|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quả tạ mới của nền kinh tế toàn cầu: Nắng hạn khốc liệt và mất điện triền miên

07:39 | 24/05/2022
Chia sẻ
Hệ thống lưới điện trên toàn cầu sắp phải đối mặt với thử thách khó nhằn nhất trong nhiều thập kỷ, khi nắng hạn khiến hoạt động sản xuất điện ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới bị trục trặc trầm trọng.

Tệ đi theo thời gian

Đại dịch, hạn hán, chiến sự tại Ukraine, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tồn kho xuống thấp một cách đáng ngại, tất cả đã đẩy thị trường năng lượng toàn cầu vào một cú sốc hiếm gặp. Đáng ngại là, mọi thứ vẫn đang tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Lần này đến lượt cái nóng khiến thế giới rơi vào cảnh khổ. Phần lớn Bắc bán cầu đang là mùa hè, thường cũng là cao điểm tiêu thụ điện. Năm nay, trời sẽ oi bức hơn nữa vì biến đổi khí hậu đang xấu đi.

Vấn đề là nguồn cung năng lượng đang rất eo hẹp nên sẽ không đủ để phân phối cho toàn bộ người tiêu dùng. Vì lẽ đó, cắt điện là phương án khả thi nhất, nhưng việc này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người và hoạt động kinh tế.

Đợt nắng nóng gần đây ở châu Á đã gây ra tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ mỗi ngày, khiến hơn 1 tỷ người tại Pakistan, Myanmar, Sri Lanka và Ấn Độ bị ảnh hưởng. Ngoài trời nóng đến mức có thể nướng chín cá hồi sống. Tình hình khó mà lắng dịu trong nay mai, Bloomberg cho hay.

Nguồn cung cấp điện cũng sẽ bị thắt chặt ở Trung Quốc và Nhật Bản. Nam Phi đã sẵn sàng cho một năm cắt điện kỷ lục. Châu Âu đang trong thế bấp bênh do Nga nắm quyền quyết định về nguồn cung khí đốt cho khu vực. Mỹ cũng không may mắn khi các chuyên gia dự báo vài tháng tới nước này sẽ phải chịu cảnh khô hạn nghiêm trọng.

Cái nóng thiêu đốt tại châu Á. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Ông Shantanu Jaiswal, nhà phân tích của BloombergNEF, bình luận: “Chiến sự và các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn cung - cầu. Cùng với thời tiết khắc nghiệt và sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19, nhu cầu tiêu thụ điện năng càng tăng đột biến”.

“Hiếm khi nhiều yếu tố cùng hội tụ như vậy. Tôi không thể nhớ lại lần cuối cùng tất cả xuất hiện cùng lúc là khi nào”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thiệt hại tồi tệ đến cỡ nào?

Không có điện, cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa. Càng nghèo đói, lớn tuổi và ở gần đường xích đạo càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong khi thời tiết oi bức cực điểm.

Tình trạng mất điện cũng có thể khiến hàng chục nghìn người không thể tiếp cận nguồn nước sạch. Nếu mất điện kéo dài và doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt thì một số khu vực sẽ phải đối diện với cú sốc lớn về kinh tế, Bloomberg cảnh báo.

Tại Ấn Độ, tình trạng thiếu điện ở nhiều bang đã gần tới mức đỉnh kể từ năm 2014. Thời điểm đó, giới chuyên gia ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã giảm khoảng 5%.

Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Ấn Độ sẽ mất gần 100 tỷ USD nếu tình trạng mất điện lan rộng và kéo dài trong năm. Nhu cầu tiêu thụ điện lớn cũng có thể tạo thêm lợi nhuận cho các thị trường điện và nhiên liệu, qua đó làm tăng hóa đơn tiền điện và thổi bùng lạm phát.

Nam Phi đã sẵn sàng cho một năm cắt điện kỷ lục. (Ảnh: Bloomberg).

Khi các nhà máy điện ở Texas (Mỹ) gặp sự cố hồi đầu tháng này, giá điện bán buôn ở thành phố Houston đã nhanh chóng vọt lên trên giới hạn giá 5.000 USD/MWh, tăng gấp 22 lần so với giá điện trung bình vào giờ cao điểm.

Chuyên gia phân tích Henning Gloystein của Eurasia Group cho biết, thế giới đang phải vật lộn với một chuỗi cung ứng hỗn loạn, ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine và thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

 

Rủi ro lớn nhất là nếu chúng ta thấy tình trạng mất điện xảy ra tràn lan trong năm nay, thì kết hợp với các yếu tố kể trên, một cuộc khủng hoảng nhân đạo về lương thực và năng lượng sẽ xuất hiện trên quy mô lớn, chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ

Ông Henning Gloystein, chuyên gia phân tích của Eurasia Group, cảnh báo.

Mặt trái của chuyển đổi năng lượng

Biến đổi khí hậu đồng nghĩa rằng các đợt nắng nóng khắc nghiệt hiện giờ sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai và tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung cấp điện.

Cùng lúc, việc thiếu đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong những năm gần đây cùng với nhu cầu tiêu thụ năng lượng mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á mới nổi, sẽ khiến thị trường bị thắt chặt trong vài năm tới, nhà phân tích Alex Whitworth của Wood Mackenzie nhận định.

Hơn nữa, mặc dù tỷ trọng công suất điện gió và điện mặt trời dự kiến sẽ tăng lên trong thập kỷ tới, nhưng trước khi các cơ sở lưu trữ năng lượng bắt kịp quá trình chuyển đổi năng lượng thì lưới điện chung vẫn sẽ bị căng thẳng, ông Whitworth nói.

“Bạn sẽ phải đối mặt nỗi lo về nguồn cung [năng lượng tái tạo] mỗi khi trời nhiều mây hoặc có bão,…trong một tuần. Chúng tôi dự đoán những vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm tới”, vị chuyên gia cảnh báo thêm.

Tất nhiên, chuyển đổi sang năng lượng sạch là rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đốt nhiều than hơn để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ chỉ làm tăng lượng khí thải, tạo ra một vòng luẩn quẩn có thể dẫn đến nắng nóng và gây áp lực cho lưới điện hơn nữa.

Tình hình một số khu vực

Mỹ

Nguồn cung khí đốt tự nhiên - nhiên liệu phát điện số một tại Mỹ, đang rất eo hẹp và giá đang tăng nhanh. Lưới điện tại phần lớn nước Mỹ và một phần của Canada sẽ bị kéo căng, theo North American Electric Reliability Corporation. Đây là một trong các đánh giá u ám nhất từ một cơ quan quản lý.

Chính quyền các địa phương chắc chắn sẽ yêu cầu người tiêu dùng giữ cho lưới điện ổn định bằng cách cắt giảm lượng điện tiêu thụ, Bloomberg dự báo.

Nhà điều hành lưới điện California thông báo có thể cắt điện kéo dài trong vài mùa hè tới do thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài ra, cơ sở vật chất cũ kỹ và kế hoạch bảo trì bị trì hoãn trong đại dịch cũng khiến vấn đề thời tiết càng trở nên đáng ngại, bà Teri Viswanath - chuyên gia hàng đầu về điện, năng lượng và nước tại CoBank ACB cho hay.

“Mỹ đang trải qua tình trạng mất điện nghiêm trọng hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp phát triển nào khác. Khoảng 70% lưới điện của chúng tôi đã sắp kết thúc vòng đời”, bà Viswanath nhấn mạnh.

Châu Á

Tâm điểm của sự cố mất điện hiện nay là Nam và Đông Nam Á. Về cơ bản, tình trạng mất điện đã xảy ra trên toàn quốc ở Pakistan, Sri Lan và Myanmar.

Ở Ấn Độ, 16 trong 28 bang (tức nơi sinh sống của hơn 700 triệu người) đã phải vật lộn với việc mất điện từ 2 đến 10 giờ mỗi ngày, một quan chức nhà nước cho hay hồi đầu tháng.

Chính quyền New Delhi gần đây đã chỉ đạo các công ty tăng cường mua than từ nước ngoài bất chấp mức giá đắt đỏ, đồng thời thu hồi các quy định về môi trường đối với hoạt động khai thác than để cố tăng nguồn cung nhiên liệu. Song, chúng ta vẫn phải chờ xem liệu các biện pháp này có giúp giảm bớt căng thẳng hay không.

 

Tại Trung Quốc, nơi từng xảy ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng vào năm ngoái, các quan chức đã hứa hẹn sẽ tiếp tục bật đèn xanh cho các công ty khai thác than. Một số địa phương đã thúc giục doanh nghiệp tăng sản lượng than lên mức kỷ lục.

Dù vậy, giới chức vẫn cảnh báo rằng tình hình lưới điện sẽ thắt chặt trong mùa hè này ở các khu công nghiệp nặng ở phía nam. Đây là các khu vực cách xa trung tâm khai thác than nội địa và do đó họ phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của nước ngoài.

Châu Âu

Nguy cơ mất điện ở châu Âu thấp hơn. Tuy nhiên, lục địa già vẫn đang phải chạy đua để lấp đầy kho dự trữ khí đốt và không nước nào được phép mắc sai lầm. Nếu Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, một số nước có thể phải cắt điện, ông Fabian Ronningen của Rystad Energy cho hay.

Mặc dù vị chuyên gia nói khả năng Moscow thực hiện một bước đi táo bạo như vậy là “không cao”, quan điểm của ông đã trở nên bi quan hơn khi cuộc chiến tại Ukraine kéo dài.

Một số nước đã và đang nhập khẩu lượng lớn khí đốt hóa lỏng để chống chịu các đòn đáp trả tiềm tàng từ Nga. Các nước này có thể kể đến như Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Song, câu chuyện có thể khác ở Đông Âu, nơi các quốc gia bao gồm Hy Lạp, Latvia và Hungary đang sử dụng khí đốt để sản xuất phần lớn điện năng và phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung của Nga. Đó là nơi dễ xảy ra tình trạng mất điện nhất, ông Ronningen nói.

Yên Khê