|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Thiên nga đen' và tâm lý đám đông đẩy thị trường chứng khoán rơi sâu vào vòng xoáy

14:42 | 09/11/2022
Chia sẻ
Những sự kiện "thiên nga đen" và tâm lý đám đông khiến không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn. Vòng xoáy càng sâu khi thị trường thiếu lực cầu trong khi các CTCK phải đua nhau xử lý bán giải chấp cổ phiếu margin để thu hồi vốn.

Tính đến cuối tháng 10, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã giảm 31,3% điểm số kể từ đầu năm và mức giảm của hệ số P/E ước tính năm 2022 của chỉ số VNIndex cũng tương đương ở mức 31,4% cho thấy mức chiết khấu này đã phản ánh phần lớn xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao.

Theo ước tính từ Công ty Chứng khoán SSI, hệ số định giá P/E năm 2022 và năm 2023 trên VNIndex hiện đang ở mức 9,8 lần và 8,3 lần vào ngày 2/11.

Diễn biến của TTCK trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp trước các sự kiện “thiên nga đen” trong nước và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán.

Thông thường tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Tuy nhiên, SSI cho hay, diễn biến hiện tại của các yếu tố như tỷ giá, xu hướng tăng của lãi suất và kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững. 

Hai yếu tố đặc biệt nghiêm trọng với TTCK

Phân tích kỹ hơn về những yếu tố khiến TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ ra các yếu tố gồm: Thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh sau hơn hai năm tăng khá nóng;rủi ro, thách thức gia tăng đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam ;dòng tiền vào TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh;áp lực giải chấp.

Đặc biệt, bên cạnh các yếu tố kỹ thuật hay dòng tiền, niềm tin của nhà đầu tư đang bị khủng hoảng nặng nề và tâm lý đám đông gây trạng thái bi quan quá đà.

TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán đang giảm mạnh. Những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng các biện pháp chấn chỉnh TTCK và BĐS trong thời gian qua, tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội….được coi là những sự kiện "thiên nga đen" với thị trường tài chính.

Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn.

Tâm lý thận trọng, ngại rủi ro gia tăng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư lựa chọn những kênh đầu tư ít rủi ro hơn, an toàn hơn. Việc này dẫn đến hiện tượng thị trường "ngủ đông" với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE trong 6 tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ VND, riêng tháng 10/2022 chỉ đạt 10.200 tỷ VND/phiên (giảm 40-50% so với mức bình quân hơn 21.000 tỷ VND/phiên năm 2021).

Việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (lo không bán được), sẵn sàng bán bằng mọi giá, từ đó kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.

 Số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới hàng tháng. (Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp).  

Bên cạnh đó, tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tác động của tâm lý đám đông trên TTCK Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với những quốc gia khác.

Nguyên nhân là do cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường (trong khi tỉ lệ này ở những quốc gia phát triển chỉ khoảng 40–50%).

Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm tỷ trọng khá lớn, nắm giữ 33% lượng TPDN tại Việt Nam, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 1%...). Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân là đưa ra quyết định đầu tư đôi khi không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính kỹ lưỡng, mà chủ yếu theo đám đông, thậm chí là tin đồn. 

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao cùng với tâm lý đám đông, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống – bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh. 

Theo Fiinpro, dư nợ cho vay ký quỹ của các CTCK tính đến cuối quý 3/2022 ở mức 165.000 tỷ VND (mặc dù giảm 18% so với cuối năm 2021, song vẫn là mức khá cao so với giai đoạn trước năm 2019).

Với lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã phải bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.

Vòng xoáy giải chấp này đã diễn ra rất mạnh trong tháng 10 vừa qua và tiếp tục kéo sang tháng 11 khi mới đây hàng loạt Chủ tịch các doanh nghiệp lớn cũng bị bán giải chấp. 

TTCK Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá dẫn đến bị khởi tố, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan, do vậy họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ "hưng phấn quá mức" đến "bi quan quá đà" mỗi khi thị trường có điều chỉnh.

Liệu có "ánh sáng" ở cuối "đường hầm"?

Bất chấp những khó khăn, rủi ro và thách thức khiến thị trường sụt giảm mạnh thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhìn nhận, TTCK Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023 (khoảng 15-20%).

Năm động lực chính được TS. Cấn Văn Lực đưa ra gồm: Kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, song vẫn ở mức khá cao; các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát;nền kinh tế thực, nhất là hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn;các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá triển vọng Việt Nam ở dạng "tích cực" trong trung hạn và giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn khi chỉ số PE của thị trường đang ở vùng trũng thấp sau thời gian điều chỉnh giảm.

 Đồ hoạ: Hạ An

Mặc dù vậy, vấn đề nghiêm trọng ở thị trường chứng khoán là sự suy giảm niềm tin, do đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị các cơ quan chức năng, chủ thể phát hành cần nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên TTCK vừa qua.

Các chính sách, giải pháp cần nhất quán, rõ ràng, có lộ trình và công khai cập nhật tình hình triển khai. Về lâu dài, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông.

Chú trọng phát triển nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản…. Các quỹ này cũng có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường, hạn chế tình trạng tăng nóng hay giảm sâu do sự hứng phấn hay bi quan quá mức của một số nhà đầu tư.

Đặc biệt, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, có tính liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm - bất động sản. Thực tiễn chứng minh 4 lĩnh vực này có mối quan hệ tương tác qua lại chặt chẽ với nhau.

"Một số vụ việc vi phạm trên TTCK vừa qua đã cho thấy tính phức tạp, liên thông trong mối quan hệ này, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp chính sách hiệu quả, nhìn nhận các hiện tượng, trao đổi thông tin và quản lý, giám sát hệ thống tài chính – BĐS trong mối quan hệ tổng thể, trước mắt và lâu dài, thay vì rời rạc, cục bộ, giật cục và ngắn hạn", TS. Lực cho hay. 

Hạ An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.