Từ 17h ngày 3/5, Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè để phòng chống dịch COVID-19. Các quán bar, quán karaoke cũng tạm thời phải đóng cửa, điều này khiến con phố Tạ Hiện vốn náo nhiệt giờ trở nên buồn thiu, ảm đạm.
27-04-2021
09-03-2021
04-02-2021
Phố Tạ Hiện theo ghi nhận của chúng tôi vào lúc 21h ngày 8/5 rất vắng vẻ, nhiều hàng quán thậm chí còn đóng cửa, không kinh doanh.
Một cửa hàng hủ tiếu trên phố Đinh Liệt vẫn có khách ghé vào, tuy nhiên số lượng không đông, ai nấy cũng đều ngồi cách xa nhau
"Bán làm sao được? Mình có muốn chăm chỉ cũng chẳng có khách mà làm", bà Thuận, hộ kinh doanh tại số 3 Tạ Hiện chia sẻ. Bà chủ chia sẻ nhà mình đã kinh doanh ở đây được 8 năm, đợt dịch lần này thực sự khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy không phải trả chi phí mặt bằng nhưng các chi phí khác thì bà Thuận vẫn phải lo. "Lần này phải quyết liệt hơn! Nhìn Ấn Độ mà ai cũng sợ nên mình phải tránh dịch, không kiếm tiền hôm nay thì ngày mai, tính mạng quan trọng hơn cả", bà Thuận dù gặp khó về kinh doanh nhưng vẫn giữ vững tinh thần chống dịch.
Ông Cường, chủ hộ kinh doanh tại số 21 Tạ Hiện chia sẻ: "Tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người hạn chế đi ăn uống nên quán cũng vắng khách hơn so với thông thường. Quán bar đóng cửa khiến thanh niên không lên phố cổ chơi nữa nên ít người đến phố cổ uống bia hơn." Theo ông Cường, trải qua nhiều đợt dịch COVID-19 quay trở lại, quán vẫn có thể cầm cự được tuy nhiên khó khăn rất nhiều khi nguồn thu bị giảm mà các chi phí như điện nước, nhân công vẫn phải chi.
Ông Thịnh, một hộ kinh doanh tại số 5 Đinh Liệt cho biết cửa hàng của ông từ trước chỉ bán mang về là chủ yếu, ông cũng có bàn cho khách ngồi lại nhưng số lượng không nhiều. "Bình thường ngày trước tôi bán mỗi ngày có khi lên tới 100 cốc nhưng giờ có giảm đi đôi chút. Từ tối đến giờ chắc được 30 - 40 cốc, chủ yếu là bán cho khách mang về, mình phải tuân thủ quy định chống dịch COVID-19. Mong Nhà nước sớm đẩy lùi dịch bệnh để có thể kinh doanh bình thường trở lại." Cửa hàng chỉ có mỗi ông Cường vận hành nên không mất nhân công, chi phí lớn nhất là tiền mặt bằng.
Tại quán trà chanh số 31 Đào Duy Từ, vẫn có nhiều khách ghé qua, ông Nam, người bán hàng chia sẻ: "Tình hình rất khó khăn, tôi phải cho nhân viên nghỉ hết, chỉ giữ lại một người. Các hàng quán xung quanh đây người ta trả mặt bằng hết cả. Nhà tôi kinh doanh từ lâu nên vẫn có khách quen đến uống, ngày nào cũng từng này người thôi, còn lại là bán mang về cả." Ông Nam chia sẻ tình hình kinh doanh từ lúc có thông tin dịch bệnh là rất kém, ví dụ ngày thường bán được 100% thì bây giờ chỉ còn 15 - 20%, trong khi các chi phí như tiền nhà, tiền thuê nhân viên vẫn phải trả.
Một quán trà chanh khác tại phố Đào Duy Từ thì hoàn toàn vắng khách.
Thưa thớt, vắng vẻ, đìu hìu là những từ có thể dành để miêu tả tình hình phố đi bộ lúc này.
Tình hình buôn bán ể ẩm đến mức, có nhiều hộ kinh doanh chán nản, không buồn trả lời câu hỏi từ chúng tôi.
Vượng Phát
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Link bài gốc
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/photostory-pho-co-ta-hien-buon-hiu-ngay-dich-ho-kinh-doanh-chan-nan-vi-e-khach-4220210509081810544.htm