|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc chồng chất nỗi lo nhưng Bắc Kinh chưa có hướng giải quyết

06:42 | 03/07/2023
Chia sẻ
2023 đáng lẽ là năm mà nền kinh tế Trung Quốc bừng tỉnh sau ba năm "Zero COVID" và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, 6 tháng đã trôi qua và tình hình của nước này vẫn không khá hơn.

Kỳ vọng không thành

2023 đáng lẽ là năm mà nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ trở lại để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, 6 tháng đã trôi qua và Trung Quốc giờ đang phải đối mặt với một loạt vấn đề.

Tại nền kinh tế tỷ dân hiện giờ, chi tiêu của người tiêu dùng đang trì trệ, thị trường địa ốc vẫn chìm trong khủng hoảng, xuất khẩu giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục và khối nợ của chính quyền các địa phương cao ngất ngưởng.

Những căng thẳng ở Trung Quốc đang bắt đầu tác động nền kinh tế chung, ảnh hưởng đến mọi thứ từ giá hàng hoá công nghiệp đến thị trường chứng khoán.

Tệ hơn nữa, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình hiện không có giải pháp tiềm năng nào để khắc phục tình hình, tờ Bloomberg lưu ý.

Một dự án nhà ở bị đình trệ tại thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu. (Ảnh: Bloomberg).

Bắc Kinh thường tung ra các kích thích lớn để thúc đẩy nhu cầu, song cách làm này đã dẫn đến tình trạng dư cung trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp, đồng thời làm phình to khối nợ của các địa phương.

Một số chuyên gia băn khoăn rằng sau 30 năm tăng trưởng đáng kinh ngạc, liệu Trung Quốc có sắp rơi vào giai đoạn trì trệ như Nhật Bản hay không.

Làm trầm trọng thêm vấn đề là căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington đã nỗ lực cắt đứt nguồn cung chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.

Nhìn chung, các diễn biến trên không chỉ đe doạ đến triển vọng tăng trưởng năm nay của Trung Quốc, mà còn cản trở tham vọng vượt Mỹ của đất nước tỷ dân.

Ông Tom Orlik, kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, cho hay: “Một vài năm trước, ai cũng nghĩ Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bây giờ, khoảnh khắc địa chính trị đó gần như chắc chắn sẽ bị trì hoãn và chúng ta có thể nghĩ đến viễn cảnh kịch bản đó hoàn toàn không xảy ra”.

Trong một kịch bản tiêu cực, khi thị trường bất động sản lao dốc mạnh hơn, tốc độ cải cách chậm lại và quan hệ Mỹ - Trung ngày càng chia rẽ, Bloomberg Economics ước tính tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm tốc còn 3% vào năm 2030.

 

Nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn trên nhiều lĩnh vực. Tại tỉnh Quý Châu, các quan chức đang tìm kiếm các gói cứu trợ từ Bắc Kinh, theo Bloomberg.

Tại trung tâm sản xuất Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang, các doanh nghiệp nhỏ cho biết doanh số đã giảm đáng kể so với mức năm 2021.

Ở thành phố Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, chiến dịch kiểm soát ngành công nghệ của chính phủ và việc hàng chục nghìn người mất việc đã ảnh hưởng xấu đến thị trường địa ốc.

Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng chính thức vào khoảng 5%. Khi chính phủ mới công bố vào tháng 3, nhiều người cho rằng mục tiêu này không mấy tham vọng. Song, con số này giờ đây có vẻ rất sát với thực tế.

Hồi đầu tháng 6, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc từ 6% xuống còn 5,4%. Nếu chính quyền ông Tập tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Keyu Jin, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận định: “Trung Quốc đang vướng vào một vòng luẩn quẩn: họ cần một gói kích thích lớn để tạo ra tác động [kinh tế] khiêm tốn”.

“Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn trong tương lai, bởi nước này đang thực sự trong quá trình chuyển đổi từ công nghiệp hoá sang tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo. Tăng trưởng kiểu mới không nhanh như vậy”, vị giáo sư lưu ý.

Bẫy niềm tin

Đầu năm 2023, người ta từng rất lạc quan rằng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ hoạt động mua sắm trả thù (revenge shopping) và du lịch.

Tuy nhiên, những lo lắng về tăng trưởng yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và thu nhập thấp, cùng với tác động tiêu cực của lĩnh vực địa ốc tới tài sản, đã thúc đẩy nhiều người tiết kiệm thay vì chi tiêu.

 

Xiao Jin là một trong những người từng hy vọng sự kết thúc của chính sách Zero COVID sẽ kích thích người tiêu dùng đến mua sắm tại cửa hàng đồ chơi của cô ở thành phố Quý Châu.

“Chúng tôi hầu như không kiếm được đồng nào trong ba năm qua”, Xiao kể. Nhưng “việc kinh doanh bây giờ thậm chí còn tệ hơn năm ngoái”.

Nguyên nhân chủ chốt khiến người tiêu dùng héo mòn là thị trường bất động sản. Cú lao dốc của thị trường xảy ra sau khi chính phủ chấn chỉnh các nhà phát triển nặng nợ vào năm 2020 để giảm bớt rủi ro.

Giá nhà đất sụt giảm, trong khi một số công ty yếu hơn đã vỡ nợ. Nhiều doanh nghiệp ngừng xây dựng những dự án mà họ đã bán nhưng chưa bàn giao, dẫn đến việc các chủ sở hữu nhà ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp.

Tình trạng hỗn loạn nói trên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người Trung Quốc, những người từ lâu đã coi địa ốc là khoản đầu tư chắn chắn và an toàn.

Một nguyên nhân đáng lo khác là tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi hiện là 20,8%, cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố số liệu vào năm 2018 và gấp 4 lần tỷ lệ ở thành thị.

Tại một hội chợ việc làm gần đây ở Bắc Kinh, Wu Yuanhao (27 tuổi) cho biết anh đang tìm kiếm một vị trí trong ngành thương mại điện tử nhưng các công ty đang cắt giảm nhân sự và mức lương đã sụt khoảng 20% so với ba năm trước.

“Triển vọng việc làm không còn tốt như trước. Cạnh tranh rất khốc liệt”, Wu kể.

 

Xuất khẩu yếu

Không chỉ nhu cầu trong nước gây thất vọng mà xuất khẩu, một trụ đỡ của Trung Quốc trong đại dịch, cũng đã yếu đi trong những tháng gần đây.

Sau khi đạt đỉnh 340 tỷ USD vào tháng 12/2021, xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 5 năm nay đã giảm gần 60 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống do lãi suất tại Mỹ và châu Âu tăng, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của các khu vực này.

Bà Huang Meijuan đã sản xuất cây thông Giáng sinh cho thị trường quốc tế trong hơn 20 năm qua. Năm nay, bà dự đoán doanh số sẽ giảm 30% so với mức kỷ lục của năm 2022.

Xuất khẩu yếu khiến lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc loanh quanh gần mức 0%. Giá sản xuất tại các nhà máy đã rơi vào tình trạng giảm phát, khiến nhiều doanh nghiệp cạn nguồn tiền để trả nợ.

Một cửa hàng kinh doanh búp bê ế ẩm tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Nợ ẩn

Bất chấp tình hình kinh tế xấu đi, Bắc Kinh lại không thể triển khai các gói đầu tư hạ tầng lớn như trước kia. Dạo quanh thành phố Tuân Nghĩa ở Quý Châu hoặc đi về vùng nông thôn, Bloomberg đã hiểu được lý do.

Quý Châu giờ đây có đầy những cây cầu, đường hầm, đường phố và sân bay đắt đỏ. Chính quyền tỉnh đang phải vật lộn để hoàn trả các khoản vay mà họ đã gánh để tài trợ cho những công trình này.

Tuân Nghĩa, thành phố có khoảng 6,6 triệu dân, đang có hai sân bay khác nhau: một cái cách trung tâm một giờ lái xe ô tô và cái còn lại cách khoảng ba giờ.

Sân bay cách trung tâm một giờ lái xe mở cửa vào năm 2014 với chi phí 1,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 208 triệu USD) nhưng có rất ít chuyến bay thương mại.

Trong một số ngày, trên sân bay chỉ có duy nhất một nhân viên bảo vệ, một vài nhân viên vệ sinh và một số tiếp viên trong các gian hàng ăn trưa vắng vẻ.

Phần lớn nguồn vốn cho các dự án hạ tầng như vậy đến từ LGFV, các công ty do thành phố lập ra để vay vốn thay cho chính quyền. Các khoản nợ của LGFV không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của chính quyền, do đó gọi là “nợ ẩn”.

Nợ ẩn đang trở thành một rủi ro lớn đối với chính quyền các địa phương và là mối lo ngại của các nhà đầu tư đã mua trái phiếu do LGFV chào bán.

Tháng 2 năm nay, IMF ước tính khối nợ ẩn của Trung Quốc đã tăng từ mức 40.000 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2019 lên 66.000 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2022.

Sân bay Liupanshui Yuezhao mở vào năm 2014 với kinh phí 1,5 tỷ nhân dân tệ nhưng vắng hoe. (Ảnh: Bloomberg).

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.