Những doanh nghiệp đầu tiên ước tính lợi nhuận 9 tháng đầu năm
Một cuộc khảo sát về triển vọng kinh doanh của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy có tới 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng triển vọng kinh doanh trong quý III/2022 sẽ bằng hoặc tốt hơn so với quý trước, trong khi chỉ có 15% cho rằng tình hình khó khăn hơn so với quý II/2022.
Theo dự báo của FiinTrade, nhìn chung, kết quả kinh doanh quý III sẽ cải thiện ở hầu hết các ngành nhờ mặt bằng lợi nhuận thấp cùng kỳ. Một số ngành có mức cải thiện ấn tượng như ngân hàng, bán lẻ, tiện ích, công nghệ thông tin, ô tô và phụ tùng.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, một số ngành sẽ có triển vọng tăng trưởng cao trong quý III gồm bán buôn - bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ không thiết yếu (trang sức, đồ điện tử…) do giãn cách xã hội khiến phần lớn các cửa hàng phải đóng cửa, tạo ra mức nền thấp về lợi nhuận trong quý III/2021; nhóm xây dựng; nhóm hàng không, du lịch, khách sạn,...
Kết thúc quý III, một số công ty đã hé lộ kết quả ước tính quý này cũng như 9 tháng đầu năm 2022.
Hai doanh nghiệp dầu khí đầu ngành là PV GAS và BSR đều ghi nhận kết quả tích cực trong bối cảnh giá dầu Brent từ 61 USD/thùng từ đầu năm đã tăng một mạch và có lúc chạm 115 USD/thùng vào trung tuần tháng 6. Sau đó giá dầu điều chỉnh về dưới 100 USD/thùng và hiện đang giao dịch quanh vùng 93 USD/thùng.
Thực tế giá dầu neo ở vùng cao, trên 100 USD/thùng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS).
Đại diện PV GAS ước tính trong 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 76.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế là 14.000 tỷ đồng, tăng 61,8%.
Còn tính riêng trong quý III, PV GAS ghi nhận doanh thu đạt 22.158 tỷ đồng, và lãi trước thuế 3.218 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và tăng 4% so với quý III/2021.
Nhưng nếu so với lần lượt hai quý đầu năm, đây là giai đoạn có kết quả thấp nhất cả về doanh thu và lợi nhuận của tổng công ty khi giai đoạn này giá dầu đã điều chỉnh về dưới mốc 100 USD/thùng.
Tuy nhiên nhìn chung cho cả năm 2022, ban lãnh đạo PV GAS ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ lần lượt đạt 100.000 tỷ đồng và 15.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 26,6% và tăng 38,4% so với kết quả năm ngoái, khi năm 2021 giá dầu dưới 65 USD/thùng.
Đối với CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), giá dầu vẫn neo ở mức cao tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm.
Ba quý vừa qua, BSR ước tính tổng doanh thu đạt hơn 125.000 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ, đồng thời đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 14.000 tỷ đồng. So với kế hoạch doanh thu cả năm là 91.411 tỷ đồng, BSR đã vượt 36% chỉ tiêu. Tính riêng trong quý III, BSR thu về khoảng 37.826 tỷ đồng, gấp 2,14 lần kết quả doanh thu quý III/2021.
Kết quả tăng trưởng của BSR đã được Tổng Giám đốc công ty dự báo trước với lợi nhuận quý III vẫn sẽ tốt, khi yếu tố crack margin (chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô) tương đối cao bất thường so với các năm trước.
Sở dĩ crack margin cao bất thường trong năm vừa rồi do tác động của dịch COVID-19 đã có một số nhà máy lọc dầu lớn trên thế giới dừng hoạt động, cộng thêm tác động của chuyển dịch năng lượng, do đó chiến lược đầu tư của các nước cũng thay đổi. Họ sẽ tập trung đầu tư các năng lượng mới và do biến động địa chính trị tạo nên thiếu hụt nguồn cung ở một số khu vực tại một số thời điểm. Từ đó tạo nên yếu tố làm mất cân bằng cung cầu, góp phần cơ bản làm tăng crack margin. Tất nhiên, phải cần một thời gian thì mới thiết lập được một sự cân bằng mới, Tổng Giám đốc BSR chia sẻ.
Nhìn sang quý IV, đại diện BSR dự đoán lợi nhuận có thể giảm nhẹ nhưng cả năm vẫn sẽ phá vỡ mốc kỷ lục hiện có.
Đại diện cho lĩnh vực hạ tầng giao thông là CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV), Tổng giám đốc ước tính kết quả doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty tăng khoảng 15% và lợi nhuận tăng 10% (không nêu rõ là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế). 9 tháng năm 2021, HHV ghi nhận doanh thu là 1.245 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 218 tỷ.
Doanh nghiệp đầu ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) cho biết kết quả 9 tháng đầu năm của tập đoàn cả doanh thu và lợi nhuận gần như đi ngang so với cùng kỳ, trong đó, cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm bán mủ cao su đều gặp khó khăn.
Cụ thể, GVR ước tính doanh thu toàn tập đoàn 9 tháng đầu năm là 18.397 tỷ đồng, lợi nhuận 4.408 tỷ (không công bố rõ là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế), lần lượt tăng 2% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu công ty mẹ là 1.927 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 876 tỷ, tăng 1% và 2%. Tính riêng trong quý III, GVR thu về 7.916 tỷ đồng, tăng 28% so với quý III/2021.
Theo kế hoạch năm nay, GVR đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt là 29.707 tỷ đồng và 5.340 tỷ đồng. Như vậy sau ba quý đầu năm, tập đoàn đã thực hiện được 62% và 83% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo GVR cho biết xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã tạo làm giá dầu, lạm phát tăng cao, tạo ra những thách thức, cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động tập đoàn.
Ngoài ra, các tố như thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, bệnh hại trên cây cao su, cơ chế sách chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, yếu tố đầu vào tắc nghẽn..., cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của GVR. Thực tế, cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của tập đoàn đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với CTCP Tập đoàn PAN (Mã: PAN), doanh thu thuần quý III ước đạt 3.643 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng tăng 192%, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng. Biên lợi nhận quý III nhích lên 18% so với 14% của cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 9.815 tỷ đồng tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 230 tỷ đồng, tăng 89%. Biên lợi nhuận gộp tăng 3 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, lên 19%.
Như vậy sau ba quý đầu năm, Tập đoàn PAN đã thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và 71% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2022.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết, tỷ lệ hoàn thành này so với các năm trước tương đối cao, các năm trước thông thường chỉ hoàn thành 55-65% kế hoạch đề ra cả năm vì quý IV là cao điểm mảng nông nghiệp cũng như thủy sản, tiêu dùng.
Về cơ cấu doanh thu của tập đoàn PAN, mảng thủy sản chiếm tới 51%, nông nghiệp chiếm 35%, còn lại 14% đến từ thực phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Dù doanh thu mảng nông nghiệp chỉ đứng vị trí thứ hai sau thủy sản nhưng lại đóng góp tới 41% cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn, trong khi đó thủy sản chiếm 35%, còn lại là hàng tiêu dùng 13% lợi nhuận, 11% từ các lĩnh vực khác.
Ông lớn ngành cảng biển, logistics là CTCP Gemadept (Mã: GMD), dù chưa công bố con số cụ thể nhưng Giám đốc Tài chính cho biết kết quả 9 tháng khả quan, dù có những lo ngại sẽ sụt giảm trong quý IV. Nhìn chung, vị lãnh đạo này tự tin công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.200 tỷ đồng và sẽ sớm thực hiện được tầm nhìn năm 2025.
Một thành viên của IDICO là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (Mã: HTI) cũng công bố kết quả quý III tích cực hơn cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu quý 3 đạt gần 105 tỷ đồng, gấp hơn 5,6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ thu phí giao thông, đạt hơn 104,5 tỷ đồng. Trừ các chi phí, công ty lãi trước thuế hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ trước thuế 16,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HTI ghi nhận doanh thu gần 310 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 51,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và gấp 2,6 lần so với thực hiện 9 tháng 2021. Với kết quả này, công ty đã thực hiện gần 80% kế hoạch doanh thu và 75,8% chỉ tiêu lợi nhuận năm.