KPMG: Quy định mới về việc cho vay tại Thông tư 06 ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của nhà đầu tư
Vào cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 06/2023/TT- NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (ngày 30/12/2016) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư 08/2023/TT-NHNN (ngày 30/6/2023) quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 (Thông tư 12).
Thông tư 08 đã có hiệu lực vào ngày 15/8/2023 và theo dự kiến ban đầu Thông tư 06 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9/2023.
Theo các chuyên gia KPMG, Thông tư 06 tác động trực tiếp và đáng kể đến kế hoạch huy động vốn cho các dự án và hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Huy động vốn trong các giao dịch M&A
Thông tư 06 là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy NHNN muốn tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu vào các mảng kinh doanh cốt lõi hơn là tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ bằng nợ trong đầu tư tài chính, theo đó lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các quy định này là bất động sản.
Cụ thể, đối với việc huy động vốn đề góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần phần vốn góp của các công ty mục tiêu (trong các giao dịch M&A), mặc dù tài trợ bằng nợ (bằng việc vay tiền từ các ngân hàng và cổ đông trong và ngoài nước) là phương pháp huy động vốn được các nhà đầu tư ưa thích và sử dụng rộng rãi để góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp của các công ty mục tiêu tại Việt Nam, Thông tư 06 và Thông tư 08 sẽ thay đổi và hạn chế một cách đáng kể phương thức huy động vốn này.
Trong đó, khoản vay trong nước không còn được cho phép để thực hiện mục đích nói trên. Thông tư 06 quy định rõ các tổ chức tín dụng không được phép cho khách hàng vay để: (1) góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; hoặc (2) góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
“Những hạn chế trên trong Thông tư 06 là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy NHNN muốn tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu vào các mảng kinh doanh cốt lõi hơn là tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ bằng nợ trong đầu tư tài chính, theo đó lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các quy định này là bất động sản”, KPMG nhận định.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia KPMG cho rằng vẫn chưa rõ liệu các khoản vay nước ngoài có được chấp thuận cho mục đích này không. Trước đây, Thông tư 12 không quy định rõ liệu bên vay có được phép sử dụng khoản vay nước ngoài để góp vốn hay thanh toán tiền nhận chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp của công ty mục tiêu hay không.
Tuy nhiên, trên thực tiễn, các chấp thuận cho mục đích vay này đã được xem xét cấp theo từng trường hợp cụ thể khác nhau. Cụ thể hơn, Thông tư 12 quy định rằng, các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn được phê duyệt để thực hiện “kế hoạch sản xuất, kinh doanh” hoặc “dự án đầu tư” của bên vay hoặc công ty con trực tiếp của bên vay,
Trên thực tế ở các giao dịch trước đây, KPMG đã nhận thấy có việc sử dụng khoản vay nước ngoài này để góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp tại các công ty mục tiêu.
Tương tự, Thông tư 08 cũng không quy định rõ việc khoản vay nước ngoài có được chấp thuận cho hoạt động đầu tư vốn hay không như các nhà đầu tư đã mong đợi. Tuy nhiên, Thông tư 08 đã nới rộng mục đích sử dụng khoản vay nước ngoài với việc cho phép nhà đầu tư sử dụng khoản vay vào các dự án khác thuộc phạm vi hoạt động hợp pháp của mình. Khái niệm “dự án khác” cho NHNN một số quyền xem xét phương án sử dụng vốn vay, ví dụ như bên vay dùng để góp vốn hoặc thanh toán tiền mua cổ phần/phần vốn góp trong từng trường hợp cụ thể khác nhau.
Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tiếp cận vấn đề này một cách cẩn trọng và xin hướng dẫn cụ thể từ NHNN, đặc biệt là trong bối cảnh khoản vay trong nước cho cùng mục đích đã bị giới hạn một cách rõ ràng. Nói cách khác, NHNN có thể có quan điểm hạn chế hơn đối với các khoản vay nước ngoài dành cho mục đích này tương tự như đối với các khoản vay trong nước.
Vay vốn để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài
Các doanh nghiệp vẫn có thể vay tiền từ nước ngoài hoặc từ các tổ chức tín dụng trong nước để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài hiện hữu, với các điều kiện tương tự như trước đây, nhưng được làm rõ hơn với các quy định mới.
Cụ thể, trường hợp vay từ các bên cho vay nước ngoài, Thông tư 08 đã cho phép bên vay sử dụng các khoản vay ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ nước ngoài phát sinh trong quá trình hoạt động của mình mặc dù trước đây mục đích này không được cho phép.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải tham khảo hướng dẫn thi hành cụ thể hơn từ NHNN về phạm vi được phép và các thủ tục kèm theo do Thông tư 08 chưa có quy định rõ ràng về các nội dung này.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng chi phí vay của khoản vay mới (bao gồm lãi và chi phí vay) không vượt quả chi phí vay của khoản nợ nước ngoài hiện hữu được cơ cấu lại.
Thông tư 08 hiện linh hoạt hơn trong quy định về việc tính toán khoản vay mới, với tổng mức chi phí vay được phép bao gồm nợ gốc, lãi vay, chi phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và chi phí của khoản vay mới. Kể từ ngày rút vốn khoản vay mới, doanh nghiệp phải sử dụng khoản vay này để trả nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu trong vòng năm (05) ngày làm việc.
Trường hợp vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, Thông tư 06 có quy định mở hơn cho doanh nghiệp khi cho phép vay để trả các khoản nợ nước ngoài chưa đến hạn hoặc chưa được cơ cấu lại, mà không yêu cầu khoản nợ hiện tại đó phải phục vụ cho mục đích kinh doanh như quy định trước đây, với điều kiện thời hạn vay của khoản vay mới không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ. Quy định này cho thấy NHNN không khuyến khích việc sử dụng các nguồn vốn thay thế nhằm mục đích kéo dài thời hạn dư nợ của khoản vay hiện hữu.
Những hạn chế mới đối với mục đích sử dụng vốn vay
Theo quy định cho vay mới, các nhà đầu tư hiện tại phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn đối với các mục đích sử dụng khoản vay.
Trường hợp vay từ nước ngoài, bên vay không còn được phép vay các khoản vay nước ngoài cho công ty con của mình sử dụng trong hoạt động hoặc thực hiện dự án của công ty con đó.
Khoản vay ngắn hạn chỉ được sử dụng để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài hoặc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh và được xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp.
Các khoản vay trung và dài hạn chỉ được phép cho ba mục đích: (1) Để thực hiện các dự án được cấp phép của bên vay, (2) để thực hiện kế hoạch kinh doanh và các dự án khác của bên vay, (3) để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài chưa thanh toán của bên vay.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chủ khách sạn Novotel Saigon Centre mua lại trước hạn 2.250 tỷ đồng trái phiếu do ngừng hợp tác với CapitaLand Tower tại dự án Ba Son 23/08/2023 - 15:05
-
Thông tư 06 có siết vốn vào bất động sản hay không? 17/08/2023 - 10:33
-
Chủ đầu tư lo ngại Thông tư 06 sẽ là ‘cú đấm bồi’ cho thị trường bất động sản 16/08/2023 - 14:38
Trường hợp vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, Thông tư 06 hiện cấm các khoản vay được sử dụng cho các mục đích sau: (1) để gửi tiền tại tổ chức tín dụng; (2) góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư chưa đủ điều kiện kinh doanh; (3) để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Các điều kiện này bao gồm: Bên vay đã tự ứng vốn để thanh toán các chi phí thực hiện dự án mà các khoản chi phí này phát sinh trong thời gian dưới 12 tháng tính đến thời điểm khoản vay được cấp; và bên vay đã tự ứng vốn để thanh toán các chi phí thực hiện dự án mà các khoản chi phí này có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Ngoài ra, Thông tư 08 và Thông tư 06 đều tạo sự linh hoạt hơn cho bên cho vay và bên đi vay trong việc cơ cấu đồng tiền cho vay. Trong đó, khoản vay từ các tổ chức tín dụng trong nước có thể được trả bằng đồng tiền cho vay của khoản vay, hoặc bằng đồng tiền khác theo thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay.
Đây là lần đầu tiên các khoản vay nước ngoài được cho phép xác định bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc rút vốn và trả nợ của các khoản vay này vẫn sẽ phải được thực hiện bằng đồng ngoại tệ.
Theo nhóm chuyên gia KPMG, mặc dù việc thực hiện quy định này sẽ cần được hướng dẫn cụ thể hơn nhưng sự cấp tiến trong các quy định này là bước đầu giúp các bên linh hoạt hơn trong việc xác lập kế hoạch trả nợ của mình.
Một lưu ý khác, nhà đầu tư đã có thời hạn đến ngày 15/8/2023 để ký các thỏa thuận vay nước ngoài đến khi Thông tư 06 có hiệu để ký hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng để các khoản vay liên quan của họ sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 12 và Thông tư 39.
Sau thời hạn trên, bất kỳ hợp đồng vay mới nào hoặc bất kỳ sửa đổi, bổ sung nào đối với hợp đồng vay hiện tại sẽ phải tuân theo các quy định mới của Thông tư 08 và Thông tư 06.