|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

MBS Research: Mảng bất động sản và thuỷ điện gặp khó, lợi nhuận Hà Đô có thể giảm 14% trong năm nay

19:00 | 09/07/2023
Chia sẻ
MBS Research dự báo, mảng bất động sản và thủy điện của Hà Đô có thể gặp khó từ quý II do sản lượng thấp. Còn sản lượng huy động của điện gió và điện mặt trời sẽ được cải thiện nhờ thiếu hụt từ thủy điện.

Trong báo cáo phân tích về CTCP Tập Đoàn Hà Đô (Mã: HDG), MBS Research dự báo lợi nhuận ròng của Hà Đô có thể giảm 14% so với cùng kỳ, xuống 936 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó, mảng bất động sản và thủy điện có thể gặp khó từ quý II do sản lượng thấp. Còn sản lượng huy động của điện gió và điện mặt trời sẽ được cải thiện nhờ thiếu hụt từ thủy điện.

Một chung cư của Hà Đô tại Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Lâm Anh).

Mảng thuỷ điện gặp khó do El Nino 

Theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Hoa Kì (NOAA), xác suất xảy ra El Nino lên đến trên 85% bắt đầu từ quý II. Ngoài ra, tỷ lệ của pha ENSO trung tính đạt 15% và không có khả năng xảy ra La Nina. Tại Việt Nam, lượng mưa ít từ đầu năm đã khiến mực nước tại nhiều hồ thủy điện giảm mạnh 40% so với cùng kỳ. Theo thống kê của EVN, tại khu vực Bắc Trung Bộ, một số hồ đã về mực nước chết do lượng nước từ thượng nguồn cạn kiệt.

Vì thế, MBS Research cho rằng, sản lượng thủy điện của Hà Đô sẽ bị ảnh hưởng bắt đầu từ quý II do tình hình thủy văn tại các hồ chứa của doanh nghiệp đã giảm mạnh so với cùng k. Lưu lượng đến hồ tại một số nhà máy thủy điện trong tháng 6 giảm 60% - 70% so với năm 2022.

 Nguồn: MBS Research.

Thông tin từ EVN, mực nước vào giữa tháng 6 của sông A Vương và Sông Tranh phục vụ cho thủy điện Za Hưng và Sông Tranh 2 chỉ đạt mức tăng nhẹ so với mực nước chết và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn, nền nhiệt độ cao và mưa ít sẽ kéo dài đến hết năm khiến lưu lượng về hồ tiếp tục ở mức thấp như hiện nay.

Do đó, đơn vị phân tích dự báo sản lượng thủy điện của Hà Đô giảm khoảng 21% so với cùng kỳ trong năm 2023.

 Nguồn: MBS Research.

Sản lượng điện tái tạo gia tăng do thiếu hụt thuỷ điện

Hiện tại, thủy điện (chiếm khoảng 29% sản lượng huy động điện trong nước năm 2022) gặp khó khăn trong bối cảnh nền nhiệt cao và lượng mưa ít dẫn đến hiếu hụt điện đặc biệt trong bối cảnh mùa khô. Sản lượng huy động từ thủy điện trong quý I đạt 15.38 tỷ Kwh, giảm 8% so với cùng kỳ.

Trước những yếu tố trên, MBS Research kỳ vọng sản lượng điện tái tạo năm nay sẽ tăng trưởng 14% so với cùng kỳ và doanh thu tăng 7% so với cùng kỳ nhờ tăng cường huy động trong khi thủy điện kém khả quan và hưởng lợi nhờ quy hoạch điện 8.

Cùng với đó, đơn vị phân tích cũng dự báo, hiệu suất huy động của các nhà máy năng lượng tái tạo của Hà Đô trong năm 2023 đạt 35% so với 31% của năm 2022.

 Nguồn: MBS Research.

Từ năm 2020, đường dây truyền tải tại Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi Hà Đô triển khai 2 nhà máy điện gió và 1 điện mặt trời xảy ra quá tải. Vấn đề này diễn ra do việc xây dựng quá nhiều nhà máy điện dẫn đến công suất truyền tải đã vượt quá công suất thiết kế, tại một số đường dây truyền tải công suất đã quá tải lên đến 150%.

Vì vậy, EVN đã yêu cầu tất cả các nhà máy điện thực hiện cắt giảm công suất để đảm bảo an toàn cho đường dây phụ tải. Trong năm 2023, EVN đang triển khai xây dựng 1 số dự án để nâng cao khả năng truyển tải như Đường dây 110 kV Tháp Chàm – Ninh Phước (Mạch 2), Đường dây Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí và có thể vận hành vào 2024. Do đó, MBS Research đánh giá hiệu suất huy động các nhà điện tái tạo sẽ tăng lên mức 38% từ 2024.

Hiện tại, Hà Đô đang lên kế hoạch xây dựng một số dự án điện tái tạo quy mô lớn như An Phong (300 MW), Phước Hữu (50 MW) nhưng công ty vẫn đang chờ đợi cơ chế mới cho giá năng lượng tái tạo để đi vào triển khai. Khi đó, dự kiến doanh thu mảng năng lượng tái tạo có thể đóng góp 30% doanh thu của Hà Đô hàng năm.

Mảng bất động sản thiếu hụt dự án gối đầu

Theo đơn vị phân tích, kể từ khi hoàn tất bàn giao Hado Centrosa vào năm 2021, doanh thu mảng bất động sản của Hà Đô giảm mạnh 43% trong năm 2022 do các dự án mới chậm được phê duyệt quy hoạch, sửa quy hoạch. Vì thế, MBS Reseach cho rằng, chỉ có Charm Villa có thể bán hàng và bàn giao trong giai đoạn 2023 – 2025.

Sau 2 đợt mở bán vào 2020 - 2021, dự án Charm Villa đã bán hàng 240 sản phẩm, đạt tỷ lệ hấp thụ trên 90% nhờ mở bán vào giai đoạn thị trường bất động sản khởi sắc. Bên cạnh đó, Hà Đô đã bàn giao 190 sản phẩm liền kề và biệt thự.

Trong năm 2023, doanh nghiệp dự kiến bàn giao 50 biệt thự còn lại với doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng, biên gộp tăng nhẹ lên mức 52% do đã hạch toán chi phí xây dựng hạ tầng vào năm 2021. Sang năm 2025, Hà Đô dự kiến bàn giao toàn bộ dự án Charm Villa với 110 căn liền kề và ghi nhận doanh thu mảng bất động sản tăng mạnh 60% so với cùng lên 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hà Đô cho biết đã quyết định lùi thời gian mở bán giai đoạn 3 của dự án Charm Villa sang quý III thay vì giữa năm do sự trầm lắng của thị trường bất động sản.

Theo MBS Research, Hà Đô có thể bàn giao lần lượt 50 biệt thự và 90 căn liền kề vào năm 2023 – 2024 với giá trị khoảng 1,198 tỷ và 1,320 tỷ (tăng lần lượt 8% và 9% so với cùng kỳ). Dự án Charm Villa dự kiến bàn giao toàn bộ vào 2025 với 110 căn liền kề và biệt thự với giá trị 2.100 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ).

  Nguồn: MBS Research.

Sau năm 2024, Hà Đô có thể mở bán 2 dự án Green Lane và Hado Linh Trung. Hiện tại, doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể bắt đầu triển khai Green Lane vào quy II/2024. Dự kiến, dự án Green Lane và Linh Trung sẽ đóng góp khoảng 1.500 tỷ và 2.000 tỷ đồng kể từ năm 2026.

  Nguồn: MBS Research.

Lâm Anh