[Infographic] Các 'ông lớn' ngân hàng thay đổi ra sao trong nửa đầu năm 2022?
Sự bứt phá lợi nhuận từ Vietcombank và Agribank
Trong quý II, các "ông lớn" nhóm Big4 ngân hàng lấy lại được động lực tăng trưởng, ghi nhận đà tăng mạnh vượt nhóm ngân hàng cổ phần.
Nhờ tăng trưởng mạnh lợi nhuận trong quý II, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước, Vietcombank đã giành lại vị trí quán quân lợi nhuận ngành từ tay VPBank trong nửa đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Agribank vươn lên xếp thứ ba trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh, đứng trên hai "ông lớn" còn lại là VietinBank và BIDV. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Agribank đạt 15.080 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ.
VietinBank bất ngờ báo lãi quý II tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ các mảng kinh doanh hiệu quả, đặc biệt hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lãi gấp 10 lần cùng kỳ, mang về hơn 238 tỷ đồng cho ngân hàng. Song do lợi nhuận sụt giảm gần 28% trong quý I, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Sở hữu quy mô tổng tài sản cao nhất hệ thống nhưng BIDV vẫn là ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất nhóm với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng cũng giảm mạnh mức trích lập với chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ giảm 12,2% xuống còn hơn 13.772 tỷ đồng.
BIDV vẫn dẫn đầu về quy mô tổng tài sản
Tính đến 30/6/2022, BIDV tiếp tục mở rộng quy mô tổng tài sản lên hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng đến 12,4% so với cuối năm 2021. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là hai "ông lớn" Agribank và Vietcombank với tổng tài sản là hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tăng 4,4%) và hơn 1,6 triệu tỷ đồng (tăng 10,4%).
Agribank là ngân hàng có số dư tiền gửi cao nhất
BIDV cũng là ngân hàng có số dư cho vay khách hàng cao nhất hệ thống, tăng 6,2% so với hồi đầu năm, trong khi đó Agribank là quán quân về số dư tiền gửi khách hàng.
Vietcombank là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất cho vay khách hàng với 14,6%, tiếp đó là VietinBank với 9,5%.
Agribank có nhiều nợ xấu nhất, Vietcombank có bộ đệm dự phòng dày nhất
Mặc dù bứt phá về lợi nhuận nhưng nợ xấu của Agribank cũng tăng cao, đưa số dư nợ xấu của ngân hàng lên gần 30.000 tỷ đồng,tăng hơn 22% so với đầu năm và cũng là ngân hàng có nhiều nợ xấu nội bảng nhất hiện nay.
Trong đó, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) và nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của Agribank tăng mạnh, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng từ 1,87% tại cuối năm ngoái lên 2,16% vào cuối tháng 6 năm nay.
Tại VietinBank, số dư nợ xấu nội bảng cũng tăng cao cùng với tăng trưởng cho vay. Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng tăng đến 33,4% với 16.667 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu từ 1,11% cuối năm trước lên 1,35%. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng về mức 189%.
Trái ngược với đó, mặc dù tăng mạnh về cho vay nhưng Vietcombank vẫn là ngân hàng có số dư nợ xấu và tỷ lệ xấu thấp nhất nhóm quốc doanh. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp giảm về 0,61%, số dư nợ xấu cuối quý II ở mức 6.694 tỷ đồng.Đồng thời, ngân hàng cũng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 506%, mức cao lịch sử của Vietcombank cũng như các ngân hàng ở Việt Nam.
Nhân viên Vietcombank kiếm tiền giỏi nhất nhóm Big4
Trong nhóm, Agribank là ngân hàng có số lượng nhân viên cao nhất với hơn 38.000 người và cũng là đơn vị chịu chi cho nhân viên nhất với chi phí bình quân nhân viên lên đến 41,5 triệu đồng/tháng
Dù đông nhân viên nhưng năng suất lao động của Agribank lại kém xa các ngân hàng còn lại. Trong khi bình quân mỗi tháng một nhân viên của Vietcombank tạo ra hơn 131 triệu đồng lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng, cao gần gấp đôi nhân viên của VietinBank và BIDV.