|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 1.800 tỷ đồng tuần hồi phục, tâm điểm HPG, SSI, VPB

08:00 | 26/08/2023
Chia sẻ
Thống kê cho thấy, khối ngoại có tuần giao dịch kém sắc trên sàn HOSE khi đẩy mạnh bán ròng gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, HPG là cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất với giá trị hơn 666,1 tỷ đồng. Đứng vị trí thứ hai là SSI với giá trị hơn 396,8 tỷ đồng, VPB xếp vị trí thứ ba với hơn 389,6 tỷ đồng.

Sau phiên giảm mạnh cùng thanh khoản kỷ lục ngày 18/8, nhà đầu tư đã tỏ ra rất thận trọng trong các giao dịch trong tuần 21 - 25/8. Xu hướng giao dịch ngắn hạn có phần chiếm ưu thế khiến VN-Index có những phiên tăng giảm đan xen. Trong tuần chỉ số đã chạm mức thấp nhất tại vùng 1.150 vào ngày 22/8 sau đó hồi phục nhanh trong phiên.

Diễn biến hồi phục chững lại khi chỉ số chạm mốc 1.193 và sau đó điều chỉnh để chốt tuần tại mức 1.183,37 điểm. So với mức đóng cửa tuần trước, VN-Index đã hồi phục 5,38 điểm, tương đương 0,46%.

Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần có sự xuất hiện của nhiều mã xanh trên 10% như SSI tăng 13,8% giúp VN-Index có thêm 1,52 điểm; LPB tăng 10,7% và DGC tăng 13,2% giúp VN-Index tăng gần 1 điểm. Có thể thấy sau phiên giảm mạnh, nhiều cổ phiếu tốt đã nhanh chóng hồi phục và thậm chí đóng cửa cao hơn mức đỉnh của tuần trước.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE

Thống kê cho thấy, khối ngoại có tuần giao dịch kém sắc trên sàn HOSE khi đẩy mạnh bán ròng gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, HPG là cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất với giá trị hơn 666,1 tỷ đồng.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên EBITDA của HPG trong nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục được cải thiện so với nửa đầu năm nhờ vào giá nguyên liệu đầu vào (bao gồm quặng sắt, than cốc) được dự báo giảm; lượng hàng tồn kho của công ty trong quý II/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất từ quý I/2021 và HPG đã nhận được đơn hàng xuất khẩu HRC tới tháng 9/2023, đảm bảo việc giá bán thép cao bất chấp giá đầu vào giảm.

VNDirect dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2023 đạt lần lượt 121.585 tỷ và 7.544 tỷ đồng, tương ứng giảm 14% và 11% so với năm trước. 

Trở lại với giao dịch bán ròng của khối ngoại, danh mục còn có sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như SSI với giá trị hơn 396,8 tỷ đồng, VPB xếp vị trí thứ ba với hơn 389,6 tỷ đồng, theo sau là MWG (365,3 tỷ đồng), STB (311,1 tỷ đồng), SAB (131,6 tỷ đồng), VCB (123,9 tỷ đồng), ...

Chiều mua ròng, khối này mua vào nhiều nhất cổ phiếu VNM với tổng giá trị hơn 292,3 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong cuộc họp với nhà đầu tư có SSI Research tham dự, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) cho biết trong quý II/2023, công ty đã giành thêm được thị phần nội địa, tổng thể đã được cải thiện so với quý trước nhờ hiệu quả cao của sữa đặc, sữa chua uống và sữa chua (cả hai ước tính đạt thị phần 80% trong danh mục tương ứng).

Trong quý vừa qua, doanh thu thuần của Vinamilk tăng 1,8% so với cùng kỳ và tăng 9,2% so với quý trước, còn doanh thu nội địa tăng lần lượt 2,6% và tăng 11,3%, vượt trội hơn so với mức tăng 1% so với cùng kỳ và tăng 2% trong 5 tháng đầu năm của toàn thị trường.

Ban lãnh đạo kỳ vọng thị phần tổng thể sẽ trở lại mức trước COVID-19 vào cuối năm nay, nhờ các sáng kiến chuyển đổi và nhận diện thương hiệu mới.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX

Trên sàn HNX, khối ngoại đảo chiều mua ròng hơn 29 tỷ đồng.

Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 36,4 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần. Bên cạnh đó, danh mục rót ròng có sự góp mặt của CEO (36 tỷ đồng), BVS (11,5 tỷ đồng), TIG (10,4 tỷ đồng), PVS (5,6 tỷ đồng), ...

Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 27,4 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS, theo sau là 21,8 tỷ đồng mã TNG. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như DTD, NVB, VCS, ... với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại chỉ còn bán ròng nhẹ gần 4 tỷ đồng.

Tại chiều mua, cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel dẫn đầu với quy mô hơn 14,6 tỷ đồng. Kế tiếp NĐT nước ngoài cũng gom ròng 13 tỷ đồng mã BSR và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MCH (3,9 tỷ đồng), BDG (1,1 tỷ đồng) và QTP (0,5 tỷ đồng).

Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất hơn 17,9 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu QNS (9,8 tỷ đồng), ACV (7,1 tỷ đồng), LTG (2 tỷ đồng), DDV (0,9 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo