Long Châu 'mang tiền về cho mẹ', An Khang đóng hàng trăm cửa hàng
Thị trường bán lẻ nhà thuốc hiện đại đang có sự phân hóa mạnh khi Long Châu đang tiến nhanh trong quá trình bành trướng, trong khi những đối thủ còn lại như An Khang và Pharmacity tỏ ra hụt hơi trong "đại chiến nhà thuốc" này.
Long Châu xây hệ sinh thái
Chuỗi Long Châu đang trở thành "xương sống" gánh lợi nhuận của FPT Retail. Doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 11.500 tỷ đồng, cao hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng dược phẩm theo đó chiếm 63% doanh thu FPT Retail.
Hiệu quả trên mỗi nhà thuốc được duy trì ở mức 1,2 tỷ/tháng trong bối cảnh vẫn liên tục mở nhiều shop mới. Con số này giúp chuỗi dược phẩm tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận đóng góp lớn hơn vào kết quả chung.
FPT Retail hiện có 2 mảng kinh doanh chủ lực là hệ thống FPT Shop và Long Châu. Trong đó chuỗi nhà thuốc được mở rộng nhanh chóng để bù đắp cho sự khó khăn của mảng bán lẻ ICT, chính thức vượt mặt doanh số từ quý III/2023 và ngày càng gánh vác lợi nhuận cao hơn hơn.
Trong nửa đầu năm, chuỗi điện thoại bị lỗ EBITA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tài sản) gần 17 tỷ đồng, trong khi dược phẩm Long Châu có lãi EBITDA 491 tỷ đồng.
Chuỗi nhà thuốc thuộc FPT Retail đã mở rộng thêm 209 điểm bán để nâng tổng số lên 1.706 nhà thuốc trong 6 tháng đầu năm. Đến hết tháng 7/2024 này, chuỗi này chính thức cán mốc 1.789 nhà thuốc trên toàn quốc.
Sự phát triển của Long Châu không chỉ ở hoạt động nhà thuốc mà đang được nhắc đến thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe trên, hướng đến một công ty healthcare và có ý định huy động thêm vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ.
Công ty đã mở rộng mạng lưới tiêm chủng vaccine với 36 trung tâm mới trong quý II, nâng tổng số lên 87 trung tâm tại 40 tỉnh thành. Đến nửa cuối tháng 8, công ty đã hoàn tất mở 100 trung tâm để sớm hoàn thành sớm kế hoạch năm.
Theo kế hoạch năm 2024, Long Châu dự kiến doanh thu tăng hai chữ số và cũng lên kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc mới để nâng tổng số cửa hàng lên 1.900 điểm. Quy mô thị trường bán lẻ thuốc theo lãnh đạo doanh nghiệp vào khoảng 7 tỷ USD.
Ban lãnh đạo kỳ vọng vào sự thành công của FPT Long Châu bởi lượng khách hàng có sẵn lớn hơn 15 triệu khách, độ phủ 2.000 nhà thuốc và hậu thuẫn công nghệ từ Tập đoàn FPT.
An Khang và Pharmacity còn loay hoay
Trái ngược với sự mở rộng ồ ạt của Long Châu, chuỗi nhà thuốc An Khang lại chứng kiến tình trạng ảm đạm. Báo cáo nửa đầu năm cho thấy chuỗi này lỗ tiếp 172 tỷ đồng và nâng con số lỗ lũy kế từ 2017 đến nay đã hơn 800 tỷ đồng.
"Giống như các chuỗi đàn anh đàn chị, An Khang đang thực thi tái cấu trúc để xem xét lại từng nhà thuốc, cân nhắc đóng cửa hàng không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận", ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) kiêm phụ trách chuỗi này cho biết.
Theo báo cáo tính đến cuối tháng 6, hệ thống nhà thuốc tư nhân này còn tổng cộng 481 cửa hàng đang hoạt động, con số này đã giảm 46 điểm bán so với đầu năm (527 nhà thuốc).
Lãnh đạo doanh nghiệp nêu định hướng sẽ tiếp tục giảm số lượng xuống còn 300 cửa hàng vào cuối năm. Như vậy, tập đoàn sẽ rất quyết liệt trong việc "khai tử" thêm 181 cửa hàng, nâng tổng số điểm đóng cửa trong cả năm lên hơn 227.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em tiết lộ doanh thu trung bình của An Khang khoảng 500 triệu đồng/tháng, trong khi điểm hòa vốn ở mức độ cửa hàng là 550 triệu/shop. Con số này đang kém rất xa khi chưa bằng một nửa so với đối thủ Long Châu.
Pharmacity cũng đang loay hoay sau khi bị Long Châu "vượt" qua về mặt quy mô nhà thuốc vào đầu năm 2023. Công ty gặp biến động thượng tầng vào 9/2022 khi nhà sáng lập Chris Blank rời vị trí tổng giám đốc, đơn vị phải hai lần thay ghế CEO trong vòng 18 tháng.
Trong thời kỳ đỉnh cao trước năm 2023, dù có số lượng nhà thuốc lớn nhất ngành bán lẻ, Pharmacity vẫn gặp khó trong quá trình tìm điểm hòa vốn. Hệ thống này hiện còn dưới 900 cửa hàng đang hoạt động.
Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng trong năm 2019. Chuỗi tiếp tục ghi lỗ 421 tỷ đồng trong năm 2020 để nâng lỗ lũy kế lên hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty vẫn đang vật lộn để giải quyết khoản lỗ lũy kế và những khó khăn trong vận hành.
Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam là miếng bánh béo bở với quy mô doanh số được dự đoán sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tức hơn gấp đôi sau 5 năm, theo hãng nghiên cứu thị trường BMI. Đồng thời, thị trường này có tính phân mảnh cao với phần đông là cửa hàng truyền thống, đây là cơ hội cho các “ông lớn” bán lẻ nhảy vào chiếm lĩnh.
SSI Research dự phóng chuỗi nhà thuốc An Khang tiếp tục lỗ trong năm 2024 và 2025.
Các nhà thuốc thương mại hiện đại ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn để giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ và nhà thuốc bệnh viện, chiếm khoảng 85% tổng giá trị thị trường trong năm 2023.
Do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như đối thủ Long Châu nên sẽ khó giành được thị phần từ nhà thuốc bệnh viện.
Trong ngắn hạn, An Khang có thể vẫn cần phải tinh chỉnh lại danh mục sản phẩm. Không giống như điện thoại điện máy, cơ cấu sản phẩm thuốc đa dạng hơn nhiều (>20.000 SKU cho dược phẩm, so với khoảng 3.000 SKU cho mảng điện thoại điện máy), do đó việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm sẽ mất nhiều thời gian.