|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Đèo Cả chỉ ra những thách thức của doanh nghiệp trúng thầu các dự án đầu tư công

08:06 | 13/01/2023
Chia sẻ
Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn sắp tới sẽ tạo nhiều cơ hội bứt phá cho nhóm xây dựng hạ tầng. Mặc dù vậy, lãnh đạo Đèo Cả cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt vấn đề liên quan đến chi phí và nguồn vốn.

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2023, 12 gói thầu đầu tiên của dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đồng loạt được khởi công. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã công bố danh sách nhà thầu cho 13 gói thầu còn lại của dự án, dự kiến các gói thầu này sẽ khởi công từ ngày 15/1.

Ngoài ra, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác sẽ được khởi công từ đầu năm 2023 như Nhà ga hành khách và đường băng sân bay tại Sân bay Long Thành (tháng 01/2023); cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tháng 4/2023) và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (tháng 6/2023).

Trong khi đó, 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vẫn sẽ được đẩy mạnh thi công và hoàn thành lần lượt cho đến năm 2024.  

 

Không chỉ có màu hồng

Báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) nhận định giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 khi mà nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp được giải quyết bởi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới, cùng Nghị quyết 18 cho phép giao trực tiếp mỏ vật liệu phục vụ dự án cho các nhà thầu. 

Do đó, giai đoạn 2023-2025, được kỳ vọng sẽ là giai đoạn bứt phá về doanh thu của nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, việc giải ngân lượng lớn vốn đầu tư công và khởi công đồng loạt các dự án trong năm 2023 cũng đặt ra không ít thách thức đối với các nhà thầu xây dựng.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công 12 gói thầu đầu tiên của dự án Cao tốc Bắc - Nam, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã nêu lên một số vấn đề trong đó có việc tính chất của các công trình phức tạp nhưng thời gian chuẩn bị gấp rút dễ dẫn đến sai sót trong quá tình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu.

Đồng thời, việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức lớn đối với các bên tham gia trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, việc chỉ số giá tại các địa phương chậm công bố, không điều chỉnh kịp thời với thực tế; vấn đề giải phóng mặt bằng với mỏ vật liệu thông thường vẫn còn bất cập và lãi suất tăng cao đã tác động đến chi phí của doanh nghiệp, cũng như làm chậm tiến độ dự án.

Ông cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ đạo UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu trước ngày 30/1 để đảm bảo triển khai dự án như tiến độ đăng ký.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý sớm công bố chỉ số giá, đơn giá vật liệu, vật tư hằng tháng nhằm đảm bảo công tác quyết toán công trình.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. (Ảnh: deoca.vn). 

Tại sự kiện Báo cáo chiến lược đầu tư quý I/2023 do CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV - thành viên của Tập đoàn Đèo Cả) cho rằng, Chính phủ nhận định lấy giải ngân đầu tư công làm đòn bẩy cho nền kinh tế sau đại dịch nhưng tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Các vấn đề về cơ chế thủ tục giải ngân, triển khai dự án đầu tư công vẫn chưa hiệu quả cùng với năng lực triển khai của nhà thầu, chủ đầu tư về hạ tầng còn hạn chế.

Ông cũng đề cập đến vấn đề mức giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, lên mức cao mới so với giai đoạn 2020-2021 và chính sách công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, khi các dự án đồng loạt khởi công sẽ tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực. Nhưng ông nhận xét thời gian qua nhân sự, sinh viên khối ngành này có xu hướng giảm, việc không thu hút được nhân sự sẽ là thách thức lớn. Nếu doanh nghiệp không có chính sách tuyển dụng sớm và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực thì sẽ khó thu hút nhân sự trong 2-3 năm mới.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.  (Ảnh: deoca.vn).  

Ngoài ra, khối doanh nghiệp đầu tư dự án PPP còn gặp thách thức về huy động vốn. Bởi các dự án lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng thời gian hoàn vốn kéo dài 10-20 năm nên các tổ chức tín dụng rất e dè, thận trọng trong việc đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông hiện nay.

Mặc khác, nhiều doanh nghiệp làm BOT, PPP có kết quả thu phí hoàn vốn không được như kỳ vọng.

Ông cũng đưa ra lời khuyên rằng bối cảnh hiện tại cần đòi hỏi quản lý, điều hành theo sát thực tế để mang lại hiệu quả. "Ứng dụng công nghệ cũng là một hướng đi để kiểm kiểm soát chi phí quản lý và tối ưu hiệu quả cho nhà thầu, doanh nghiệp xây lắp. Sẽ là thách thức nếu danh nghiệp không kịp thời nắm bắt xu thế về công nghệ." vị Tổng Giám đốc Hạ tầng Giao thông Đèo Cả nói.

Đăng Nguyên