chiến lược của công ty ở mảng nội dung âm thanh.
"Vì sao tốc độ lại có ý nghĩa với Spotify?" Vì tôi tin rằng nó sẽ quyết định thành công trong dài hạn của chúng tôi", ông nói. "Nếu bạn làm mọi thứ chậm rãi, bạn có thể đưa ra các quyết định chính xác hầu hết mọi thời điểm. Nhưng nếu bạn nhanh, bạn có thể thử nghiệm, điều chỉnh và tạo ra một văn hoá sáng tạo", ông chia sẻ.
Tìm hiểu về Greenroom là một cách thích hợp để thấy Spotify đã tích cực đầu tư vào các định dạng nội dung mới để thu hút các nhà sáng tạo nội dung và người nghe nội dung như thế nào. Tháng 3 vừa qua, Spotify thâu tóm Betty Labs, nhà phát triển Locker Room, một ứng dụng audio trực tiếp, tập trung vào nội dung thể thao. Ứng dụng này cho phép người dùng tạo ra các phiên trò chuyện để nghe, giơ tay (ảo) để chia sẻ hoặc để lại bình luận. Các phiên trò chuyện sau đó có thể chuyển đổi mục đích thành một tập podcast như truyền thống.
Hiện tại, The Ringer cũng đang thử nghiệm định dạng này đồng thời hợp tác với WWE (công ty Đấu vật Giải trí Thế giới) để sản xuất nội dung mà sau đó sẽ được phát thông qua ứng dụng Greenroom của Spotify. The Ringer là "đế chế" nội dung thể thao của ông Bill Simmon. The Ringer về tay của Spotify vào năm 2020 sau thương vụ thâu tóm 250 triệu USD.
"Tương tác với người nghe rõ ràng là một khía cạnh thực sự thú vị mà bạn không có trong podcast", ông Simmons chia sẻ. Dù vậy, ông thừa nhận sức hút của việc ra mắt các tập podcast thường xuyên vẫn rất lớn và không phải nội dung nào cũng phù hợp để chia sẻ theo cách trực tiếp.
"Nếu bạn có thời gian và bạn có thể biên tập. Tôi luôn cho rằng podcast là định dạng phù hợp", ông nói. "Mặc khác, nếu bạn có một chương trình trao giải, ví dụ như Oscars. Khi chương trình kết thúc, mọi người sẽ muốn thảo luận về nó. Họ muốn nghe những chuyên gia chia sẻ về chương trình ngay lập tức. Đó là sự hiệu quả của Greenroom", ông nói thêm.
Hiện tại, định dạng nội dung được Spotify thúc đẩy mạnh nhất là video. Năm 2017, Spotify từng khởi động và "khai tử" một series nội dung video độc quyền. Dù vậy, có những bằng chứng cho thấy người dùng đã sẵn sàng cho các nội dung video, đặc biệt là khi "đại dịch đã thúc đẩy người dùng đón nhận các kiểu sáng tạo mới", ông Mike Mignano, giám đốc cao cấp nền tảng sáng tạo tại Spotify, chia sẻ.
Video là cánh cổng để Spotify tiếp cận đến với đối tượng người dùng trẻ hơn. Đây chính là định dạng nội dung biến Joe Rogan, một nhà sáng tạo nội dung độc quyền lớn nhất của Spotify, trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.
Bà Ostroff nói rằng Rogan "là một phép thử và cảm hứng" để Spotify dấn thân vào mảng video. "Joe có một lượng lớn khán giả không chỉ nghe podcast của anh mà còn xem các nội dung mà anh sản xuất. Vì thế, như một phần của hợp tác giữa chúng tôi, chúng tôi tự chuẩn bị bản thân, nền tảng cho nội dung video và dùng Joe như một phép thử", bà chia sẻ.
Video vẫn đang dần được giới thiệu tới các nhà sáng tạo nội dung trên Spotify. Có những quan điểm cho rằng Spotify đang triển khai nội dung này khá chậm vì tính năng này đã được giới thiệu từ hơn 1 năm trước. Về phần mình, bà Ostroff nói video vẫn đang trong giai đoạn beta và "chúng tôi cần đảm bảo có hạ tầng về công nghệ phù hợp. Mục tiêu của chúng tôi là có hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung video trên nền tảng và sẽ tích cực mở rộng tỏng năm sau theo một cách ý nghĩa".
Spotify cũng đang thúc đẩy mảng quảng cáo quyết liệt và tốc độ, trong đó nội dung podcast đang có những đóng góp tích cực. Tăng trưởng doanh thu quảng cáo giúp giảm bớt những gánh nặng tài chính mà Spotify đang đầu tư cho mảng podcast với nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập và hợp tác độc quyền. Dù vậy, Spotify vẫn nhấn mạnh podcast vẫn đang thúc đẩy tăng trưởng nói chung vì nó nuôi dưỡng tương tác người dùng và duy trì họ sử dụng dịch vụ.
Spotify nói rằng số lượng podcast trên nền tảng này đã tăng 50% kể từ khi ra mắt và gần một trong số năm nhà quảng cáo Spotify đang tham gia. Thúc đẩy vào mảng video cũng mở ra nhiều cơ hội về quảng cáo hơn cho cả Spotify và các nhà sáng tạo nội dung.
Bà Ostroff nói quảng cáo mới không chỉ diễn ra ở Mỹ khi Spotify đang mở rộng ra nhiều thị trường khác. Vì dụ, ở Pháp, số lượng podcast đang được tạo ra tăng 75% mỗi năm và số lượng người nghe cũng tăng lên 89%.
Bên cạnh đó, Spotify cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự Netflix khi địa phương hoá nội dung cho các thị trường. "Chúng tôi không dịch từng từ nội dung podcast", bà Ostroff nói. Thay vào đó, Spotify thực hiện các thay đổi cho phù hợp với văn hoá từng thị trường.