|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mẹ vợ CEO Hồ Nhân: Người phụ nữ quyền lực đứng sau đế chế Sơn Kim Group

11:03 | 21/03/2022
Chia sẻ
Mất chồng từ rất sớm, một mình mẹ vợ CEO Hồ Nhân đã nuôi dạy 5 người con trở thành những doanh nhân thành đạt tại TP HCM.
Doanh nhân Nguyễn Thị Sơn, người phụ nữ quyền lực đứng sau đế chế Kim Sơn Group - Ảnh 1.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn. (Ảnh: FBNV).

Bà Nguyễn Thị Sơn, nhà sáng lập Sơn Kim Group là mẹ của 5 doanh nhân đang điều hành các công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm bất động sản (Sơn Kim Land), kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng (Sơn Kim Retail), dược phẩm (Nanogen-Bio), thiết kế nội thất (Duy Quân), trà - cà phê (Golden Moutain), sản xuất hàng thời trang (VERA), bán hàng online, kênh truyền hình (GS.SHOP).

Năm 1987, ở độ tuổi trên 30, bà Sơn được Nhà nước giao trọng trách về quản lý Công ty Legamex, một trong những doanh nghiệp Nhà nước tiên phong cổ phần hóa. Ở thời kỳ đỉnh cao vào thập niên 90, Legamex dưới sự quản lý và điều hành của bà Sơn có 4.000 nhân viên chính thức, giải quyết được việc làm cho khoảng 10.000 nhân viên ở các công ty vệ tinh.

Xuất thân từ gia đình may mặc

Nói về cái duyên với ngành may mặc, bà Sơn hồi tưởng thời còn học Trung học. Khi đó, bà phụ mẹ quản lý công việc điều hành, làm sổ sách kế toán, ký séc (cheque) thanh toán mua hàng cho đến theo dõi công nợ. Nhờ vậy mà có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới doanh thương.

Là người duy mỹ, lại sẵn xưởng may, bà tự thiết kế trang phục cho mình. Thấy đẹp, một bạn hàng của gia đình gợi ý bà thử thương mại hóa. Quyết định đến sau một đêm, bà lựa vải, thiết kế, cắt, may, tự ướm đồ, điều chỉnh cho đến khi vừa mắt. 

Sản phẩm của bà sau đó "cháy hàng" ngoài thị trường. Nhận ra tiềm năng của con gái, gia đình đã đầu tư cho bà một nhánh riêng, chuyên về thời trang cho phụ nữ và thanh thiếu niên. Và năm 1968, khi bà Sơn 18 tuổi đã tự mình khởi nghiệp kinh doanh.

Bà Sơn chia sẻ: “Là một gia tộc có truyền thống kinh doanh ngành vải sợi, bố mẹ tôi là người Bắc Ninh, sống ở Hà Nội, di cư vào miền Nam năm 1954. Khi ở Hà Nội, mẹ tôi có một tiệm bán vải lụa. Sau đó, gia đình tôi có 2 năm sống ở Huế. Vào Sài Gòn năm 1956, mẹ tôi quyết định mở cơ sở may quần áo thương hiệu Đại Thành, bán sỉ ở các chợ Thủ Đức, Tam Hiệp, Ông Tạ, Trương Minh Giảng, Gò Vấp, Chợ Lớn, Bến Thành và các tỉnh miền Trung…

Thương hiệu Lega-fashion xuất hiện ngày càng nhiều trên thương trường, xuất khẩu qua các nước Liên Xô, Ba Lan,… và Legamex trở thành công ty may mặc lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Thương hiệu Legamex đã trở thành thương hiệu mạnh đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Năm 1991, từ cấp quận, công ty trở thành đơn vị trực thuộc Sở Công nghiệp TP HCM. Hai năm sau, Nhà nước có chính sách mới cổ phần hóa doanh nghiệp và Legamex được chọn làm thí điểm đầu tiên. Bà cũng lại là người hăng hái đi đầu với nhận định cổ phần hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của Nhà nước. 

Tuy nhiên, những biến cố liên quan đến việc cổ phần hóa Legamex sau đó gần như đã đánh sập nữ doanh nhân này, bà Sơn trở về với sự nghiệp kinh doanh gia đình. Nữ doanh nhân này chia sẻ rằng chuyện cổ phần hóa Legamex như một "cái răng gãy" trong nhiều chuỗi sự kiện. Nó giống như cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng muốn làm và tư tưởng sợ hãi.

Bà ví von: "Như những gia đình dọn nhà mới, người chồng muốn bán đồ đạc cũ để mua đồ mới cho đẹp và đồng bộ. Còn người vợ tiếc những món đồ cũ, không muốn bán vì nhiều lí do nên chỉ mua thêm cái mới. Kết quả là phòng khách nửa cũ, nửa mới, lạc điệu…"

Vực dậy sau biến cố, xây dựng đế chế riêng

Rời Legamex, bà Sơn tiếp tục sự nghiệp kinh doanh cùng Sơn Kim Group. Câu chuyện về SonKim Group khởi nguồn từ những năm 1950 dưới sự thành lập của Đại Thành, tập đoàn dệt may nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam được lưu truyền qua ba thế hệ nhà họ Nguyễn.

Nhờ nền tảng kinh doanh từ những thế hệ đi trước, thế hệ thứ ba của nhà họ Nguyễn đã thành lập Sơn Kim Group vào năm 1993, sau khi ông Nguyễn Hoàng Tuấn, con trai bà Nguyễn Thị Sơn du học về nước.

Cùng năm này, Sơn Kim Fashion cũng ra đời, xây dựng thương hiệu Vera và tiến sang các thị trường Ý, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha. Khởi đầu từ một công ty thời trang, Sơn Kim Group đã nhanh chóng phát triển đa ngành nghề xoay quanh 4 vệ tinh: Sơn Kim Land (bất động sản), Sơn Kim Mode (thời trang), VGS Shop (bán lẻ trên truyền hình) và Vissions 21 (Khai thác phim trường).

Bộ sưu tập thương hiệu của gia tộc Sơn Kim ngày càng đa dạng: Các chung cư cao cấp Gateway, Nassim, Serenity Sky Villas, Metropolitan (bất động sản); VERA, JOCKEY, WOW (thời trang); GS25, GSSHOP, Jardin Des Sens, Mama Sens, KYO WATAMI (bán lẻ),…

Mẹ vợ CEO Hồ Nhân: Người phụ nữ quyền lực đứng sau đế chế Sơn Kim Group - Ảnh 3.

Gia đình Sơn Kim Group. (Nguồn: Facebook Nguyễn Thị Sơn).

Bà Sơn từng chia sẻ: "Để có thương hiệu trăm năm, các doanh nghiệp lớn không nên thay đổi thương hiệu và không nên ‘tân quan, tân chính sách’, nhất là những thương hiệu đã có tiếng tăm.

Tôi thấy cái dở hơi của nhiều doanh nghiệp là khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp thì thay đổi cả tên công ty". Với bà Sơn, "các con đều được sống trong gia đình kinh doanh ‘tứ đại đồng đường’, ý thức quản lí, làm giàu được thấm nhuần từ ông bà ngoại, mẹ và các dì, các cậu, các chú..."

Dù không nắm bất kì vị trí nào ở những công ty trên nhưng bà Hồng Trang cho rằng mẹ mình "là người phụ nữ có quyền lực ngầm, chẳng qua bà quá bận nên không có nhiều thời gian cho con.

Thay vào đó, mẹ tôi có óc quan sát, nhìn bao quát công việc làm ăn của con nên mẹ dễ dàng phát hiện ngay những chỗ nào chưa hợp lí để góp ý".

Năm 1998, bà Nguyễn Thị Sơn chuyển sang công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lí Doanh nghiệp (CBAM) thuộc VCCI.

Sau khi tham gia Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam (VLA), bà Sơn được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lí và Kinh doanh quốc tế vào năm 2006.

Năm 60 tuổi, bà Sơn thành lập CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và Trường THCS, THPT Duy Tân. Bước sang tuổi thập thất, bà dần chuyển giao công việc quản lý giáo dục cho cháu nội Nguyễn Hoàng Việt.

Ngoài công việc, bà Sơn còn có đam mê với Facebook. Gần đây, bà cũng đã có chia sẻ cảm nghĩ khi bước sang tuổi 73, hồi tưởng lại một đời kinh doanh của mình. 

"Bà lão là người chịu khó đọc sách, chịu khó học hỏi, chịu khó nghiên cứu trong từng lĩnh vực có liên quan đến sự nghiệp. Từ đó viết lại những kiến thức mà mình học được dưới dạng truyền thụ kinh nghiệm cho người khác nên các kiến thức được nhớ lâu", nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn chia sẻ.

Ông Hồ Nhân, CEO Nanogen, lấy con gái bà Nguyễn Thị Sơn là bà Nguyễn Thị Hồng Vân và hai người có với nhau hai con gái. Mới đây, ông Nhân đã vướng phải những lùm xùm tình cảm liên quan đến một nữ ca sĩ. Tuy nhiên, tối 20/3, trả lời phỏng vấn Zing News, ông Nhân cho biết mình với ca sĩ này chỉ là anh em họ.

Ông nói rằng ông và ca sĩ này coi nhau như anh em ruột trong nhà. "Anh em nương tựa nhau, giúp đỡ nhau thôi, có gì đâu". Về những tin đồn trên mạng xã hội, ông Nhân cũng chia sẻ rằng không muốn nhờ pháp luật can thiệp. "Không đâu, tôi mệt lắm. Kệ họ muốn làm gì thì làm", ông Nhân nói.

Về tấm ảnh dắt tay nhau ở sân golf, Tổng giám đốc Nanogen nói gia đình đều biết việc ông đến đó cùng nữ ca sĩ. "Bạn của nó chia tay, gây lộn với nhau nên nó lôi tôi vô", ông Hồ Nhân giải thích.

Doanh Chính