|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Loạt cổ phiếu bất động sản giảm sàn phiên 4/11

17:28 | 04/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà giảm trên diện rộng trong phiên giao dịch 4/11. Nhóm bất động sản diễn biến không thuận lợi khi một số cổ phiếu giảm sàn ngay từ đầu phiên sáng và số lượng mã giảm sàn tăng mạnh về cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch 4/11, VN-Index giảm 2,22% về 997,15 điểm. Bất động sản ghi nhận giảm 3,3%, xếp sau các nhóm vật liệu xây dựng (-3,5%), bảo hiểm (-3,99%), xây dựng (-4,4%), chứng khoán (-5,63%), bán lẻ (-6,18%),…

Cổ phiếu bất động sản hôm nay diễn biến không thuận lợi, khi một số cổ phiếu giảm sàn ngay từ đầu phiên sáng và số lượng mã giảm sàn tăng mạnh về cuối phiên. NVL, PDR, KDH, NLG, BCG, KBC, DXG,… là top những mã giảm sàn với biên độ lớn trên 6%.

Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư No Va (Novaland) tiếp diễn phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp và chính thức rớt mốc 60.000 đồng/cp ngay từ khi thị trường mở cửa. Tính đến cuối phiên, cổ phiếu NVL giảm sàn 6,99% về 59.900 đồng/cp và dư bán hơn 2 triệu đơn vị.

Đà giảm của cổ phiếu NVL diễn ra trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài và doanh nghiệp liên tục vướng phải những tin đồn sai sự thật trong thời gian gần đây, nhất là sau thông tin doanh nghiệp tạm dừng phát hành tăng vốn.

Novaland đánh giá thị trường đang có nhiều biến động khó lường, dẫn đến phương án phát hành được công bố trước đó không còn phù hợp với tình hình hiện tại nên phía doanh nghiệp tạm dừng kế hoạch phát hành. Thời điểm triển khai sẽ được HĐQT xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất.

 Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn phiên 4/11. (Nguồn: MBS).

Sau giai đoạn thiết lập vùng đỉnh lịch sử ở quý đầu năm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản đã bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 - thời điểm thị trường đón nhiều thông tin liên quan đến kênh huy động vốn của doanh nghiệp, qua đó tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

VN-Index đã có nhiều phiên giảm mạnh và lần lượt thủng đáy kể từ đầu tháng 10 khi thị trường tràn lan các tin đồn về một số cá nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.

Tính đến hết phiên 4/11, các mã NVL, PDR, VHM giảm giá khoảng 30% trong vòng một quý; KDH, NLG giảm giá trên 40%; một số mã như DXG, KBC giảm giá trên 50% trong cùng giai đoạn.

Bất động sản 2022 được đánh giá khó khăn hơn nhiều so với năm trước và chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong ngắn hạn. Ngay trong quý III, hoạt động điều tiết tín dụng, tăng lãi suất đã khiến thanh khoản bất động sản chịu ảnh hưởng sâu sắc. Mức độ quan tâm đến bất động sản giảm mạnh và giao dịch thực tế không đáng kể.

Báo cáo của một số doanh nghiệp và công ty chứng khoán cho thấy, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý vừa qua khi tỷ lệ mở bán thành công thấp hơn các đợt mở bán ở giai đoạn trước.

Cuối tháng 7, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) đã mở bán tòa 9 thuộc dự án Akari (Bình Tân, TP HCM) với 60% sản phẩm được chào bán thành công, thấp hơn tỷ lệ trên 90% của các đợt chào bán các phân khu trước đó, theo ghi nhận từ VDSC.

VDSC cũng đưa ra dự báo hoạt động bán hàng tại dự án Gem Sky World (Long Thành, Đồng Nai) của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) khó khởi sắc trong nửa cuối năm dù doanh nghiệp đã chuyển sang bán đất nền trở lại trong tháng 6.

Theo số liệu tài chính quý III, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh và kết quả kinh doanh tăng trưởng được bù đắp từ các hoạt động khác (chuyển nhượng vốn, thanh lý đầu tư,…).

Dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã âm liên tục trong nhiều kỳ kế toán và xác lập kỷ lục trong quý III. Áp lực hiện rõ hơn khi một số doanh nghiệp đã tăng mạnh nợ vay nhằm cân đối dòng tiền.

Các chủ đầu tư vẫn đang nỗ lực trong hoạt động kích cầu bằng nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ. Hồi giữa tháng 10, một doanh nghiệp đã đưa ra mức chiết khấu 50% giá trị sản phẩm thấp tầng cho một dự án ở Đồng Nai khi khách hàng thanh toán tiền mặt 100%. 

Chia sẻ với chúng tôi, Chuyên gia Kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, dự báo “dòng tiền tiếp tục khó khăn cao trong ba tháng tới do nhà nước tiếp tục xử lý và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Khó khăn sẽ giảm dần trong quý I/2023 và có thể ổn định lại trong quý II/2023.

Doanh nghiệp bất động sản sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền. Đây là tình trạng chung nên các doanh nghiệp phải chủ động trong việc quản lý dòng tiền, khả năng huy động và khả năng sử dụng dòng tiền phải cân với nhau". 

 (Nguồn: Ngọc Anh tổng hợp; Đồ họa: Ngọc Anh).

Ngọc Anh