|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tiếp tục xả ròng gần 2.200 tỷ đồng trong tuần VN-Index lấy lại mốc 1.280, đâu là tâm điểm?

19:14 | 06/07/2024
Chia sẻ
Trong tuần 1 – 5/7, NĐT ngoại bán ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị hơn 2.164 tỷ đồng, trong đó là tâm điểm là VRE và FPT với quy mô 728 tỷ và 463 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần 1 – 5/7 tại 1.283,04 điểm, tăng 37,72 điểm tương đương 3,03% so với cuối tuần trước, với thanh khoản tiếp tục giảm mạnh. Theo dữ liệu của FiinTrade, thị trường chứng khoán ghi nhận tăng điểm trong cả 5 phiên giao dịch tuần qua với lực cầu chủ động trội hơn, nhưng khối lượng mua – bán chủ động cùng ở mức thấp. 

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt gần 16.700 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 14.962 tỷ đồng, giảm 26,% so với tuần trước và 33,8% so với trung bình 5 tuần gần đây. Đây là tuần có thanh khoản bình quân thấp nhất trong 6 tháng qua.

Thống kê 10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường tuần qua, BID dẫn đầu với mức tác động 5,85 điểm, VCB ở vị trí thứ 2 với mức đóng góp gần 3,93 điểm. Nhóm ngân hàng ngoài BID còn đến 3 đại diện trong top 10 là LPB, CTG và HDB với tổng mức ảnh hưởng gần 6 điểm. Ở phía đối diện, không có cổ phiếu nào có tác động quá đáng kể.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng khối lượng hơn 62 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô gần 2.309 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, nhà đầu tư bán ròng gần 2.3491 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu VRE của Vincom Retail bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 728 tỷ đồng, ghi nhận 9 tuần liên tục bị bán ròng.

Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu FPT với 463 tỷ đồng. Bất chấp đà bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu FPT có nhịp tăng hơn 6,2% so với tuần trước lên 138.700 đồng/cp, lọt Top3 cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên VN-Index trong tuần.

Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VHM (422 tỷ đồng), HPG (214 tỷ đồng), MWG (165 tỷ đồng), TCB (141 tỷ đồng), VJC (101 tỷ đồng), DXG (97 tỷ đồng) và DCM (68 tỷ đồng).

Bên chiều mua ròng, DSE được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 206 tỷ đồng với khối lượng khoảng 6,9 triệu đơn vị. Đây là tân binh trên thị trường khi cổ phiếu DSE được niêm yết hôm 1/7 và hiện giao dịch tại mức 28.700 đồng/cp.

Bên cạnh đó, NLG và BID cũng được mua ròng lần lượt 194 tỷ và 188 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của HVN, PC1, VCI, MSB, TCM, SHB và TPB với quy mô dưới 60 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng cả 5 phiên với giá trị gần 99 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 2,2 triệu đơn vị.

Trong đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng 114,6 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là IDC (11,3 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như NTP (2 tỷ đồng), TVC (1,9 tỷ đồng) và PVB (1,7 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu DTD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành Đạt dẫn đầu bên bán với giá trị gần 11,3 tỷ đồng. Mã SHS cũng bị rút ròng 9,1 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã PVI (4,9 tỷ đồng), BVS (4,7 tỷ đồng) và MBS (2,9 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 3/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng hơn 46 tỷ đồng, nhưng bán ròng với khối lượng gần 734.500 đơn vị.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 92,2 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã VEA (5,8 tỷ đồng), BSR (4,2 tỷ đồng), OIL (2,3 tỷ đồng) và ABI (2,2 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 33,5 tỷ đồng cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như LTG (7,8 tỷ đồng), PHP (5,8 tỷ đồng), QTP (4,5 tỷ đồng) và VGT (4,4 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.