|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng cần phát hành 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới

07:01 | 18/06/2024
Chia sẻ
Để đáp ứng nhu cầu đảm bảo cáo tỷ lệ an toàn và tăng trưởng tín dụng, VIS Rating dự báo ngành ngân hàng sẽ cần phát hành thêm 238 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới.

Đẩy mạnh huy động vốn dài hạn trong 5 năm qua

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết tăng trưởng tiền gửi chậm lại do điều kiện kinh doanh suy giảm trong giai đoạn 2021 - 2022 đã thúc đẩy hoạt động huy động vốn trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. 

Các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104.000 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đóng góp 35% tổng giá trị phát hành. 

Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường (senior), không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng duy trì một số tỷ lệ an toàn tài chính như vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SMLR), cho vay trên tiền gửi (LDR) và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trong ngưỡng quy định.

Theo quy định hiện tại, trái phiếu tăng vốn cấp 2 được sử dụng như vốn bổ sung để bảo đảm khả năng thanh toán cho ngân hàng. Ngân hàng thường bù đắp chi phí vốn cao của trái phiếu tăng vốn cấp 2 bằng cách đẩy mạnh cho vay và đầu tư tài sản có kỳ hạn dài. 

Trước khi triển khai các quy định về tỷ lệ SMLR, các ngân hàng chủ yếu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, tình trạng này dẫn đến chênh lệch về thanh khoản. VIS Rating dự báo những ngân hàng tăng trưởng mạnh cho vay và có tỷ lệ SMLR tiệm cận mức trần 30% sẽ đẩy mạnh huy động nguồn vốn trái phiếu dài hạn. 

 

VIS Rating cũng kỳ vọng một số ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn huy động tiệm cận mức trần 85% của tỷ lệ LDR theo quy định sẽ cần phát hành trái phiếu. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ đều dựa vào trái phiếu tăng vốn cấp 2 để khắc phục những hạn chế trong huy động vốn mới.

Các ngân hàng quốc doanh nhận thấy việc huy động vốn cấp 2 mới sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với việc huy động vốn cổ phần mới, VIS nhận định. 

Phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới 

Theo dự báo của VIS Rating, khi tăng trưởng tín dụng hồi phục trong một đến ba năm tới, các ngân hàng sẽ cần hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, để bổ sung nguồn vốn nội bộ và duy trì CAR. 

Các chuyên gia phân tích đánh giá lợi nhuận ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhưng nếu không có tăng vốn cổ phần mới, CAR sẽ giảm dần đặc biệt đối với nhóm ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân.

 

Theo quy định hiện hành, giá trị mệnh giá phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được ghi nhận vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. 

Các ngân hàng đang gặp vấn đề về rủi ro tài sản hoặc không thể huy động vốn cổ phần mới sẽ cần phát hành thêm trái phiếu tăng vốn cấp 2. Trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ giúp thay thế những trái phiếu hiện có đang bị khấu trừ hoặc bị mua lại sớm và/hoặc bù đắp sự tăng trưởng của tài sản có trọng số rủi ro. 

Trong ba năm tới, các chuyên viên gia phân tích dự kiến gần 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi nhóm ngân hàng quốc doanh do trái phiếu đang lưu hành của nhóm này sẽ bị giảm đáng kể do bị khấu trừ.

Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ từ 3 đến 4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.

Cùng với đó, VIS Rating kỳ vọng nhu cầu đầu tư trái phiếu tăng vốn cấp 2 của các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì ở mức cao . 

Trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành thường được phát hành thông qua phương thức chào bán ra công chúng, chủ yếu do lợi suất mà các trái phiếu này mang lại cao hơn so với tiền gửi ngân hàng và trái phiếu thường. 

 

Các ngân hàng thường nắm giữ một lượng lớn trái phiếu do các ngân hàng khác phát hành. Tuy nhiên, một số ngân hàng thường có ít động lực để đầu tư vào trái phiếu tăng vốn cấp 2 của ngân hàng khác do những khoản đầu tư này bị loại trừ ra khỏi vốn tự có theo quy định.

Trước đây, trái phiếu ngân hàng hầu hết được phát hành riêng lẻ từ đó cho phép tổ chức phát hành có thể huy động vốn trong một khoảng thời gian ngắn với các yêu cầu tối thiểu về hồ sơ và tài liệu quy định.

Các chuyên gia dự báo sẽ có nhiều trái phiếu tăng vốn cấp 2 hơn được phát hành dưới hình thức chào bán ra công chúng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Nguyên nhân là do theo Nghị định 65, tổ chức phát hành không còn được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân mà không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân cho trái phiếu tăng vốn cấp 2 sẽ được hỗ trợ một phần bởi việc chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc/lãi trong bối cảnh tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng cao.

 

Tuy nhiên, VIS Rating cảnh báo các nhà đầu tư cần nhận thức được những rủi ro đến từ sản phẩm đầu tư này, ví dụ như không được bảo lãnh thanh toán hoặc bảo hiểm chậm thanh toán và có thể bị mua lại trước hạn. 

VIS Rating đã tóm tắt các điều khoản chính của một vài trái phiếu tăng vốn cấp 2 và trái phiếu thường không có tài sản đảm bảo: trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài hơn, lãi suất cao hơn và có rủi ro bị chậm thanh toán lãi coupon.

Minh Quang