|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người Hải Dương ngóng chờ ngày dập được dịch, trở lại cuộc sống bình thường

08:27 | 19/02/2021
Chia sẻ
Toàn tỉnh Hải Dương bước sang ngày thứ 4 thực hiện cách ly xã hội. Nhịp sống của người dân đã thay đổi hoàn toàn, nhiều người không có việc làm, nông dân không tiêu thụ được hàng hóa, nông sản.

Hải Dương hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước với 575 bệnh nhân COVID-19 tính từ ngày 27/1 đến nay. Tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố ở Hải Dương đều đã ghi nhận ca bệnh. 

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, từ 0h ngày 16/2, Hải Dương quyết định thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh. Ở Chí Linh - tâm dịch của Hải Dương, khi sắp kết thúc phong tỏa 21 ngày, nơi đây tiếp tục cách ly xã hội đợt hai. 

Nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân thay đổi hoàn toàn, từ đi chợ hàng ngày giảm xuống còn một tuần 3 lần nhà máy, xí nghiệp, trường học tạm đóng cửa, công nhân làm việc tại tỉnh khác buộc phải ở lại Hải Dương và chưa thể đi làm.

Người Hải Dương ngóng chờ ngày dập được dịch, trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 1.

Bắt đầu từ 0h ngày 16/2, toàn tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ trong thời gian 15 ngày. (Ảnh: Tri thức & Cuộc Sống).

Cả gia đình cách ly mỗi người một nơi

Với chị Phương Bắc, giáo viên trường THCS Sao Đỏ, TP Chí Linh, Tết Tân Sửu quả thực là cái Tết đặc biệt khi cả gia đình đi cách ly "mỗi người một nơi". Chị cách ly chính tại trường cùng các học sinh, trong khi đó chồng chị thực hiện nhiệm vụ và cách ly tại Hải Phòng, cô con gái lớn cách ly ở Hà Nội còn con trai nhỏ cách ly tại nhà.  

"Trước khi mẹ đi, cậu con trai nhỏ bịn rịn, rơm rớm nước mắt bảo đằng nào con cũng là F2 rồi, mẹ cho con ôm mẹ một cái được không", chị Bắc kể.

Những ngày sau đó, hai mẹ con ngày nào cũng liên lạc với nhau qua video call. Cậu con trai nhỏ của chị Bắc luôn miệng hỏi "mẹ bao giờ mẹ về, mẹ nói thật đi", thi thoảng, cậu bé lại ngửa mặt nhìn lên trần nhà để ngăn giọt nước mắt rơi xuống vì nhớ và lo cho mẹ.

a - Ảnh 1.

Trường THCS Sao Đỏ - nơi nhiều em học sinh, giáo viên và phụ huynh thực hiện cách ly. (Ảnh: P.B).

Khó khăn nơi tâm dịch Chí Linh - Ảnh 2.

(Ảnh: P.B).

Khó khăn nơi tâm dịch Chí Linh - Ảnh 3.

(Ảnh: P.B).

a - Ảnh 2.

Chị Bắc đón giao thừa trong khu cách ly. Cả gia đình chị mỗi người cách ly một nơi. (Ảnh: P.B).

Là giáo viên, trường học đóng cửa và lệnh giãn cách không ảnh hưởng quá nhiều đến thu nhập của chị Bắc. "Nông dân mới là nhóm người chịu ảnh hưởng đầu tiên. Các tỉnh bạn không nhập nông sản, hàng hoá nên người dân khó khăn chồng chất khó khăn", chị nói và thừa nhận mình vẫn may mắn hơn nhiều người.

Trường hợp của chị Bắc chỉ là một trong vô vàn câu chuyện tương tự, có rất nhiều gia đình đã trải qua một cái Tết tạm cách xa nhau để sau đó được đoàn viên và bình an bên nhau. 

Người mất việc, nông sản không bán được

Chị Song Anh cũng ở trong tâm dịch Chí Linh, những ngày này chị liên tục đăng tìm và hỏi mọi người về công việc làm thêm để kiếm chút thu nhập trong tình hình khó khăn. Chị làm việc ở Bắc Ninh, còn chồng mở hiệu cắt tóc, nhưng dịch bùng phát kèm theo lệnh giãn cách, công việc của cả hai vợ chồng đều bị ngưng trệ. 

Hiện vợ chồng chị trông chờ vào vườn rau của bà nội, hàng ngày giúp bà tiêu thụ nông sản. Nếu dịch kéo dài, chị Song Anh cũng chưa biết sẽ xoay xở ra sao, chị còn lo bị mất việc nếu cứ tiếp tục nghỉ nhiều như vậy. Đến nay, đã có 3 tỉnh yêu cầu doanh nghiệp không sử dụng người lao động Hải Dương gồm Bắc Ninh, Thái Bình và Hưng Yên.

"Nhưng thương nhất vẫn là người nông dân", chị Song Anh kể, "bao nhiêu công sức vun trồng chăm sóc đến ngày thu hoạch mà dịch ập đến, nông sản không bán được, mà đem cho cũng gặp nhiều khó khăn chứ không đơn giản".

Từ hôm qua, chị nghĩ cách kêu gọi mọi người hỗ trợ giải cứu nông sản, mua rẻ giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn thời COVID-19.

Còn chị Đỗ Hoa, những ngày cách ly xã hội lại bận rộn hơn với công việc thu gom rau củ và chuyển tới tận tay những người cách ly và khu phong tỏa hoàn toàn miễn phí. Có hôm tối muộn mới về nhà, chị Hoa vẫn kịp cập nhật số lượng đã thu gom được, thông báo về địa điểm sẽ thu gom vào ngày tiếp theo, các địa điểm mà đoàn xe sẽ đi qua để ai có nhu cầu thì sẽ cung cấp.

"Dịch ập đến, nông dân thất thu, khổ vô cùng, nên chúng tôi cố gắng kêu gọi mọi người giải cứu, hỗ trợ người nông dân phần nào", chị Hoa nói.

a - Ảnh 4.

Nhiều người mở đầu cho phong trào giải cứu nông sản giúp nông dân. (Ảnh: Đ.H).

a - Ảnh 5.

Nhiều tấn nông sản được vận chuyển miễn phí đến khu cách ly hoặc những nơi có nhu cầu. (Ảnh: Đ.H).

a - Ảnh 6.

(Ảnh: Đ.H).

a - Ảnh 8.

Nhiều người tình nguyện thu hoạch hộ nông dân. (Ảnh: Đ.H).

Chị Trần Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Sao Đỏ cho biết ở tâm dịch, mọi người lập bếp ăn dã chiến, phục vụ cho các chốt kiểm dịch y tế, ban bảo vệ dân số và lực lượng làm nhiệm vụ cơ động. Mỗi ngày, bếp dã chiến phục vụ 100-200 suất ăn. Các món ăn khá đa dạng và đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khó khăn nơi tâm dịch Chí Linh - Ảnh 10.

Bếp ăn dã chiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Sao đỏ. (Ảnh: T.T).

Về tình trạng nông sản tồn đọng, tổ chức Đoàn Thanh niên tại các địa phương cũng đang triển khai hỗ trợ thu hoạch giúp nông dân, xin lại những nông sản chưa được thương lái thu mua đem tặng bếp ăn cho bệnh viện dã chiến, khu vực dân cư bị phong tỏa, các khu nhà trọ cho thanh niên công nhân và người dân có nhu cầu.

Được biết, những ngày qua các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã vận động, thu hoạch, vận chuyển, phân bổ, tổ chức phát miễn phí được 20 tấn củ đậu, su hào, súp lơ, cà rốt, cà chua. Hiện, Đoàn Thanh niên vẫn đang kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng, các doanh nghiệp, các tổ chức tiêu thụ nông sản với mức giá hỗ trợ giúp người dân thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

Theo lãnh đạo Hải Dương, hiện lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Với nông sản, tỉnh còn hơn 4.000 ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch. Sản lượng ước tính khoảng hơn 90.700 tấn. Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.

Hiện chưa có giải pháp cụ thể gỡ khó cho tiểu thương, nông dân, nhưng chiến dịch giải cứu nông sản chỉ sau vài ngày ngắn ngủi đã vượt ra khỏi địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhiều người ở các địa phương lân cận ngỏ ý muốn mua với số lượng nhiều. 

Đặc biệt, ở Hà Nội, đã có điểm bán rau củ đầu tiên giúp bà con Hải Dương. Hàng hóa được hợp tác xã trên địa bàn thu gom, đội xe của hợp tác xã hỗ trợ vận chuyển và để đến được Hà Nội, xe hàng hóa đều phải đảm bảo quy trình khử khuẩn theo quy định tại các chốt kiểm dịch.

Chưa có thống kê cụ thể sau những ngày cách ly xã hội, những nông dân, tiểu thương, người lao động sẽ bị ảnh hưởng thu nhập ra sao. Nhưng hiện tại, theo chia sẻ của một số người dân tại tâm dịch, mọi người đều chung một mong muốn trước mắt là dập được dịch, khi đó cuộc sống mới trở lại bình thường.

Anh Đào