Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB nắm giữ rất ít trái phiếu, cho vay BĐS chiếm 16%
Chiều nay (25/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã: SHB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại khách sạn Melia, Hà Nội.
Tính đến 14h20, số cổ đông hoặc người được uỷ quyền tham dự tại đại hội là 1.321 người, sở hữu hơn 2,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 66% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đồng cổ đông thường niên đã đủ điều kiện để tiến hành, đây cũng là một trong những đại hội ngân hàng có số lượng người tham dự đông nhất. Trước đó, đại hội đồng của MB ghi nhận số lượng tham dự là hơn 2.200 người.
Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết năm 2023, bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, SHB ghi nhận lãi trước thuế đạt 9.239 tỷ đồng, giảm 405 tỷ đồng so với năm trước. Nguyên nhân chính là do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro đã trích lập trong năm 2023 là hơn 7.300 tỷ đồng, tăng gần 1.800 tỷ so với năm trước.
Dư nợ tín dụng cuối năm 2023 đạt hơn 455.000 tỷ, tăng 16,9% so với năm trước. Quy mô huy động thị trường 1 đạt hơn 497.000 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm trước. Trong đó, tiền gửi khách hàng cá nhân tăng 35,6%.
Phó Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Quang Vinh cho biết trong năm 2023 SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác Thái Lan, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG. Phần còn lại sẽ được chuyển giao theo đúng lộ trình.
Đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức, ban lãnh đạo SHB đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ lên 701.000 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 518.555 tỷ đồng, tăng 14%.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 3%, so với kết quả 2,7% vào năm 2023. Sang năm 2024, SHB dự kiến mức chia cổ tức lên tới 18%, cao hơn so với 2023.
Để thực hiện kế hoạch trên, SHB sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp, bao gồm: quản trị điều hành; thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững; phát triển khách hàng; cơ chế, chính sách quản trị rủi ro; tổ chức bộ máy, nhân sự và chuyển đổi số.
Chia cổ tức 16% bằng tiền mặt và cổ phiếu
Năm 2023 SHB ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 7.321 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 5.929 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ chia trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 16% vốn điều lệ, hay 5.859 tỷ đồng, theo hai cấu phần.
SHB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tổng số tiền dự kiến dùng để chia là 1.831 tỷ đồng. Về cấu phần thứ hai. Ngân hàng cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, tương ứng số tiền 4.029 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận để lại chưa phân phối sẽ là 69,4 tỷ đồng.
Hiện vốn điều lệ của SHB đang là 36.194 tỷ đồng. Ngân hàng đang hoàn tất các thủ tục để nâng vốn lên 36.629 tỷ đồng sau khi phát hành thêm 43,5 triệu cổ phiếu ESOP.
Nếu hoàn thành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, vốn điều lệ của SHB dự kiến sẽ lên gần 40.658 tỷ đồng. Kế hoạch trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2024.
Sau khi chia cổ tức, quy mô vốn điều lệ của SHB vẫn sẽ đứng thứ 9 ngành ngân hàng, sau ACB và trước HDBank. Trong nhóm cổ phần, vốn điều lệ của SHB đứng thứ 5.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ dự kiến sử dụng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý III hoặc quý IV/2024 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.
Đại hội cũng sẽ trình đại họi đồng cổ đông xem xét thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Đỗ Đức Hải và ông Haroon Anwar Sheikh. Trước đó, ông Haroon Anwar Sheikh có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân còn ông Đỗ Đức Hải xin từ nhiệm để đáp ứng các quy định của Luật các TCTD mới đồng thời để tập trung công tác điều hành kinh doanh của SHB.
Ngoài các nội dung trên, ĐHĐCĐ của SHB dự kiến cũng sẽ thông qua tờ trình về niêm yết trái phiếu SHB phát hành ra công chúng, sửa đổi điều lệ, văn bản nội bộ cho phù hợp với thay đổi trong Luật TCTD 2024 và lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập.
THẢO LUẬN:
- Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 là 2,7% và mục tiêu đang để là dưới 3% là vẫn ở mức cao, theo tôi nên giảm về 2%. Đề nghị ngân hàng tích cực trong việc kiểm soát nợ xấu từ việc cấp vốn đến kiểm soát sau vay.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB luôn minh bạch về tình hình hoạt động của ngân hàng. Tình hình chung cả quốc tế và trong nước là có những khó khăn, khó của DN ảnh hưởng đến ngân hàng. Nợ xấu tăng là điều không ai mong muốn nhưng do tình hình chung nên chúng ta xác định nợ xấu tăng lên 2,7% phản ánh trung thực tình hình chung của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kiểm soát được và đồng hành với DN để vượt qua khó khăn.
Chúng tôi toàn hệ thống sẽ tập trung xử lý nợ xấu, thành lập các tổ từ trụ sở đến các phòng giao dịch đồng hành với khách hàng, đồng thời xử lý thu hồi các khoản nợ xấu cần thiết để giảm nợ xấu.
Mục tiêu đặt ra là như vậy nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm đưa nợ xấu về dưới 2%.
- Ban điều hành SHB đánh giá tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm 2024 như thế nào? Xin ban lãnh đạo chia sẻ KQKD quý I của ngân hàng?
TGĐ Ngô Thu Hà: Trong năm 2024 chúng tôi sẽ tập trung phát triển về mở rộng khách hàng cả mảng cá nhân và doanh nghiệp, mảng ngân hàng số,... Một kế hoạch nữa là giảm chi phí đầu vào, cơ cấu lại nguồn vốn. Đồng thời tính toán lãi suất đầu vào một cách hiệu quả; Gia tăng thu nhập phi tín dụng như hoạt động về ngoại tệ (tăng hơn 100% trong năm 2023).
Đồng thời giám sát chặt chẽ chất lượng nợ, tập trung xử lý nợ xấu. Các sản phẩm số sẽ là điểm để tăng số lượng khách hàng và bán dịch vụ, tăng lượng CASA cho ngân hàng
Lợi nhuận quý I của ngân hàng đạt 4.017 tỷ đồng.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Trong chiến lược của HĐQT, SHB đã thành lập khối chuyển đổi, thành viên là các lãnh đạo ngân hàng nước ngoài nhằm chuyển đổi toàn diện ngân hàng sau chặng đường 30 năm.
SHB là ngân hàng đầu tiên nhận sáp nhập Habubank từ 2012. Quá trình đó cũng rất vất vả, đến bây giờ cơ bản tái cấu trúc đã thành công.
Năm 2024 là năm bản lề bứt phá của SHB. Ngân hàng sẽ tăng thu từ dịch vụ, cải cách lấy khách hàng làm trung tâm, đẩy mạnh tài trợ chuỗi, tài trợ xuất nhập khẩu,... Bên cạnh đó là đưa ra công nghệ chuyển đổi số, tạo sự khác biệt.
- Xin ban lãnh đạo cho biết tiến độ xây dựng trụ sở chính hiện nay?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Hiện SHB có lô đất kim cương tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài, có diện tích 2.200 m2. Chúng ta đang làm thủ tục xin phép, các tiến độ tiếp theo cơ bản đã được chấp thuận. Theo dự kiến là trong năm nay sẽ có thể khởi công. Dự kiến là 3 năm nữa SHB sẽ có trụ sở xứng tầm và cũng trở thành ngân hàng đạt số 1 về hiệu quả.
- Giá cổ phiếu SHB hiện tại rất thấp, dao động từ 11.000 - 11.100 đồng/cp, có thời điểm xuống dưới 10.000 đồng/cp. Đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng có phương án để tăng thị giá cổ phiếu lên khoảng 12.000 - 15.000 đồng/cp.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Nhìn nhận giá cổ phiếu thấp hay cao thì do góc nhìn, khẩu vị và sự lựa chọn của nhà đầu tư. Khi đầu tư vào mã cổ phiếu thì nhà đầu tư phải nghiên cứu về các chỉ số tài chính, các tham số tài chính. Phải đánh giá cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đánh giá cả bản thân sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp.
Cho nên tôi nghĩ rằng đã là cổ đông ai cũng mong muốn giá trị cao nhưng cũng phải tự hào rằng SHB là một cổ phiếu có thanh khoản cao, luôn dẫn đầu thị trường. Với thanh khoản như vậy, nhà đầu tư sẽ tự đánh giá được, điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào SHB là rất lớn.
- Ban lãnh đạo đánh giá các khoản vay BĐS, dịch vụ lưu trú của ngân hàng có rủi ro gì?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB cho vay đa dạng ở nhiều mảng, các khoản vay BĐS, dịch vụ lưu trú cũng là một trong những mảng SHB cấp tín dụng. Khi xem xét cho vay, SHB luôn dựa trên cơ sở phương án khả thi, quản lý được nguồn thu, có tài sản bảo đảm, kiểm soát sau vay đảm bảo an toàn cho SHB.
SHB đảm bảo được hoạt động kinh doanh và ưu tiên lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích, như các khách hàng có chuỗi cung ứng xanh nhằm tăng thu dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các khách hàng.
- Về việc thoái vốn khoản đầu tư tại SHB Lào, nếu tính hình lạm phát tại Lào tăng mà quá trình chuyển nhượng kéo dài thì có ảnh hưởng tới giá trị thoái vốn không? Đánh giá về hiệu quả của thương vụ thoái vốn này?
- Xin ban lãnh đạo cập nhật tiến độ việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB Lào đã ký hợp đồng nguyên tắc cơ bản với đối tác nước ngoài, sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn cho đối tác nước ngoài. Khi SHB chuyển nhượng thì luôn luôn đặt lợi ích của cổ đông lên hàng đầu. Chúng tôi tự hào luôn có deal chuyển nhượng giá trị cao, giá trị tốt so với mặt bằng chung của thị trường.
Trong thời gian vừa qua, SHB đã thực hiện bán 100% vốn của công ty tài chính tiêu dùng. Đây là thương vụ có giá trị hàng đầu trong các thương vụ chuyển nhượng vốn cho đối tác nước ngoài.
Tiếp theo đó, với SHB Campuchia và cả ngân hàng SHB chúng tôi đang thực sự có những đối tác nhưng khi chuyển nhượng, chúng tôi luôn đặt lợi ích cổ đông, nhà đầu tư lên hàng đầu. Chúng tôi luôn đưa ra những yêu cầu thoả mãn cho cả hai bên.
Chuyển nhượng mà điều kiện thấp, đơn giản thì rất nhanh. Nhưng không những đáp ứng lợi ích ngắn mà còn trong trung dài hạn, mang tính chiến lược, bền vững.
- Ngân hàng cho biết về các đối tác khách hàng chiến lược của SHB?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Chúng tôi đang ký kết hợp đồng chiến lược với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong cả nước. SHB mang đến nhiều khách hàng nhiều lựa chọn nên được các khách hàng này yêu thích.
- Định hướng tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay BĐS của ngân hàng là bao nhiêu?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn hoạt động, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, phương án khả thi, tỷ lệ cho vay đảm bảo.
Tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của ngân hàng là 16%, chúng tôi tự tin và tự hào rằng SHB có tỷ lệ trái phiếu rất thấp, các khoản này đều đúng mục đích và có tài sản đảm bảo.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.