|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không chỉ VinFast, các nhà sản xuất xe điện khác cũng đang đau đầu với bài toán chi phí nguyên liệu

08:00 | 08/07/2022
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà sản xuất xe điện lớn từ Mỹ tới Trung Quốc đã phải thông báo điều chỉnh tăng giá các mẫu xe điện của hãng do giá nguyên liệu thô tăng tới chóng mặt.

Ngày 5/7, nhà sản xuất xe điện VinFast đã chính thức công bố mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ hai mẫu ô tô điện VF 8 và VF 9 tại Việt Nam. Theo đó, VinFast sẽ tăng giá hai mẫu xe này từ 51,5 - 64,8 triệu đồng, tuỳ thuộc vào từng phiên bản và mức giá này chỉ áp dụng với các khách hà

Lý giải nguyên nhân tăng giá, VinFast cho biết do ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu tăng cao nên công ty buộc phải điều chỉnh hai mẫu xe VinFast VF 8 và VF 9. 

Không riêng gì VinFast, xu hướng tăng giá đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các nhà sản xuất xe điện trên toàn thế giới. Điều này đến từ việc giá nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất xe điện tăng cao trong thời gian vừa qua và các hãng xe buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí vật liệu sử dụng trong sản xuất.

 Nhà máy sản xuất của hãng xe điện Rivian. (Ảnh: Financial Times).

Xe điện không còn "ngon" như trước

Trong vài tháng qua, lần lượt các nhà sản xuất xe điện như Tesla, Ford, General Motors, Rivian Automotive và Lucid Group đã tăng giá các mẫu xe của mình. GM mới đây đã tăng giá khoảng 6.250 USD cho mẫu xe bán tải chạy điện GMC Hummer, hiện dao động trong khoảng 85.000 - 105.000 USD, với lý do chi phí hàng hóa và vận chuyển tăng.

Từ đầu năm đến nay, Tesla đã tăng giá ba lần cho phiên bản hiệu suất của mẫu SUV Model Y bán chạy nhất của hãng. Mức giá hiện tại đã tăng khoảng 9% so với trước đây, rơi vào mức 69.900 USD, theo Bernstein Research.

Model X là mẫu xe có mức tăng mạnh nhất của Tesla, theo đó giá Model X hiện có giá gần 130.000 USD cho phiên bản cao nhất, tăng từ 114.990 USD. Mẫu S Dual Motor All-Wheel Drive cũng sẽ có giá gần 112.000 USD, tăng từ 99.990 USD.

Hồi tháng 3, startup xe điện Rivian cũng thông báo điều chỉnh giá của hai phiên bản R1T và R1S. Theo đó, R1T sẽ có giá 79.500 USD, cao hơn 12.000 USD so với mức giá ban đầu. Giá của R1S tăng 14.500 USD, từ mức 70.000 USD trước đó.

Nhìn chung, giá trung bình phải trả cho một chiếc xe điện ở Mỹ vào tháng 5 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54.000 USD. Trong khi đó, mức giá trung bình phải trả cho một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong ở Mỹ chỉ tăng 14% trong cùng giai đoạn, tương đương 44.400 USD.

Hồi giữa tháng 4, công ty sản xuất ô tô điện Trung Quốc Nio cho biết họ đang tăng giá nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Nio đã thông báo ba mẫu SUV của công ty là ES8, ES6 và EC6 sẽ tăng thêm 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.491 USD) từ ngày 10/5. 

Nio không phải là nhà sản xuất xe điện duy nhất tại Trung Quốc phải đi đến quyết định nói trên. Hồi tháng 3, Xpeng đã tăng giá khoảng 10.100 - 20.000 nhân dân tệ cho các mẫu xe điện của hãng.  

Hãng xe đau đầu vì giá nguyên liệu leo thang 

Cũng như VinFast, các nhà sản xuất xe điện cho biết họ đang tìm cách đối phó với sự tăng giá của nguyên liệu thô dùng cho sản xuất pin để cung cấp năng lượng cho ô tô điện. Theo công ty tư vấn AlixPartners, giá lithium, niken và coban đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi đó pin chính là bộ phận "ăn tiền" nhất của xe điện.

Giám đốc tài chính của Ford, John Lawler, cho biết chi phí hàng hóa của xe điện tăng cao đã xóa sổ biên lợi nhuận của dòng Mach-E SUV. Ông nói rằng Ford đã tăng giá nhằm nỗ lực để bù đắp lạm phát chi phí.

Các nhà phân tích nhận định giá nguyên liệu thô tăng cao có thể khiến nỗ lực chuyển sang xe điện gặp khó. Biên lợi nhuận của xe điện nhỏ hơn so với xe ô tô dùng động cơ đốt trong vì chi phí của các bộ pin là rất lớn, bằng khoảng 1/3 giá xe điện.

 Pin điện là thứ giá trị và chiếm phần lớn chi phí trong một chiếc xe điện. (Ảnh: CNBC).

Để bảo vệ lợi nhuận của mình, các công ty ô tô cần hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất vật liệu, chẳng hạn như trực tiếp với các công ty khai thác lithium và coban. Điều này giúp các hãng xe đảm bảo nguồn cung và kiểm soát chi phí, nhà phân tích Dan Levy của Credit Suisse cho biết. 

Đầu tháng 6, CEO Tesla Elon Musk đã lên tiếng rằng việc tăng giá nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. "Giá tăng do áp lực giá của chuỗi cung ứng lớn trên toàn ngành, đặc biệt là nguyên liệu", CEO Tesla viết trên Twitter.

Ông Levy cho biết nếu chi phí nguyên vật liệu giảm bớt, các công ty ô tô có thể cần phải giảm giá để duy trì nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại, các CEO doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết họ không lo lắng về việc tăng giá sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng đối với xe điện. 

"Nếu giá xe điện không kìm lại, thị trường sẽ sụp đổ"

Đây là cảnh báo của Giám đốc Sản xuất hãng xe hơi Stellantis NV, Arnaud Deboeuf. Cụ thể, lãnh đạo một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu cho rằng mục tiêu loại bỏ dần động cơ đốt trong sẽ gặp khó nếu giá sẽ điện không rẻ hơn.

Theo Bloomberg, Stellantis NV đang đặt mục tiêu cắt giảm 40% chi phí sản xuất xe điện vào năm 2030. Nhà sản xuất của hai thương hiệu xe Fiats và Peugeots có kế hoạch sản xuất tự sản xuất một số bộ phận, cũng gây áp lực buộc các nhà cung cấp phải giảm giá nguyên liệu.

"Nếu xe điện không rẻ hơn, thị trường sẽ sụp đổ và đó là một thách thức lớn", ông Deboeuf nói.

Mục tiêu loại bỏ động cơ đốt trong đang gặp trở ngại lớn là giá nguyên liệu thô tăng tới mức điên rồ. (Ảnh: Carbuzz).

Stellantis đang có kế hoạch giới thiệu hơn 75 mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện trong thập kỷ này và chuyển đổi ít nhất một số nhà máy sản xuất ô tô ở Pháp thành nơi sản xuất xe điện. Mặc dù công ty đang mạnh tay đầu tư cho kê hoạch này nhưng họ vẫn phải cam kết duy trì lợi nhuận cao, dựa vào doanh thu bổ sung từ phần mềm và dịch vụ cũng như một số mẫu xe cao cấp.

Trong khi đó, CEO Stellantis NV, Carlos Tavares cho biết nhu cầu đối với pin xe điện càng nhiều hơn trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến 2027. Hiện Stellantis đang phát triển 5 nhà máy sản xuất pin lớn trên khắp Bắc Mỹ và Châu Âu để tiến hành sản xuất vào năm 2030. Ông nói thêm rằng công ty sẽ không loại trừ việc mua một mỏ để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô. 

Lithium là thành phần quan trọng trong pin được sử dụng trong xe điện và thứ nguyên liệu này đang trở nên đắt hơn và tăng giá đến chóng mặt. Vào tháng 4, giá lithium đã đạt mức kỷ lục 78.000 USD/tấn. Điều khiến CEO Tesla Elon Musk đã đưa ra ý tưởng rằng Tesla sẽ khai thác và tinh chế thứ kim loại này nhằm kiềm chế giá xe điện tăng "điên cuồng". 

Theo Benchmark Market Intelligence, giá Lithium đã tăng hơn 600% kể từ đầu năm, từ khoảng 10.000 USD/tấn vào tháng 1 lên 62.000 USD vào tháng 6. Citigroup đã dự đoán sẽ có nhiều đợt tăng giá “khủng khiếp” hơn nữa. 

Nhằm làm chủ nguồn cung pin điện, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam, VinFast đang thúc đẩy các dự án xây dựng nhà máy pin và sản xuất xe điện. Hiện dự án nhà máy pin VinES của VinFast được hình thành tại Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô 8 ha và vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi VinFast sản xuất pack pin và tế bào pin cho xe điện VinFast.

Ngoài ra, VinFast cũng đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ), với chi phí đầu tư giai đoạn 1 lên đến 2 tỷ USD. Nhà máy này sẽ đóng vai trò là trung tâm sản xuất và lắp ráp ô tô và xe buýt điện cùng các ngành công nghiệp phụ trợ như pin...

Thành Vũ