Những doanh nghiệp đầu tiên có ước lợi nhuận 2023
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) gần đây ước tính doanh thu đạt 13.572 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.031 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 78% so với kết quả kỷ lục năm ngoái. Với kết quả này, công ty đã vượt 1% kế hoạch doanh thu và thực hiện 71% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong bối cảnh giá bán ure thấp khi nguồn cung vẫn dồi dào, kết quả của Đạm Cà Mau chưa thể chạm được mục tiêu lợi nhuận năm.
Sang năm 2024, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 11.878 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 841 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức dự kiến 10%. Mục tiêu năm 2024 giảm lần lượt 12% về doanh thu và giảm 18% về lợi nhuận so với ước tính năm nay. Đồng thời chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024 cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư tháng 11, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng giá urê trong năm 2024 sẽ cao hơn so với cùng kỳ do Trung Quốc và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá tại Campuchia là một rủi ro đối với giá bán urê trung bình của doanh nghiệp.
Bức tranh kinh doanh của công ty nhiệt điện than cũng không mấy khởi sắc. Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) vừa đưa ra ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 có thể đạt gần 171 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm, công ty đã lãi sau thuế 285 tỷ đồng. Như vậy, công ty dự kiến có quý cuối năm kinh doanh lỗ (cùng kỳ quý IV năm ngoái vẫn có lãi 69 tỷ đồng).
Kết quả kém tích cực này diễn ra trong bối cảnh hồi tháng 7, Nhiệt điện Phả Lai bị xử phạt hành chính và bị đình chỉ hoạt động công ty trong thời gian 12 tháng. Công ty đã vi phạm thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn về chất thải tại hai ống khói dây chuyền I và II, khiến một số tổ máy tại 2 dây chuyền của công ty phải dừng hoạt động.
Tổng Công ty nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) ước lợi nhuận sau thuế 614 tỷ đồng, giảm 18% so với kết quả kiểm toán năm ngoái dù quy mô doanh thu vẫn tăng 3% lên trên 4.000 tỷ đồng. Với ước tính này, công ty có thể vượt 1% kế hoạch doanh thu và thực hiện được 85% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngành dệt may trong năm 2023 chứng kiến sự suy giảm về xuất khẩu trong nhiều tháng khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, lượng hàng hoá tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng...
Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) báo cáo doanh thu tháng 11 tiếp tục suy giảm 56% xuống mức 285 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 16% còn gần 9 tỷ đồng, nối dài chuỗi 6 tháng liên tiếp suy giảm lợi nhuận.
Lũy kế từ đầu năm, nhà sản xuất hàng may mặc này thu hơn 3.115 tỷ và có lãi 183 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 29% so với cùng kỳ. Kết quả tương đương với việc thực hiện 79% chỉ tiêu doanh thu và gần 75% kế hoạch lợi nhuận năm.
Khá khẩm hơn là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) thông báo đến giữa tháng 12 đã hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm khi đạt 6.800 tỷ đồng, tức về đích sớm 16 ngày so với chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm.
Theo ước tính của lãnh đạo doanh nghiệp, kết thúc năm 2023, doanh thu TNG có thể đạt 7.030 tỷ đồng vượt 3% so với kế hoạch năm và tăng 4% so với năm ngoái, trở thành số ít doanh nghiệp dệt may hoàn thành kế hoạch năm.
Tuy nhiên về mặt lợi nhuận, công bố mới nhất cho thấy 11 tháng đầu năm, TNG lãi sau thuế 203 tỷ đồng, giảm 27%.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) có quy mô hoạt động mở rộng trong năm 2023 với tổng sản lượng điện toàn hệ thống ước đạt 14.973 triệu kWh, tăng 5% so với năm 2022.
Doanh thu của toàn tổng công ty ở mức gần 30.614 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm 202, tăng 6% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ 2020 đến nay. Riêng doanh thu công ty mẹ chiếm 22.497 tỷ đồng, bằng 123% năm ngoái.
Trong năm 2023, PV Power đã có 6 đợt bảo dưỡng trùng tu các nhà máy điện, gây ảnh hưởng đến sản lượng điện huy động. Công ty chưa công bố kết quả lợi nhuận.
Sang năm 2024, các nhà máy được kỳ vọng sẽ vận hành liên tục do không có lịch bảo dưỡng. Thêm vào đó, tổ máy số 1 - Vũng Áng 1 đã hoạt động trở lại vào tháng 8/2023 và dự án Nhơn Trạch 3 đi vào hoạt động cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng của tổng công ty trong năm 2024.
Một điểm sáng khác đến từ CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) với dự kiến doanh thu năm đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế khoảng 370 tỷ đồng, tăng 24%.
Ban lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh dự báo tốt hơn kỳ vọng nhờ các dự án BOT có lưu lượng xe tăng trưởng trở lại sau khi dịch COVID-19. Hoạt động xây lắp (chiếm tỷ trọng tới 36% trong tổng doanh thu) đang triển khai thi công đồng thời các dự án lớn.
Chính phủ trong năm qua cũng thúc đẩy giải ngân đầu tư công - một trong ba động lực (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) đưa nền kinh tế đi đúng quỹ đạo tăng trưởng. Chẳng hạn công ty mới nằm trong liên danh làm dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư gần 14.200 tỷ đồng.