Kết quả kinh doanh lao dốc quý III, cổ phiếu xây dựng vẫn tăng mạnh
Theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset, giá thép tăng quá cao khiến ngành xây dựng và đầu tư công chững lại. Ngành xây dựng năm 2021 dự phóng tăng trưởng rất nhẹ hoặc trong trường hợp xấu nhất là suy giảm.
Thực tế rất nhiều doanh nghiệp xây dựng đã quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, vốn có thể khiến tiến độ chậm hơn từ 6-18 tháng.
Riêng trong quý III, làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 bùng phát mạnh và giá vật liệu xây dựng leo thang tiếp tục khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều nhà thầu cũng cho biết, dịch bệnh đang khiến tình hình kinh doanh rủi ro hơn bao giờ hết khi nhiều chủ đầu tư trì hoãn thanh quyết toán, làm giảm doanh thu lẫn dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng.
Tác động nặng nề nhất trong nhóm xây dựng phải kể đến ông lớn đầu ngành Coteccons. Trong quý III, doanh thu CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) tiếp tục lao dốc, đánh mất vị trí đầu ngành xây dựng vào doanh nghiệp khác.
Cụ thể, doanh thu thuần của Coteccons giảm 61% còn 1.070 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chưa tới 17 tỷ, tương ứng biên lợi nhuận gộp giảm còn hơn 1,6%. Dù doanh thu tài chính tăng 57% nhưng khoản chi phí quản lý doanh nghiệp đã ăn mòn lợi nhuận khiến Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng quý III.
Coteccons cho biết năm 2021, giá cả nguyên vật liệu xây dựng leo thang cùng với diễn biến dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực bất động sản nói chung và ngành xây dựng nói riêng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Coteccons đạt 6.189 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng gần 88 tỷ đồng; giảm lần lượt 40% về doanh thu và 76% về lợi nhuận.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III/2021 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) công bố cho thấy hoạt động kinh doanh xây dựng tiếp tục gặp khó khăn lớn trong đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua trên nhiều tỉnh thành, dù vậy, mức sụt giảm tương đối thấp so với Coteccons.
Doanh thu quý III của Hoà Bình là 2.092 tỷ đồng, tiếp tục ghi nhận mức giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2020, và giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2019. Biên lãi gộp giảm nhẹ còn 5,5%.
Dù vậy, Hoà Bình trước nguy cơ thua lỗ nếu các chi phí không được tiết giảm so với các kỳ trước. Trong kỳ, Hoà Bình ghi nhận chi phí quản lý 35 tỷ đồng so với con số 90 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, tương ứng mức giảm 60% do hoàn nhập các khoản dự phòng.
Nhờ vậy, Hoà Bình vẫn có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng và lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty đạt 14 tỷ đồng do hạch toán phần lỗ thuộc về cổ đông không kiểm soát.
9 tháng đầu năm, Hoà Bình đạt 7.536 tỷ đồng doanh thu, giảm 6,3%; lãi gộp 502 tỷ đồng, giảm 12,2%; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty đạt 81 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Khả quan hơn so với hai ông lớn xếp trên, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2021 với doanh thu 1.948 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trừ chi phí, Ricons ghi nhận lãi ròng 5,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 54,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Ricons vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ lên gần 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 62,5 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 147 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái do chi phí tăng mạnh.
Tương tự, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cũng báo lãi sau thuế sụt giảm 86%, từ khoảng 1,35 tỷ còn 188 triệu đồng. Theo giải trình của FLC Faros, dịch COVID-19 bùng phát lần 4 và các biện pháp giãn cách chống dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Biên lãi gộp đạt 2,6%, giảm từ mức 4,2% cùng kỳ.
Trường hợp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) báo doanh thu thuần, tương đương cùng kỳ năm ngoái với 1.269 tỷ đồng, nguồn thu xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn một nửa tổng doanh thu.
Dưới tác động của dịch bệnh, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex chỉ đạt gần 109 tỷ đồng, bằng 10,5% cùng kỳ năm ngoái. Sau 9 tháng, công ty mới đạt 29,5% chỉ tiêu doanh thu và 35,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Báo cáo tài chính của CTCP Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) - doanh nghiệp xây dựng trong hệ sinh thái của Hưng Thịnh Group cũng cho thấy doanh thu và lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần trong quý III của Hưng Thịnh Incons giảm 63,7% so với cùng kỳ năm nay công ty chỉ ghi nhận doanh thu từ hoạt động xây dựng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận doanh thu hợp nhất từ hoạt động bất động sản dự án Richmond City thuộc công ty Bình Triệu. Theo đó, Hưng Thịnh Incons chỉ lãi sau thuế 22 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 200 tỷ đồng ghi nhận trong quý III năm ngoái.
Sau 9 tháng, Hưng Thịnh Incons ghi nhận 3.508 tỷ đồng doanh thu và 143 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2020.
Ở diễn biến khác, một công ty xây dựng là CTCP Xây dựng SCG (Mã: SCG) - công ty xây dựng thuộc hệ sinh thái Sunshine Group ghi nhận kết quả ngược dòng so với các doanh nghiệp xây dựng cùng ngành.
Doanh thu thuần quý III của Xây dựng SCG đạt 559 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, bên cạnh doanh thu từ hợp đồng xây dựng, công ty có thêm doanh thu thiết kế, gần 95 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng hơn 4 lần, chủ yếu do lãi ứng trước hợp đồng và đầu tư trái phiếu. Kết quả, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Sunshine Group báo lãi sau thuế 22 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Bệ đỡ nào giúp ngành xây dựng hồi phục?
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý tới nay.
Do đó áp lực tăng trưởng vì vậy sẽ đè nặng lên quý cuối năm. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Một khi đầu tư công đẩy mạnh sẽ kéo nền kinh tế đi lên, bởi tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành.
Trong đó, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo ba nhóm ngành sẽ đón sóng, bên cạnh nhóm vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường); ngành bất động sản (gồm bất động sản dân cư và bất động sản công nghiệp), còn là ngành thi công (xây dựng, ETC, giao thông thông minh, xây dựng điện, vật liệu điện).
Khoảng thời gian đầu quý III, khi TP HCM dần nới lỏng giãn cách, nhiều nhà thầu cũng liên tiếp công bố khởi công dự án. Đây có thể là cơ sở để các doanh nghiệp kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan hơn trong giai đoạn tới.
Đơn cử, đầu tháng 10, Hòa Bình thông báo đã nhận được gói thầu hai dự án mới tại Hà Nội, với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, nâng tổng lũy kế giá trị trúng thầu từ đầu năm lên 16.054 tỷ, vượt 14,6% kế hoạch của năm. Trước đó vào lần Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng Giám đốc cũng đã dự báo 6 tháng cuối năm công ty có khả quan hơn về khả năng trúng thầu.
Hay mới đây, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (Mã: PHC) thông báo trúng gói thầu 200 tỷ đồng tại Hà Nội. Từ tháng 6 đến nay, công ty đã trúng thầu các hợp đồng với tổng giá trị 1.050 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cho biết đang lấn sân sang mảng đầu tư công, bước đầu tham gia đấu thầu một số dự án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc Phòng, TP Hà Nội…
Bất chấp kết quả kinh doanh kém khả quan vừa công bố trong quý III, nhóm cổ phiếu xây dựng vẫn hút dòng tiền vài phiên gần đây nhưng kết thúc phiên hôm nay (3/11) nhóm cổ phiếu ngành này đã qua đầu và thi nhau nằm sàn như HBC, FCN, HTN, LCG.