|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Không nên tin lời mời đầu tư thu lợi nhuận ‘khủng’

13:47 | 07/01/2025
Chia sẻ
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), những mô hình lừa đảo, mời gọi tạo ra lợi nhuận tài chính lớn thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư. Mặt khác, tiền số là thị trường tiềm năng song nhà đầu tư cần trang bị kiến thức để tránh rủi ro.

Tránh những mô hình lừa đảo đầu tư tài chính

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 6/1, ông Trần Hoàng Sơn đưa cảnh báo cho nhà đầu tư khi bắt gặp những lời mời gọi, tuyên bố mang lại lợi nhuận hai chữ số hàng tháng hoặc hàng tuần.

Theo ông, chỉ những công ty có sáng chế, sáng tạo tuyệt vời nhất trên thế giới mới đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 50%.

"Nhìn câu chuyện của NVIDIA, với sản phẩm chip bán dẫn tốt nhất thế giới, mới đạt được mức tăng trưởng đáng ước mơ như vậy", ông Sơn nhận định.

Còn nếu có người kêu gọi đầu tư vào một lĩnh vực lạ, nhà đầu tư cần đặt nghi vấn: “Mô hình kinh doanh công ty bạn là gì? Trên toàn cầu đã có ai làm hay chưa? Làm như thế nào để đạt lợi nhuận đó?”.

Nếu trên toàn cầu không có công ty nào, theo ông Sơn, chắc chắn đây là mô hình lừa đảo, lấy của người trước trả cho người sau. Với mô hình như trên, các đối tượng  thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư.

Trong năm 2024, Bộ Công an đã xử lý rất nhiều sàn giao dịch, chủ yếu là các sàn ảo, chẳng hạn như MyAladdinz, Forex, LionGroup, Wefinex, Copycat... Đây đều là những cái tên xa lạ với nhà đầu tư tài chính.

Do đó, khi có lời mời tham gia các sàn giao dịch, nhà đầu tư phải xem cái tên đó có được Nhà nước cấp phép hay không, có được quảng bá rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng hay không và được quản lý bởi bộ ngành nào. Đó chính là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư hoàn toàn có thể tra cứu.

Nhà đầu tư cần lưu ý hai yếu tố là sàn có hợp pháp hay không và có mô hình kinh doanh chuẩn hay chưa. Mô hình kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, bởi một công ty, một tổ chức đều phải có mô hình hoạt động. Ví dụ, công ty chứng khoán hoạt động như một nhà môi giới, ngân hàng là tổ chức kinh doanh vốn. Còn với những công ty lừa đảo, mô hình hoạt động rất mập mờ và kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào một sản phẩm không rõ ràng.

Ngoài ra, trong giai đoạn vừa rồi, bitcoin và nhiều đồng tiền số khác tăng rất đáng kể, khiến nhà đầu tư hào hứng khi được mời tham gia. Trên thế giới hiện nay, hoạt động lừa đảo cũng thường tập trung vào tiền số, và những đồng tiền này được gọi là “coin rác”. Những đồng tiền trên được tạo ra trên các nền tảng ảo, không có một ứng dụng nào cả và dễ rơi vào trạng thái vô giá trị.

Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nêu một số nguyên nhân dẫn đến nhà đầu tư dễ bị mắc bẫy.

Thứ nhất, các trang thường giả mạo những tên của ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín trên thế giới, chạy quảng cáo liên tục trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Ngoài ra, các đối tượng mạo danh, lợi dụng hình ảnh của doanh nhân ở trên các phương tiện truyền thông để chạy quảng cáo, mời gọi đầu tư.

Thứ hai, đối tượng lừa đảo có thể mời mua cổ phần nhưng thực ra là góp vốn, và cổ phần phát hành ra không có giá trị, không có ý nghĩa pháp lý. Trong những năm gần đây, thị trường đã ghi nhận chiêu trò góp vốn vào mô hình đầu tư như nông nghiệp, trang trại… Các cá nhân này có thể đưa nhà đầu tư đến thăm trang trại đó. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp đã tạo ra trang trại ảo, mang tính phông bạt. Chỉ trong một thời gian sau, doanh nghiệp biến mất và rất khó đòi lại vốn.

Thứ ba, các cá nhân/tổ chức này mời nhà đầu tư tham gia nhóm (group) kín, gửi ảnh lợi nhuận giả để tạo cảm giác ham thích. Những nhóm kín ở web, app trading (ứng dụng giao dịch) giả mạo này có thể tạo lập hình ảnh lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Với việc lợi nhuận dễ dàng có thể thu hút nhà đầu tư nộp tiền và thử giao dịch.

Giai đoạn đầu nộp tiền ít, nhà đầu tư có thể rút lãi. Nhưng đến lúc nộp nhiều, do một lý do nào đó, phía "sàn" cho biết phải nộp thêm để rút tiền. Nhưng càng nộp lại càng không thể rút được nữa.

Cuối cùng, các app, sàn lừa đảo thường không có ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài, rất khó có thể truy vết nguồn gốc.

   Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. (Ảnh: VPBankS). 

Tiềm năng và rủi ro của thị trường tiền số

Đưa góc nhìn về thị trường tiền số, ông Sơn cho rằng đây thị trường rất tiềm năng, nhưng các đồng tiền cần phải có một mục đích ứng dụng thực tế nào đó.

Ví dụ, những đồng tiền như bitcoin có thể là công cụ thanh toán, dự trữ về mặt giá trị. Bitcoin được khóa về mặt số lượng (21 triệu đơn vị). Bởi vậy, khi nhu cầu ngày càng tăng, nguồn cung ngày càng ít thì giá bitcoin trong tương lai sẽ đi lên.

Coin (tiền số) nào có nền tảng, ứng dụng về mặt tài chính thì mới có giá trị. Những đồng tiền có nền tảng như Solana (SOL) hay Ethereum (ETH) đều có những bước tăng giá rất tốt trong năm 2024. Những đồng memecoin (được phát hành dựa trên niềm tin, hình ảnh meme…) thì thường rơi vào giai đoạn mất giá không phanh, vô giá trị.

Do đó, khi đầu tư vào thị trường tiền số, nhà đầu tư cần có thời gian đủ dài để tìm hiểu xem sự vận hành của coin, nghiên cứu xem nền tảng đó có ứng dụng tài chính, công nghệ không, có tạo ra giá trị hay không.

Nếu không, đây sẽ là những đồng coin rác và nhà đầu tư có thể bị “rút thảm” (rug pull) bất cứ lúc nào. Rút thảm nghĩa là nhà sáng lập bán toàn bộ vốn, rút đi và khiến nhà đầu tư mất toàn bộ tiền đầu tư.

Trong giai đoạn hiện tại, mặc dù tiền số đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, trước khi tham gia, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức và kỹ năng càng nhiều càng tốt, tránh rủi ro về lừa đảo và đặc biệt cẩn trọng trước những lời kêu gọi đầu tư “nhân 3 nhân 4 lợi nhuận” trong thời gian ngắn.

Hiện tại tiền số vẫn là lĩnh vực “tranh tối, tranh sáng” bởi Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý quản lý loại tài sản này. Nếu trong tương lai, khi Việt Nam có khuôn khổ pháp lý, kiến thức để tránh rủi ro vẫn sẽ cần thiết.

Top 100 vốn hóa thị trường tiền số tại 12h ngày 7/1 (giờ Việt Nam). (Nguồn: CoinMarrketCap).

Cân nhắc kỹ khi tham gia các khóa học chứng khoán

Một chia sẻ khác liên quan đến các khóa học chứng khoán hiện nay, ông Sơn nhìn nhận trong giai đoạn COVID-19, thị trường chứng khoán tăng nóng, "nhà nhà đầu tư, người người đầu tư", nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm.

Khi đó, nhiều khóa học đã được mở ra để đáp ứng. Theo ông, chỉ khoảng 20% khóa học có chất lượng, thực sự vì mục đích mang lại kiến thức cho nhà đầu tư, cho cộng đồng.

Tuy nhiên, 70 - 80% khóa học còn lại chỉ mời gọi cho nhà đầu tư tham gia, không có nền tảng kiến thức kỹ năng và thu phí rất cao. Sau các khóa học này, nhà đầu tư không thu nhận được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đủ để vận dụng trong câu chuyện đầu tư thực tế trên thị trường.

Do đó, khi tham gia khóa học, nhà đầu tư cần theo dõi người giảng dạy là ai, khóa học có những khoản mục lý thuyết, thực hành như thế nào. Những người hướng dẫn đang làm ở tổ chức tài chính hay chỉ mới nổi trên mạng xã hội, có hay khoe tài sản hay không.

Khi học đầu tư, nhà đầu tư cần kiến thức nào thì tìm người thầy giỏi về môn đó. Chẳng hạn, khi đầu tư chứng khoán sẽ yêu cầu nhiều yếu tố chuyên môn chứng khoán, vĩ mô. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có những khóa học đào tạo từ cơ bản đến nâng cao và rất rẻ, nhà đầu tư có thể học nhiều kiến thức.

Thứ hai, nhà đầu tư có thể học khóa học mà người dạy là giảng viên tại những trường về tài chính hàng đầu, hoặc giảng viên tại các tổ chức tài chính lớn. Ông Sơn nghĩ điều này sẽ an tâm hơn nhiều so với việc tin tưởng vào KOL (người có tầm ảnh hưởng) nào đó liên tục đăng (post) lãi trên mạng xã hội.

Xuân Nghĩa