Mua hàng bằng cảm xúc: Át chủ bài để TikTok Shop đối đầu với Shopee, Tiki, Lazada,...
Tháng 4/2022, nền tảng chia sẻ TikTok bắt đầu triển khai mảng thương mại điện tử (TMĐT) của mình tại Việt Nam - nơi công ty đang có khoảng 50 triệu người dùng. Khác với sàn TMĐT truyền thống khi người mua tự tìm đến nếu họ có nhu mua sắm một thứ gì đó, TikTok chọn đầu tư vào mô hình kết hợp giữa nhu cầu giải trí và mua sắm bằng thuật ngữ "shoppertainment".
Ông Shant Oknayan, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi của TikTok chia sẻ: "Ngày nay, nhờ vào sự phổ biến của tính sáng tạo trên các nền tảng trực tuyến như TikTok, ngày càng có người tiêu dùng tham gia vào quá trình đánh giá các thương hiệu, sản phẩm".
Theo đó, mô hình shoppertainment đánh vào tính giải trí, khả năng quyết định mua hàng bằng cảm xúc của người dùng thông qua các video ngắn được phát trên TikTok. Nói cách khác, sáng tạo nội dung đóng vai trò chính trong việc khiến người xem quyết định chọn mua sản phẩm.
Xu hướng chuyển dịch lên TikTok Shop
Theo nghiên cứu do Toluna thực hiện tại Đông Nam Á, 81% người dùng TikTok quyết định thực hiện việc mua sắm trực tuyến trong mùa mua sắm năm 2023. Tại khu vực Đông Nam Á, người dùng đang tìm kiếm những nội dung, video truyền cảm hứng và trải nghiệm mua sắm liền mạch trong mùa Mega Sales kéo dài từ tháng 9 đến cuối năm.
Tương tự, báo cáo của TikTok chỉ ra khả năng người dùng mua sản phẩm mà họ khám phá ngay trên nền tảng cao hơn gấp 1,5 lần so với các sàn thương mại điện tử thông thường. Khả năng khám phá sản phẩm trên TikTok cũng cao hơn gấp 1,7 lần. Nhờ lợi thế này, TikTok được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Điển hình là Nerman - một dự án khởi nghiệp từng xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 5. Nerman cung cấp các sản phẩm làm đẹp và sức khỏe cho nam, tập trung vào ngành hàng sắc đẹp trên các sàn TMĐT.
Theo tìm hiểu của người viết, Nerman là đơn vị đang giữ vị trí top tại ngành hàng Health & Beauty của Shopee. Với sàn thương mại điện tử truyền thống này, lợi thếNerman có được là nhờ họ đã chọn nước đi đúng khi tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam giới - một thị trường vẫn chưa có nhiều tay chơi xâm nhập.
Đại diện công ty cho biết hiện Nerman có 4 triệu khách hàng sử dụng sản phẩm.
"Đây là sự tăng trưởng đáng chú ý so với con số 150.000 người vào cuối quý I/2022. Không chỉ dừng lại ở đó, Nerman cũng đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình, bao gồm nước hoa, xịt thơm miệng, nước súc miệng, và nhiều sản phẩm khác", ông Đặng Thanh Định, Giám đốc chiến lược của Nerman chia sẻ.
Ngoài Shopee,Nerman tiếp tục tìm kiếm cơ hội với TikTok Shop. Hồi cuối tháng 7, Nerman đã kết hợp với TikTok Shop thực hiện chiến dịch Super Brand Day với 5 phiên livestream cùng nhiều TikToker như Phạm Thoại, Chảnh Beauty...
Ông Thanh Định tiết lộ chiến dịch livestream kết hợp cùng TikTok mang về cho Nerman gần 6 tỷ đồng. Trong đó, phiên livestream đạt doanh thu cao nhất thuộc về TikToker Phạm Thoại, hơn 3,5 tỷ đồng.
Đại diện Nerman đánh giá cao tiềm năng của TikTok Shop và Nerman cũng thường xuyên sử dụng đội ngũ influencers hỗ trợ thúc đẩy doanh số.
Bán hàng nhờ livestream và KOL
Theo dữ liệu từ YouNet Media, từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, tổng lượng influencers (người có sức ảnh hưởng, trên 20.000 người theo dõi) hoạt động trên nền tảng TikTok đã tăng đến 90,6%, nhảy vọt từ 40.644 lên 77.480 influencers.
Phía YouNet Media đánh giá nhờ lực lượng influencers hùng hậu mà chỉ sau 3 tháng, chiến dịch “7/7 Siêu Sale Livestream” của TikTok Shop đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.
Theo đó, tính riêng tháng 7/2022, có 53.697 người thảo luận về TikTok Shop trên các mạng xã hội tăng gấp đôi so với tháng 6. Mô hình mua sắm thông qua livestream trên TikTok Shop tiếp tục gặt hái thành công trong 9 tháng tiếp theo.
Tháng 1/2023, phiên livestream dài 24 giờ của TikToker Phạm Thoại tiêu thụ 76.000 sản phẩm. Tháng 3/2023, phiên livestream bán hàng đầu tiên của TikToker Võ Hà Linh thu hút 80.000 người xem.
TikTok Shop chỉ cần tổng cộng 10 tháng để vượt qua Sendo và Tiki để chiếm vị trí thứ 3 trong danh sách các sàn TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam theo bảng xếp hạng YMI của YouNet Media. Đến tháng 3/2023, tổng lượng người thảo luận về TikTok Shop trên các mạng xã hội đã đạt 321.587 người, nhiều gấp 4,7 lần so với lượng người thảo luận về sàn Tiki.
Chia sẻ với chúng tôi, một doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp các sản phẩm hữu cơ thiên nhiên là Quê Việt cho biết họ tham gia TikTok Shop từ tháng 11 năm ngoái. Trong chiến dịch TikTok Shop Birthday 6/6, Quê Việt đã cán mốc 9.200 đơn đặt hàng, tăng 792% tổng giá trị hàng hoá bán ra.
Lượng người quan tâm tăng vọt giúp TikTok Shop nhanh chóng thu hút một lượng lớn online sellers (nhà bán hàng trực tuyến) gia nhập vào nền tảng. Dữ liệu cho thấy từ tháng 1 đến tháng 5/2023, lưu lượng truy cập vào trang quản lý gian hàng trên website của TikTok Shop tăng 282%, đạt 4,2 triệu lượt truy cập/tháng.
Như vậy, TikTok Shop hiện đã vượt Lazada để trở thành sàn TMĐT có số lượng nhà bán hàng hoạt động trong tháng cao thứ hai thị trường, sau Shopee.
“Vừa thu hút người tiêu dùng, vừa tăng số lượng influencers sáng tạo nội dung trên sàn, kết quả doanh thu của TikTok Shop nhờ đó cũng đạt những bước nhảy ấn tượng. Mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) trên nền tảng này đã tăng gấp 11 lần, cùng với đó thì số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần”, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Bộ phận Market Insights của Công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử YouNet ECI, phân tích.
Báo cáo mới nhất của công ty tư vấn Momentum Works chỉ ra rằng, kể từ khi ra mắt vào năm 2021 cho tới nay, TikTok Shop đã tăng GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) ở khu vực Đông Nam Á từ mốc 600 triệu USD năm 2021 lên 4,4 tỷ USD vào năm ngoái - tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các đối thủ như Shopee của Sea, Lazada của Alibaba và GoTo thuộc Tokopedia.
Hồi giữa tháng 6, CEO TikTok, ông Chou Zi Chew đã tiết lộ công ty này sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm tới. TikTok sẽ tiếp tục rót nguồn vốn khủng cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng liên kết.
"TikTok nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tốt tại đây và chúng tôi quyết định sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm tới", CEO TikTok tuyên bố.
Tại khu vực Đông Nam Á, TikTok hiện diện ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khỏa sát mới nhất của TikTok cho biết, 79% doanh nghiệp nói rằng TikTok đã giúp họ chuyển đổi từ các kênh tiếp thị ngoại tuyến sang trực tuyến.