Mirae Asset: Tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của thị trường BĐS là một chỉ báo sớm cho nợ xấu
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng xu hướng nợ xấu tăng nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023.
Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Ngoài ra, những giả định về việc lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu. Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư bất động sản có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.
Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư bất động sản, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.
Trong năm 2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) ghi nhận xu hướng tăng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh lên mức 2,5%, tăng 0,8 điểm % so với cùng kỳ.
Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng mạnh do tác động bởi tỷ lệ nợ xấy tăng đột biến của NCB, Vietbank, VPBank và PGBank. Nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 1,1 điểm % lên mức 3,3% vào cuối năm.
Bộ đệm dự phòng sụt giảm
Báo cáo của Mirae Asset cũng cho biết tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm trong năm 2022. Cụ thể, LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm xuống còn 120,9% vào cuối 2022, giảm 24 điểm % so với cùng kỳ.
Mức giảm LLR phần lớn tác động bởi các ngân hàng có chỉ số LLR đặc biệt cao như Vietcombank, MB, ACB, Techcombank,... Nói cách khác, có thể các ngân hàng đang sử dụng bộ đệm dự phòng duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
Nhóm chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023, LLR giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022.
Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu không những khó có thể duy trì mà có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.
Do các yếu tố vĩ mô kém khả quan và tương đối bất ổn, công ty chứng khoán ưu tiên các ngân hàng có LLR cao, là cơ sở cho ngân hàng điều tiết giữa duy trì lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Những ngân hàng nổi bật bao gồm nhóm quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) và ACB. Các ngân hàng này đều có tỷ lệ nợ xấu thấp, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không đáng kể, và danh mục cho vay đa dạng, qua đó giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Ngoài ra, các ngân hàng này sở hữu thế mạnh thương hiệu, đặc biệt là của nhóm quốc doanh, sẽ mang lại lợi thế lớn trong việc huy động và ổn định tiền gửi và tránh các rủi ro mất thanh khoản do rút tiền gửi tăng đột ngột.