DATA TALK: 'Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?'
Chiều 5/7, Trang TTĐTTH VietnamBiz tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?" vào hồi 15h30.
Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia khách mời:
1. Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam
2. Ông Trần Ngọc Báu – CEO CTCP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup
3. Ông Huỳnh Hoàng Phương - Chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT
4. Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản CTCP FIDT.
Trong phần đầu tọa đàm, các diễn giả thảo luận về diễn biến vĩ mô của thế giới và trong nước, xu hướng vận động của dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bối cảnh vĩ mô thế giới
Ông Trần Ngọc Báu – CEO CTCP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup: Để có được hình dung ban đầu về tình kinh tế thế giới, chúng ta sẽ đánh giá chỉ số PMI sản xuất. Có thể nhận thấy sản xuất toàn cầu đã giảm từ 2022 đến giờ, vẫn đang trong giai đoạn (phase) thu hẹp.
Từ tháng 4/2024, mức độ suy giảm tăng trở lại, ngày càng cách xa mốc 50 hơn. PMI suy giảm mạnh nhất có lẽ đến từ châu Âu, tiếp đến là Mỹ. Trong khi đó, PMI khu vực dịch vụ có sự mở rộng, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, có một vấn đề là trong khoảng hai tháng gần đây, khu vực dịch vụ tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ đã gần như bước vào giai đoạn suy giảm. PMI sản xuất và dịch vụ của nhiều nền kinh tế đều yếu đi sau một giai đoạn phục hồi, là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Về câu chuyện lạm phát, cả Mỹ, châu Âu, Nhật bản đề đã có lạm phát giảm nhanh, đi về vùng mục tiêu 2%. Gần đến 2% thì đà giảm chững lại một chút. Hiện tại đang là cuộc tranh đấu giữ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát giá cả.
Còn Trung Quốc thì sau một giai đoạn giảm phát, đã phải có các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế, nới lỏng chính sách và lạm phát đã lên trên 0%. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn khá là mong manh. Tóm lại, có thể thấy là lạm phát đang về lại mục tiêu, cách mục tiêu khoảng 0,3 - 0,4%, áp lực nhẹ đi nhiều so với cuối năm ngoái.
Với các dữ liệu thống kê đo lường đã cho thấy xác suất kinh tế toàn cầu suy thoái. Chúng ta đã nghe tới từ suy thoái rất nhiều nhưng thực ra trong giai đoạn cuối năm ngoái và đầu năm nay nó đang ở trạng thái phục hồi tích cực. Đến giờ đang có một làn gió ngược thổi vào kinh tế toàn cầu.
Nói chung, áp lực cho suy thoái toàn cầu giảm rất nhanh trong một năm vừa qua, chỉ đến vài tháng qua mới gặp một số áp lực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy, các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đã có định hướng điều hành chính sách tiền tệ ở mảng định tính và định lượng. Ngoại trừ Fed và BoE thì hầu như các NHTW lớn đã bắt đầu giảm lãi suất trong mấy tháng vừa qua.
Nếu nhìn thống kê thì trong hai tháng nay, tỷ trọng số ngân hàng trung ương toàn cầu giảm lãi suất chiếm 50% tổng quy mô kinh tế toàn cầu.
Nếu xét về yếu tố định lượng, đang có sự phân hóa giữa các quốc gia. Fed bắt đầu thắt định lượng (QT) từ khoảng đầu 2022, đến nay đã bán ra 2.000 tỷ USD. Châu u cũng đang trong quá trình này. Nhật Bản sau khi thu hẹp thì gặp khó khăn tỷ giá, không còn thắt chặt nữa, trong khi PBOC thì tiếp tục nới lỏng, mở rộng quy mô tổng tài sản.
Điểm nhấn vĩ mô trong nước
Ông Trần Ngọc Báu – CEO CTCP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup: Tại Việt Nam hai vấn đề được thị trường quan tâm hiện nay là lạm phát và tỷ giá.
Chúng ta có một chút áp lực tỷ giá khi mục tiêu mất giá đặt ra là 4 - 4,5%.Lạm phát so với cùng kỳ năm trước (YOY) đang ở mức 4,4% do áp lực từ giáo dục, dịch vụ y tế, ăn uống và nhà ở. Mức lạm phát bình quân thì đang là 4,1%.
Con số này cho thấy không gian còn lại cho lạm phát không nhiều. Trong những tháng tới vẫn còn nhiều thứ có thể tiếp tục tăng giá. Nhưng trên quan điểm cá nhân tôi, CPI của năm 2024 vẫn sẽ đạt mục tiêu do mức nền năm ngoái CPI đã khá cao.
Cùng với đó, tỷ giá vẫn đang chịu áp lực. Ngân hàng thương mại (NHTM) đang bán ra USD ở mức bị kẹp bởi chính sách. Nhưng trên thị trường tự do, giá USD lại cao hơn. Do đó, NHNN đã phải can thiệp và hỗ trợ NHTM.
Đến nay, NHNN đã bán ra khoảng 6 tỷ USD. Theo ước tính hiện còn 83 tỷ USD. Tương ứng còn 2,6 -2,7 tháng nhập khẩu. Đây cũng là cảnh báo dự trữ ngoại hối và tỷ giá. Áp lực là có.
Một yếu tố nữa, nếu duy trì nới lỏng trong trạng thái thắt chặt toàn cầu thì áp lực tỷ giá là khó tránh khỏi. Vậy lựa chọn kiểu gồng theo cung USD ra hay tăng lãi suất?
Nếu cung USD ra thì dự trữ ngoại hối căng thẳng, dòng tiền trong nước căng thẳng hơn bởi bơm USD ra là hút VND vào, không có kênh nào trung hòa cả.
Nếu không bơm USD thì phải tăng lãi suất. Đã bơm USD thì có tăng lãi suất hay không?
Lãi suất bao gồm thị trường 1 và thị trường 2. Hiện lãi suất đã tăng trên TT1 và tăng một nửa thị trường 2 rồi chỉ có điều lãi suất chính sách chưa tăng thôi. Thị trường đang lo ngại lãi suất chính sách sẽ tăng.
Vậy nếu như thay đổi lãi suất chính sách, thì có tăng nhiều hay không, tăng ít hay nhiều, rủi ro là gì. Về cơ bản, gồng ở cả tỷ giá là lãi suất, là biến số đến các kênh đầu tư. Biến số này phụ thuộc không chỉ vào Việt Nam và còn những nền kinh tế khác.
Vì sao khối ngoại rút ròng mạnh?
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Vietnam: Đây không phải câu chuyện mới, thời điểm trước năm 2018, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm xấp xỉ trên 25% các cổ phiếu niêm yết trên cả ba sàn. Thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới mức 18%, cụ thể khoảng 15%, từ đó có thể thấy tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã giảm rất nhiều sau nhiều năm.
Nhìn lại lịch sử, giai đoạn 2020 – 2021, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã xảy ra với tổng giá trị bán ròng hai năm này đạt hơn 80.000 tỷ, đến năm 2022, họ có động thái mua ròng trở lại, tuy nhiên đến 2023 và 2024 tiếp tục bán ròng. Đặc điểm 6 tháng đầu năm nay là kỳ bán ròng mạnh nhất trong lịch sử với tổng giá trị bán ròng đã gần bằng cả năm 2021.
Thống kê những thời điểm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thị trường thường có diễn biến khá tích cực, VN-Index tăng điểm khá tốt, đặc biệt giai đoạn 2020 – 2021. Viễn cảnh này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, trên thế giới như Mỹ, thông thường giá trị giao dịch các quỹ tổ chức tại thị trường Mỹ chiếm xấp xỉ trên 55%, tuy nhiên từ sau năm 2020, tỷ lệ này đã bị giảm sút. Đó là một xu hướng chung, dịch chuyển từ nhà đầu tư tổ chức sang nhà đầu tư cá nhân.
Đến năm 2022 thì họ quay lại mua ròng. Tuy nhiên sau đó vào giữa năm 2022 xuất hiện một đợt thị trường chứng khoán giảm mạnh, đến thời điểm năm 2023 – 2024 thị trường chớm nở hồi phục trở lại thì nhà đầu tư nước ngoài lại bán ra khá mạnh và xu hướng này kéo dài cho đến nay.
Có vẻ động thái của NĐT nước ngoài không hẳn đối nghịch với thị trường hiện nay, tôi nghĩ là có hai lý do cho điều này. Một là tỷ lệ sở hữu của họ đã bị giảm đáng kể. Thứ hai là tỷ trọng giao dịch trung bình hàng ngày của nhà đầu tư ngoại từ năm 2020 đến nay đã giảm khá nhiều dưới mức 10% giá trị giao dịch trung bình của thị trường, đến thời điểm hiện tại đã giảm còn khoảng 6 – 7% giá trị trung bình hàng ngày như vậy rõ ràng một lượng nhà đầu tư dòng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã góp gần “cân lại” lực bán của khối ngoại và dẫn dắt thị trường.
Đối với việc bán ra của nhà đầu tư nước ngoài, tôi nghĩ rằng sức ảnh hưởng của họ về mặt định lượng là không có ảnh hưởng quá lớn đối với thị trường. Dù vậy, nhà đầu tư cá nhân có thể chịu ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Họ có thể sẽ đặt câu hỏi về rủi ro của thị trường, kinh tế Việt Nam có vấn đề đáng ngại nào không dẫn tới việc khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh mẽ như vậy? Đồng thời điều này cũng khiến nhà đầu tư cá nhân có tâm lý giao dịch thận trọng hơn.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT: Về việc NĐT nước ngoài bán ròng gồm 2 ý. Thứ nhất, việc bán ròng gần đây khác với 2021. Gần đây họ rút vốn từ một số quỹ có tính chiến lược dài hạn chứ không phải ngắn hạn, và họ sẽ trở lại sớm nếu kinh tế Việt Nam phục hồi.
Thứ hai, bên cạnh NĐT nước ngoài bán ròng là việc mua vào mạnh của NĐT cá nhân, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch. Do đó, theo quan điểm cá nhân, khi thị trường điều chỉnh thì khả năng rớt điểm là rất lớn, điều đã chứng kiến trong năm 2022. Tầm quan trọng của NĐT ngoại đã giảm so với trước dịch.
Góc nhìn thận trọng trong câu chuyện nâng hạng
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Vietnam: Có thể thấy các đơn vị truyền thông cũng như cơ quan nhà nước đang đặt tham vọng rất cao về việc nâng hạng thị trường trong năm 2024, hướng tới mục tiêu xa hơn là của các quỹ chỉ số khác. Chúng ta đang đặt kỳ vọng quá nhiều vào một câu chuyện mà chúng ta chưa hiểu rõ nó là gì.
Hiện nay trên thị trường đang hiểu rằng nâng hạng là cái gì đó giúp tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường, hay tăng những tiêu chuẩn theo quy định của quỹ đầu tư trên thị trường hiện nay. Có ba quỹ chỉ số lớn hiện nay đang là thước đo đo lường cho việc nâng hạng là FTSE Russell, MSCI và S&P Gobal.
Hiện thị trường Việt Nam đang được hai tổ chức FTSE Russell và MSCI xem xét. Cần lưu ý tất cả các quỹ chỉ số hiện nay, thước đo tiêu chuẩn của họ là tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của một thị trường, không phải tiêu chuẩn về mặt yếu tố cơ bản hay yếu tố vĩ mô, hay tiêu chí về mặt nền tảng của một thị trường.
Nhìn chung là chúng ta nâng những tiêu chí về mặt kỹ thuật, không đồng nghĩa với việc chất lượng hàng hóa của các cổ phiếu đang niêm yết trên ba sàn được các quỹ đánh giá cao hơn. Đây là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn.
Như vậy, về mặt tiêu chí kỹ thuật, thị trường Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào vốn hóa, thanh khoản thị trường, việc gia nhập của NĐT vào thị trường có dễ dàng hơn hay không, tính công bằng của NĐT cá nhân trong nước với NĐTNN. Đó là những tiêu chí đánh giá thị trường Việt Nam.
Nhìn tổng thể, thị trường Việt Nam đang tương đối gần đạt tiêu chí của FTSE. UBCK đang đặt mục tiêu sẽ thực hiện chốt pre-funding trước tháng 9 năm nay. Chuyên gia lưu ý, nếu thị trường Việt Nam đảm bảo thoả mãn tiêu chí về pre-funding sẽ đạt khoảng 95% điều kiện để nâng hạng.
Bên cạnh đó, việc nâng hạng ở FTSE chỉ là secondary emerging market, chưa phải emerging hoàn toàn. Điều này có nghĩa là kể cả chúng ta có nâng hạng thì lượng vốn đổ vào thị trường chưa chắc đã lớn Dù vậy là tâm lý của nhà đầu tư có thể cải thiện khi nhìn thấy sự phát triển của thị trường Việt Nam, có những tiêu chí mà chúng ta cải thiện được.
Tuy nhiên, áp lực mà tôi lo lắng hơn là trong 3 năm gần đây có những thị trường mới được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE hay MSCI trong 1 năm, gần như 1 năm sau đó bị hạ bậc trở lại hoặc tách ra thành một thị trường chuyên biệt. Sau giai đoạn dịch COVID, một vài quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ như Argentina, Pakistan, … sau đó bị loại ra khỏi nhóm thị trường mới nổi. Do đó ranh giới giữa việc vào – ra cũng rất mong manh.
Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt sự quan tâm vào việc nâng hạng thị trường quá mà cần chú ý đến chất lượng của hàng hóa và sản phẩm tài chính mà chúng ta có thể tạo ra trong thời gian tới. Đó sẽ là những điều chúng ta cần làm tốt hơn.
Cổ phiếu công nghệ còn hấp dẫn
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Nhìn 6 tháng đầu năm, hiệu suất các nhóm ngành Việt Nam có xu hướng tương tự với trên thế giới. Dòng tiền đang tập trung tại nhóm công nghệ, viễn thông, trong khi chỉ vào tương đối tại nhóm tài chính. Dòng tiền trên toàn cầu cần nhìn vào hai yếu tố.
Thứ nhất là mega force, nghĩa là các động lực lớn mang tính chi phối, thứ hai là mức độ hấp dẫn của các kênh. Đối với chứng khoán, điển hình tại nhóm công nghệ, với dẫn đầu là cổ phiếu FPT tăng như vậy có còn kỳ vọng nữa hay không.
Đầu tiên, thước đo định giá áp vào nhóm công nghệ này là định giá hiện tại và khả năng tăng trưởng trong tương lai, với hệ số PEG (Price/Earnings to Growth). Hệ số này ở Mỹ đang khoảng 1,4. Với cổ phiếu Nvidia đang tăng phi mã thì hệ số này mới chỉ trên 1,5, nên nói “bong bóng” thì không “bong bóng” đâu. Với FPT, hệ số này đang ở 1,2 – 1,3, là mức cao lịch sở với cổ phiếu này.
5 năm trở lại, FPT đã chứng minh mình là một doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng. Theo đó, con đường đưa PEG lên như hiện tại là phản ánh phù hợp. Nếu câu chuyện còn tiếp diễn, việc đi lên vẫn có thể.
Tuy nhiên, nếu có tham gia vào nhóm ngành công nghệ lúc này cho kỳ vọng sắp tới hay không thì tôi sẽ không ưu tiên, ví dụ như FPT gần như đang phản ánh tất cả câu chuyện của họ. Theo đó, 6 tháng tới nhóm này không còn thực sự hấp dẫn về mặt cơ bản.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Vietnam: Đồng ý với quan điểm của ông Phương về việc nhóm công nghệ đã tăng xuyên suốt trong 6 tháng đầu năm nay, đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Thống kê của Financial Times, đối với những cổ phiếu thường tăng trưởng trong dài hạn, NĐT thường nhìn vào tăng trưởng doanh thu.
Với cổ phiếu ngắn hạn, NĐT thường sẽ dùng phương pháp so sánh về mặt định giá để đưa ra quyết định lựa chọn cổ phiếu đầu tư hay lướt sóng. Về những nhóm ngành tiềm năng trong 6 tháng cuối năm nay, chuyên gia lựa chọn ra ba nhóm, bao gồm nhóm vận tải, tình hình xuất nhập khẩu đang sôi động trở lại. Giai đoạn đầu năm qua nhóm ngành này vẫn đang tăng, tuy nhiên xét về yếu tố định giá, dư địa nhóm ngành này vẫn còn.
Nhóm ngân hàng, ngoài những câu chuyện cơ bản về tăng trưởng tín dụng, các tỷ lệ casa đang phục hồi trở lại,… có hai câu chuyện cần quan tâm là việc tăng vốn của ngân hàng và sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Nhóm chứng khoán, vùng giá nhóm ngành này hiện đang rất hấp dẫn.
Nhóm ngành triển vọng 6 tháng cuối năm
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Đầu tiên tôi chọn nhóm ngành ngân hàng, song cần phải xem BCTC quý II như thế nào. Nhóm này có tiềm năng tăng giá trong thời gian tới hay không, yếu tố quan trọng nhất là chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.
Trước đây, mọi người kỳ vọng chất lượng tài sản đã về mức đáy và hồi phục. Mùa báo cáo quý II này cần chứng minh chất lượng tài sản phải bắt đầu cải thiện, cùng với kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế và các chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản.
Tôi kỳ vọng chất lượng tài sản của nhóm ngành này đã qua thời kỳ xấu nhất. Nếu không rủi ro tiềm ẩn là rất lớn. Các ngân hàng có chất lượng tài sản có vấn đề thì hiện nay P/B đã về gần 1 hoặc dưới 1 (lần).
Ngành thứ hai là bán lẻ - tiêu dùng. Dữ liệu cho thấy bán lẻ chưa thực sự phục hồi về mức tiềm năng. 6 tháng cuối năm kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc. Vừa qua tình hình sản xuất đã phục hồi, tuyển dụng gia tăng, và việc tăng lương cũng hỗ trợ kỳ vọng cho nhóm ngành này.
Thứ ba, tôi chọn ngành bất động sản. Các chính sách kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt cho các doanh nghiệp bất động sản.
Triển vọng đầu tư bất động sản
Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản CTCP FIDT: Trước khi xác định được xu hướng, triển vọng của ngành thì cần tìm hiểu về cách thức vận động của nó. Với bất động sản, đây là thị trường đặc trưng có tính chu kỳ và thường đi theo chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế, tất nhiên sẽ có độ trễ. Đặc trưng của thị trường bất động sản Việt Nam là mỗi chu kỳ thường diễn ra trong 8 - 10 năm và có 4 năm ở giữa mỗi chu kỳ.
Quan sát từ chu kỳ trước (giai đoạn 2016 - 2019), hầu như nhà đầu tư mua bất động sản đều thắng, không thắng nhiều thì thắng ít, không nhân đôi thì nhân 3 giá trị tài sản, dẫn đến câu chuyện rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản mà không quan tâm tính chu kỳ. Đến đầu năm 2022 và trong suốt năm 2023, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua thêm bất động sản cao cấp, đất nông nghiệp, xa trung tâm; trong khi thời điểm này nền kinh tế có nhiều dấu hiệu suy yếu.
Từ năm 2022, chúng tôi nhận định thị trường bất động sản gần như chắc chắn không thể nào hồi phục được trong ngắn hạn cho đến cuối năm 2023, trái ngược với quan điểm của nhiều chuyên gia là thị trường lúc này giống với năm 2019, chỉ có nhịp giảm hoặc điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, khi quan sát tính chu kỳ của thị trường bất động sản so với tính chu kỳ của nền kinh tế, 2022 - 2023 là giai đoạn bất động sản bước vào vùng đáy của chu kỳ, không có khả năng phục hồi mạnh trở lại trong một hay hai năm tiếp theo.
Từ tháng 5/2023, chúng tôi nhận định phân khúc hồi phục đầu tiên là phân khúc phục vụ cho nhu cầu ở thực (căn hộ, nhà phố…) phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Ba tháng đầu năm nay, thống kê của chúng tôi cho thấy căn hộ, nhà phố ở Hà Nội có các phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất, thị trường TP HCM chấm dứt được tình trạng chủ sở hữu tài sản bán cắt lỗ, thay vào đó là tăng trưởng nhẹ.
Tuy nhiên, thực trạng này chỉ mang tính chất cục bộ, tức chỉ tăng mạnh ở Hà Nội và tăng nhẹ ở TP HCM, không tạo được sự lan tỏa cho toàn bộ thị trường.
Với thống kê của chúng tôi khi đối chiếu với tệp khách hàng của mình, những khách hàng tìm kiếm và giao dịch thực trong năm 2023 đến ba tháng đầu năm nay sẽ rơi vào nhóm có độ tuổi 29 – 32, giá trị giao dịch chủ yếu 2 – 4 tỷ đồng/sản phẩm. Điều này cho thấy khách hàng ngày càng trẻ hóa và sản phẩm có giá trị vừa túi tiền.
Thị trường đang hồi phục và bắt đầu từ phân khúc có nhu cầu ở thực tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, từ đó có thể lan tỏa ra các thành phố giáp ranh khác như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương…
Nền kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều ẩn số, Việt Nam vừa trải qua một tháng có GDP tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều chỉ số chưa đạt được mức tiềm năng, cũng như đây chỉ mới là kết quả ấn tượng trong một tháng, vẫn còn nhiều chỉ số cần quan sát thêm trong thời gian tới.
Qua đó, tôi cho rằng thị trường bất động sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024 rất khó để hồi phục, tăng trưởng vượt bậc. Nếu có sự tăng trưởng, đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư thì chỉ tiếp tục ở phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực là căn hộ, nhà phố vừa túi tiền.
Nhìn xa hơn, vào năm 2026, lúc này thị trường mới có sự lan tỏa sang các khu vực khác, sang những phân khúc khác, Lúc này những sản phẩm mang tính đầu cơ hơn như đất nông nghiệp, biệt thự, bất động sản cao cấp, đất vùng ven các tỉnh… mới bắt đầu có sự hồi phục.
Thị trường bất động sản khi tạo đáy sẽ là đáy tù, giống như cỗ xe tăng dù theo chu kỳ kinh tế nhưng vận động rất chậm. Do đó, rất khó để thị trường có thể hồi phục, bật tăng mạnh trở lại từ đáy chỉ trong vòng một đến hai năm, điều này dường như không thể.
Theo quan điểm của tôi, sau khi thị trường hồi phục vào năm 2026, mùa đẹp (4 năm giao giữa các chu kỳ) của chu kỳ kế tiếp dự phóng 2027 – 2023. Lúc này, tất cả các phân khúc, tất cả các khu vực đều phát triển, nhà đầu tư có thể quay lại thị trường mạnh mẽ hơn.
Có nên mua vàng nửa cuối 2024?
Ông Trần Ngọc Báu: Vàng nhẫn trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhất gần 22%, trong khi vàng SJC tăng 4. Vàng nhẫn cũng là kênh có tỷ số lợi nhuận cao nhất trong số các kênh như cổ phiếu, trái phiếu, USD, tiền gửi, trái phiếu chính phủ. Kênh vàng để lại những cơ hội đầu tư không hề nhỏ.
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Vàng vẫn còn cơ hội. Từ đầu năm chúng tôi đã khuyến nghị nhà đầu tư nên có vàng trong danh mục và chúng tôi chọn vàng nhẫn bởi đối với vàng miếng, Việt Nam đang phải giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách.
Do đó, vàng nhẫn an toàn hơn vì biến động sát hơn với thế giới. Bản chất các tài sản biến động theo môi trường vĩ mô. Trong môi trường đó, mọi người sẽ nhìn vào câu chuyện kinh tế và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng.
Nếu thống kê 10 năm qua, vàng được xem là kênh rủi ro cao nhưng đem lại lợi nhuận thấp. Nguyên nhân vì trong một chu kỳ kinh tế kéo dài, lạm phát thấp thì vàng không phát huy được giá trị của mình. Nhưng tính trong chu kỳ 50 năm thì câu chuyện hoàn toàn khác vì xảy ra nhiều giai đoạn lạm phát cao, rủi ro địa chính trị tăng, như vậy vàng sẽ phát huy lợi thế.
Giai đoạn từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, lạm phát trỗi dậy, địa chính trị cũng biến động. Như vậy, môi trường vĩ mô đang ủng hộ vàng. Do vậy, nhà đầu tư cần có vàng những yếu tố này đang xảy ra và vẫn còn đang diễn ra.
Ông Tạ Thanh Tùng: Vàng nên có trong danh mục. Tuy nhiên, tỷ trọng không nên quá nhiều vì là phòng thủ, khoảng 5%. Nhận định trong ngắn hạn, FIDT cho rằng vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhưng dư địa không còn quá nhiều. Vàng có khuynh hướng về dài hạn nếu kinh tế thế giới tốt hơn thì giá sẽ ổn định hơn. Trong ngắn hạn có thể nắm giữ vàng nhưng không phải quá hấp dẫn để tăng tỷ trọng. Về mặt dài hạn, nắm giữ các tài sản khác hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh: Vàng là tài sản nắm khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị, chúng ta đã đi qua những giai đoạn bất ổn nhất. Upside không còn quá nhiều. Nhưng sự bất ổn không phải đã kết thúc nhưng vàng chỉ tăng mạnh khi những bất ổn bùng phát mạnh hơn. Trong giai đoạn tới vàng chỉ nên là kênh phòng thủ, phòng trường hợp có những cuộc khủng hoảng khác, không nên nắm giữ quá nhiều.
Ngoài chứng khoán, BĐS, vàng, các ông đánh giá như thế nào nếu phân bổ vốn vào trái phiếu và tiền gửi?
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Với tiền gửi, lãi suất có thể tăng nhưng không nhiều và chưa thực thực sự hấp dẫn. Với trái phiếu doanh nghiệp, lợi suất có thể hấp dẫn, nhưng khả năng đánh đổi giữa gửi tiết kiệm và trái phiếu giai đoạn này cũng chưa thực sự hấp dẫn, vì biến số của các doanh nghiệp bây giờ là rất lớn. Theo tôi trái phiếu chưa phải là kênh tôi muốn tham gia.
Ông Tạ Thanh Tùng: Tôi đồng thuận rằng kênh gửi tiết kiệm và trái phiếu không hấp dẫn trong 6 tháng cuối năm.
Ông Trần Ngọc Báu: Với kênh tiền gửi, lãi suất khó tăng mạnh, song cũng là kênh cân bằng dòng vốn. Về trái phiếu, nhìn lại 2022 thị trường gặp khủng hoảng. Tuy vậy, theo quan sát vẫn có nhưng cơ hội. Với nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia, nhưng nếu nhà đầu tư có chuyên môn tốt, bài bản vẫn có thể quan sát. Ví dụ trái phiếu ngân hàng có lãi suất tốt hơn so với lãi suất tiết kiệm.
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Tôi cũng từng đầu tư vào trái phiếu thứ cách giai đoạn cuối 2022 với lãi suất khá hấp dẫn, có thể lên đến hơn 30%. Điều này cho thấy đó là giai đoạn có cơ hội để mua. Dù có rủi ro, nhưng nếu thấy cơ hội đủ bù lại rủi ro thì sẽ là cơ hội hấp dẫn. Thời điểm hiện tại, với góc độ nhà đầu tư thông thường, quan điểm của tôi vẫn không phải là thời điểm tốt để đầu tư.