|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Không vì câu chuyện Thủ Thiêm mà siết chặt đấu giá và nhìn doanh nghiệp như những con hủi’

15:39 | 21/04/2022
Chia sẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, câu chuyện doanh nghiệp trúng đấu giá trả giá 100 tỷ USD hay 1.000 tỷ USD mà doanh nghiệp nộp đủ tiền thì không có vấn đề gì, cơ chế thị trường cho phép và các luật không cấm điều này.

Tại hội thảo "Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn pháp lý và giải pháp" do báo Pháp Luật TP HCM phối hợp cùng Viện Kinh tế Xanh và Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM tổ chức sáng ngày 20/4, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Đại học Luật Hà Nội cho biết đấu giá quyền sử dụng đất liên quan đến ba thành tố: Luật chơi, sân chơi và người chơi.

Lấy ví dụ từ vụ đất giá đất Thủ Thiêm vừa qua, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng “người chơi tham gia cuộc đấu giá không vi phạm pháp luật. Do vậy, không vì câu chuyện Thủ Thiêm  mà siết chặt đấu giá và nhìn doanh nghiệp như những con hủi vì mục đích là phải phát triển kinh tế thị trường.

Nếu siết chặt quá thì sân chơi, môi trường đầu tư kinh doanh không hấp dẫn. Và sau câu chuyện như vậy, các doanh nghiệp cũng có tâm lý sợ hãi, dè chừng”.

Đối với luật chơi, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đánh giá có nhiều vấn đề cần bàn. Nếu nói rằng hệ thống pháp luật đầy đủ và được áp dụng đúng thì tại sao lại xảy ra những vụ lùm xùm như vừa qua?, ông đặt vấn đề.

 PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: Việt Nam Hội Nhập).

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, có 4 đạo luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu giá: Luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đấu giá tài sản 2016.

“Các đạo luật này do cơ quan và bộ ngành khác nhau ban hành, xây dựng. Mặc dù quốc hội có thẩm tra nhưng vẫn lồng ghép ở đâu đó những lợi ích nên tính thống nhất trong các đạo luật có vấn đề.

Cụ thể, Luật Đất đai 2013 có 3 nội dung quy định về đấu giá: (1) Nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất; (2) Đất nào được đấu giá và (3) Đất nào không được đấu giá. Còn trình tự thủ tục đấu giá được quy định ở Luật Đấu giá tài sản (2016).

Tôi cho rằng Luật Đất đai sửa đổi phải bổ sung, đề cập nội dung đấu giá quyền sử dụng đất; còn trình tự thủ tục, phương thức mở bán đấu giá thì theo Luật Đấu giá tài sản.

Các quy định về đấu giá đất đã có nhưng chế tài và điều kiện chưa chặt chẽ nên cần phải rà soát, sửa đổi và bổ sung. Ví dụ như việc xác định giá khởi điểm phải theo Luật Đất đai, theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định hay theo giá đất cụ thể?

Hiện nay, cơ chế xác định giá đất trong Luật Đất đai 2013 có vấn đề và tôi cho rằng đây là sự không thành công. Ngay từ khi soạn thảo chúng tôi đã có ý kiến nhưng rất tiếc là cơ quan soạn thảo không lắng nghe”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ quan điểm.

Mặt khác, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng bảng giá đất, giá đất cụ thể trao cho cơ quan hành chính quá nhiều quyền. UBND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền thu hồi đất, vừa có thẩm quyền xác định giá đất cụ thể.

Mặc dù giá đất cụ thể do tổ chức định giá đất độc lập thực hiện nhưng đây chỉ là mức giá tham khảo, còn phải qua hội đồng thẩm định do UBND cấp tỉnh thành lập. Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đại diện hội đồng là các cơ quan công quyền. Về nguyên tắc, hội đồng làm việc theo tập thể, tức phải theo số đông.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, “cuối cùng giá đất cụ thể cũng chỉ là bánh vẽ, Luật Đất đai 2013 chưa thể chế hóa sâu sắc Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương. Cho nên Luật Đất đai sửa đổi tới đây phải theo cơ chế thị trường.

Còn câu chuyện doanh nghiệp trúng đấu giá trả giá 100 tỷ USD hay 1.000 tỷ USD mà doanh nghiệp nộp đủ tiền thì không có vấn đề gì, cơ chế thị trường cho phép và các luật không cấm điều này. Chẳng qua là doanh nghiệp trả cao rồi không nộp thì mới có chuyện.

Ngoài luật pháp, chúng ta phải kết hợp tuyên truyền cho doanh nghiệp khi đấu giá nên kiểm soát cảm xúc, không vì câu chuyện hăng quá, đến lúc trấn tỉnh lại mới thấy hớ rồi bỏ.

Trường hợp đấu giá xong rồi bỏ xảy ra thường xuyên ở các địa phương khác, không chỉ riêng vụ Thủ Thiêm. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tỷ lệ bỏ giá đến 30%, tức cứ 100 vụ đấu giá đã có 30 vụ bỏ giá.

Còn câu chuyện Thủ Thiêm gây sự chú ý vì doanh nghiệp bỏ giá quá sốc. Sự kiện này cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại chính sách luật pháp, mục tiêu là làm sao để thực hiện được chức năng quản lý đất đai và ngân sách nhà nước thu được tiền từ đấu giá.”


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.