Một tháng COVID-19 tấn công KCN Bắc Giang và những con số đổ xô mọi kỷ lục
Trong một tháng Bắc Giang lần đầu tiên đối mặt làn sóng COVID-19 trong KCN, đã có những "kỷ lục" được lập nên, từ số mẫu xét nghiệm nhiều chưa từng thấy, đến số ca mắc mới theo ngày ở mức ba con số.
Bắc Giang cũng thực hiện hàng loạt biện pháp chưa có tiền lệ như khẩn cấp đưa 3.000 công nhân đi cách ly ngay trong đêm, tạm đóng cửa 4 KCN khiến 375 doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất. Hiện tại sau một tháng chống dịch, tình hình COVID-19 tại Bắc Giang đã hạ nhiệt đáng kể. Các ca mới ghi nhận chủ yếu tại các điểm đã được khoanh vùng, cách ly.
Với tín hiệu tích cực từ việc trải qua 16-17 ngày không xuất hiện ổ dịch mới, Bắc Giang đã điều chỉnh một số biện pháp giãn cách xã hội, dỡ một số chốt phong tỏa. Đồng thời, tỉnh cũng bắt đầu kế hoạch xem xét cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại trên cơ sở đảm bảo điều kiện, an toàn phòng chống dịch. Đến nay 42 doanh nghiệp với gần 7.600 người lao động trên địa bàn tỉnh đã sản xuất trở lại.
COVID-19 hạ nhiệt sau một tháng chống dịch với nhiều kỷ lục lập nên
Ca dương tính COVID-19 đầu tiên trong nhà máy được Bắc Giang phát hiện hôm 8/5, là nữ công nhân Công ty Shin Young, KCN Vân Trung, huyện Việt Yên (BN3243). Người này nhiễm COVID-19 do tiếp xúc với cặp vợ chồng liên quan ổ dịch Bệnh viện K Tân Triều. Đến sáng 9/5, Bắc Giang thông báo ghi nhận thêm ba bệnh nhân đều là công nhân Công ty Shin Young. Tối cùng ngày, tỉnh thêm 26 ca nữa và đều là F1 của BN3243.
Chỉ trong 6 ngày từ 8/5 đến 13/5, Bắc Giang ghi nhận tới 91 ca nhiễm, trong đó có 87 ca liên quan ổ dịch Công ty Shin Young.
Trong khi chưa dập được ổ dịch này, ngày 14/5, Bắc Giang phát hiện 12 ca dương tính COVID-19 ở Công ty Hosiden, KCN Quang Châu. Công ty Hosiden với khoảng 6.000 công nhân đã buộc phải tạm dừng hoạt động để phục vụ cho công tác xét nghiệm, truy vết F1, F2. Những ngày sau đó, các ca nhiễm mới liên quan ổ dịch này tăng nhanh chưa từng thấy.
Chưa đầy 10 ngày sau ca nhiễm đầu tiên trong nhà máy, tối muộn ngày 17/5, Bắc Giang họp khẩn và sau đó đưa ra quyết định đóng cửa 4/6 KCN từ 18/5. Chưa bao giờ cùng một lúc có tới 375 doanh nghiệp cùng hơn 140.000 lao động phải tạm ngừng việc.
Vào thời điểm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định "chưa bao giờ dịch lại phức tạp như hiện nay". Khi ấy, số ca bệnh của Bắc Giang là 411, chủ yếu là công nhân – chiếm một phần ba tổng số ca nhiễm của cả nước.
Việc tạm đóng cửa 4 KCN khiến Bắc Giang mất đi 2.000 tỷ mỗi ngày. Trong báo cáo mới nhất, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết quyết định này cũng khiến sản xuất công nghiệp của Bắc Giang trong tháng 5 giảm 40,9% so với tháng trước và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn hai tuần kể từ ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, hôm 24/5, số bệnh nhân ở Bắc Giang chính thức vượt mốc 1.000. Đáng chú ý ngày 25/5, tỉnh ghi nhận tới 375 công nhân mắc COVID-19 – con số kỷ lục tính từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam hồi tháng 1/2020. Tuy nhiên, ngành y tế Bắc Giang khi đó lý giải 375 trường hợp này được phát hiện nhờ vào tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong ba ngày.
Trong suốt một tháng dịch hoành hành trong KCN, Bắc Giang đã áp dụng hàng loạt biện pháp ứng phó. Tỉnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với 6 trong 10 huyện gồm Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Yên Thế; riêng huyện Tân Yên, TP Bắc Giang giãn cách theo Chỉ thị 15.
Để ngăn chặn dịch lây lan ra ngoài cộng đồng, tỉnh cũng yêu cầu toàn bộ người dân thực hiện nhà cách ly với nhà; người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài.
Về công tác xét nghiệm, một tháng qua, ngành y tế Bắc Giang đã lấy gần 1 triệu mẫu - con số đổ xô mọi kỷ lục trong các đợt dịch tại Việt Nam.
Hai tuần gần đây, dù số ca nhiễm đều ghi nhận ở mức ba con số, nhưng dịch bệnh tại Bắc Giang được đánh giá không còn phức tạp do các ca mới đều nằm trong khu phong tỏa. Hiện, tỉnh đã khống chế được hai ổ dịch xã Phương Sơn và Công ty Shin Young, còn ổ dịch tại KCN Quang Châu, cụ thể là tại thôn Núi Hiểu, ngành y tế vẫn phải tập trung để dập triệt để.
Với điểm nóng này, lực lượng chức năng đã hai lần thực hiện di dời công nhân để giảm mật độ với tổng số 4.800 người. Hiện còn khoảng 2.000 công nhân sẽ tiếp tục được di dời, sau đó thôn Núi Hiểu sẽ được tiến hành khử khuẩn, làm sạch.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, những công nhân đã hết thời gian cách ly 21 ngày, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được đưa về thôn Núi Hiểu, chuẩn bị đi làm trở lại trong các KCN.
Ngoài ra, huyện Việt Yên đang tổ chức các đoàn hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm, trước hết trong các khu cách ly tập trung, từ đó giảm áp lực cho lực lượng lấy mẫu cũng như nguy cơ lây nhiễm do không thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình lấy mẫu xét nghiệm.
Tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai củng cố mô hình cách ly tại khu ký túc xá công nhân, cách ly tại nhà, tự lấy mẫu xét nghiệm và sớm đúc kết, phổ biến cho các tỉnh trên toàn quốc, đề phòng trường hợp nhiều KCN ở nhiều địa phương cùng xảy ra dịch bệnh.
Trong một cuộc họp gần đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, Bắc Giang có cách làm tương đối bài bản trong việc xét nghiệm sàng lọc định kỳ, liên tục tại các khu cách ly, phong tỏa kết hợp với giảm, giãn mật độ công nhân tại các điểm nóng, khẩn trương làm sạch các ổ dịch. Đối với những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, từng thôn, xã, thị trấn đã làm chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo.
Hơn 7.500 công nhân làm việc và ăn ở ngay tại nhà máy
Từng là tâm dịch của cả nước, Bắc Giang sau một tháng chống dịch đã chuyển sang giai đoạn mới, vừa phòng COVID-19 vừa sản xuất an toàn.
Hôm 25/5, tỉnh đã công bố kế hoạch khởi động lại các KCN bị phong tỏa với mục đích giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội, từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động. Đồng thời kế hoạch cũng hướng tới việc khôi phục kinh doanh, tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là mắt xích quan trọng.
Kế hoạch này được chia làm hai giai đoạn: sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên địa bàn và giai đoạn hai là trong điều kiện dịch được kiểm soát.
Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động được xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5 trở lại đây và có hai lần xét nghiệm PCR âm tính COVID-19, trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp một ngày.
Doanh nghiệp trước khi hoạt động lại phải đón người lao động đến nơi ở tập trung ít nhất 3 ngày, xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân. Công ty phải bố trí nơi cách ly tập trung cho người lao động khi cần thiết; có xe đưa đón lao động.
Ở giai đoạn thứ hai, doanh nghiệp chỉ được sử dụng người lao động được xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp và có hai lần kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19.
Đồng thời, doanh nghiệp phải tiến hành xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên đối với 10% người lao động của đơn vị: 1 lần/tháng trước ngày 15 hàng tháng; báo cáo danh sách và kết quả về Ban Quản lý các KCN trước ngày 20 hàng tháng để theo dõi.
Với kế hoạch khá bài bản và chặt chẽ như trên, đến nay sau 15 ngày từ lệnh tạm đóng cửa KCN, Bắc Giang đã có 42 doanh nghiệp với hơn 7.500 công nhân quay trở lại sản xuất, trong đó công ty sản xuất linh kiện cho Foxconn là có số lao động làm việc cao nhất, gần 1.300 người.
Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương Bắc Giang đã làm tốt mô hình doanh nghiệp khép kín để phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất và đề nghị tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Đánh giá về tình hình dịch trên địa bàn, trong cuộc họp hôm 7/6, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái khẳng định "Bắc Giang phấn đấu trong vòng 7-10 ngày kiểm soát số ca F0 phát sinh ở các khu cách ly, từ 10-14 ngày nữa sẽ cơ bản dập xong dịch bệnh".
Để hoàn thành mục tiêu kéo giảm, tiến tới không còn các ca F0 sau ngày 21/6, hôm qua 8/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng đã ký ban hành văn bản hỏa tốc thực hiện đợt cao điểm tấn công dịch.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp, khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại người đang cách ly tập trung thành ba nhóm: nhóm nguy cơ thấp, nhóm nguy cơ trung bình và nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp cách ly, quản lý, giám sát phù hợp.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hai ngày/lần cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao, 3 ngày/lần cho những người thuộc nhóm nguy cơ trung bình, 4 ngày/lần cho những người thuộc nhóm nguy cơ thấp.