Toàn bộ sạp ở nhiều khu vực bên trong chợ Bến Thành đều đóng cửa im ỉm suốt mấy tháng qua do không có khách du lịch nước ngoài. Tiểu thương nói đây là những ngày lịch sử, sạp đóng hàng loạt, cho thuê lại cũng không ai có nhu cầu.
23-02-2020
23-11-2019
14-09-2019
Hết giãn cách xã hội gần 2 tháng nay, nhưng rất nhiều tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) vẫn đang phải cầm cự từng ngày. Chợ Bến Thành từ trước đến nay chủ yếu phục vụ khách du lịch quốc tế, do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước nên tình hình kinh doanh của tiểu thương phải chịu cảnh đìu hiu, ế ẩm chưa từng thấy vì không có khách tham quan, mua sắm.
Ghi nhận ngày 17/6, cửa Nam chợ Bến Thành hướng từ vòng xoay Quách Thị Trang, vốn là điểm khách du lịch theo đoàn thường bắt đầu tham quan, mua sắm nhưng lại đìu hiu không một bóng khách. Tiểu thương xếp ghế ngồi trước sạp chờ người mua. Đáng chú ý, ngay vị trí đắc địa nhất của chợ Bến Thành, nhưng một số sạp đã đóng, do không thể trụ được trong mùa dịch.
Phía cửa Đông, số sạp phải ngưng hoạt động càng nhiều hơn. Không thể chịu nổi cảnh ngồi mãi một chỗ, một số tiểu thương cho biết họ phải thường xuyên đi tới lui, họp nhóm nói chuyện cho hết ngày trong thời gian chờ khách đến mua sắm.
Chị Thu Thuỷ là một trong số ít những sạp kinh doanh hàng lưu niệm vẫn còn "trụ" bán hàng tại chợ Bến Thành. Chị cho hay do mặt hàng này chỉ có thể bán được cho khách nước ngoài nên từ sau Tết là ế hẳn. "Sau khi chợ được mở lại hồi tháng trước, tôi chỉ ngồi chơi, 2-3 ngày mới bán được 1 món đồ. Giờ nghỉ ở nhà cũng vậy, nên cứ mở hàng. Nhiều người chịu không nổi, sang sạp, cho thuê sạp hết rồi", chị Thủy nói.
Đúng như chị Thủy chia sẻ, càng đi sâu vào bên trong thì cảnh tượng sạp đóng nhiều hơn sạp mở. Thậm chí, nhiều khu vực, toàn bộ tiểu thương đều đồng loạt tạm nghỉ, hoặc đã quyết định cho thuê lại do không thể cầm cự nổi.
Một tiểu thương bán quần áo cho biết nếu có vị trí đẹp như ngay lối ra vào, hoặc gần khu ẩm thực thì may mắn còn bán được 1-2 cái mỗi ngày. Riêng những sạp nằm sâu bên trong hoặc góc khuất thì "chỉ có chết dở", không bán được cái nào, tới tháng trả tiền mặt bằng và phí quản lí chợ. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt khu vực bên trong chợ, tất cả sạp đều nghỉ bán.
Nhiều cửa hàng giày dép nằm ngay lối đi, vốn rất hút khách và kinh doanh tốt trước đây, nhưng cũng phải tạm đóng cửa.
Ngay cả các hiệu kinh doanh vàng bạc đá quý vốn rất "được lòng" tại các chợ truyền thống nhưng cũng phải "phủ vải" thời gian qua.
Quyết định tạm nghỉ trong mùa dịch, tiểu thương để lại bàn ghế, bụi đóng từng lớp, mạng nhện mượn chỗ làm nhà.
"Buôn bán ở chợ Bến Thành, không ai nghĩ có ngày phải đóng cửa hàng loạt. Trước đây, hầu như không có chuyện tạm nghỉ 1 ngày, bởi khách đông, nghỉ rất tiếc nhưng nay nhìn cảnh này xót quá, không nghỉ cũng không thể được. Có lẽ đây là hiện tượng lịch sử của chợ Bến Thành từ trước đến nay", bà Hương - một tiểu thương bán hơn 20 năm tại đây buồn bã.
"Rao sang sạp vậy thôi chứ hiện nay không ai có nhu cầu thuê lại. Trước đây cho dù có nhu cầu thuê nhưng rất khó, bởi ai cũng muốn chen vào nhưng giờ thì ai cũng muốn ra nhưng ra không được", bà Hương nói.
Trong khi tiểu thương chợ Bến Thành điêu đứng thì hàng loạt cửa hàng xung quanh chợ cũng trong tình cảnh đìu hiu, ngóng khách. Trước đây, các cửa hàng này cũng rất hút khách, cung cấp hàng hoá cho từng nhóm đối tượng khác nhau nhưng giữa khó khăn chung nên ế ẩm chưa từng thấy.
Nhiều cửa hàng xung quanh chợ Bến Thành đóng kín do hết trụ nổi chi phí mặt bằng.
Chợ Bến Thành khởi công từ năm 1912 và chính thức hoạt động liên tục từ năm 1914 đến nay. Đây là một trong những ngôi chợ lâu đời, nổi tiếng trong nước, được giới thiệu là một trong những điểm không thể bỏ qua khi đến TP HCM. Hoạt động mua bán tại chợ từ trước đến nay luôn tấp nập, đặc biệt là bán cho khách du lịch quốc tế. Do đó, những ngày qua được xem là lịch sử với chợ Bến Thành, tiểu thương đang kì vọng tình hình buôn bán sắp tới sẽ sáng sủa hơn.
Phúc Minh
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Link bài gốc
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/het-dich-covid-19-tieu-thuong-cho-ben-thanh-van-phai-dong-sap-nghi-ban-vi-e-am-chua-tung-co-4220200618122805922.htm