Giải mã 'sóng' tăng của giá heo hơi
Loạt yếu tố đẩy giá heo hơi
Giá heo hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng kéo dài từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 15/5, giá heo hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước giao dịch quanh ngưỡng 62.000- 65.000 đồng/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 3. Đây đồng thời là mức giá cao nhất trong vòng hơn một năm qua.
Theo Bộ Công Thương, tình hình chăn nuôi heo trên cả nước có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước. Tổng số heo của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 3 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng tại một số tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng đang có tăng trưởng chăn nuôi tốt khi các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và cho sản phẩm. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia trong ngành và các doanh nghiệp cho rằng nguồn cung vẫn thiếu hụt. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng cao trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định đà tăng của giá heo hơi được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm trong khi nhu cầu trong nước tăng lên.
Cụ thể, trong giai đoạn trước Tết xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, gây sức ép lên giá xuống khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm, mặc dù tổng đàn heo trên cả nước vẫn không đổi.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt heo của Việt Nam dự kiến tăng 0,5% lên hơn 2 triệu tấn trong khi lượng tiêu thụ ước tính cao hơn năm 2023, đạt gần 3,8 triệu tấn.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết tại miền Bắc, nguồn cung heo không nhiều, do đó dù có tình trạng xả heo lai rai để tránh dịch thì giá heo trên thị trường cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, chênh lệch giá heo tại miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc ở mức thấp khiến dòng lưu chuyển giữa hai nước vẫn đóng băng.
Tại miền Trung, với nguồn cung không nhiều cùng việc lưu chuyển heo ra Bắc lẫn vào Nam được duy trì, giá heo có thể tiếp tục tăng nhẹ.
Còn tại miền Nam, nguồn cung cũng không nhiều, nguồn heo nhập từ Campuchia hoặc Thái Lan được quản lý chặt khiến giá heo được đẩy tăng. Theo đó, chênh lệch giữa giá heo Việt Nam và Thái Lan được nới rộng quanh mốc 20.000 đồng/kg từ giữa tháng 3.
Với mức giá hấp dẫn này, heo Thái đã được nhập nhiều về Campuchia và được dự đoán sẽ được đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, sang tháng 4, heo Thái vẫn chưa được ghi nhận nhập về Việt Nam. Nguyên nhân được cho là các cửa khẩu tại miền Trung đang siết chặt do có dịch nhiệt thán trên gia súc ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch đã thu hẹp lại về mức 11.000 - 15.000 đồng/kg, cùng chi phí lớn khiến thương lái không còn thấy hấp dẫn.
Heo từ Campuchia về Việt Nam nhiều hơn ở trung tuần tháng 3 do thị trường Việt Nam có dấu hiệu thiếu hụt heo. Chênh lệch giá heo giữa hai nước có xu hướng giảm do heo Campuchia tăng giá lên vùng 60.500 - 61.000 đồng/kg trước dịp Tết cổ truyền của nước này. Lượng heo Campuchia về Việt Nam bắt đầu ít lại từ đầu tháng 4, còn quanh 2.000 con/ ngày.
“Giá thịt heo có thể được hỗ trợ trong ngắn hạn do nguồn cung giảm từ nông hộ do thua lỗ và dịch bệnh”, VCBS nhận định.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết hiện nguồn cung đang thiếu hụt so với nhu cầu. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hôm 27/4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, cho hay thời gian qua, dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp khiến đàn heo của nhiều công ty thiệt hại. Cách đây 5 năm khi chưa có dịch bệnh, tổng đàn heo nái của cả nước khoảng 2,8 triệu con nhưng giờ chỉ còn khoảng 1,4 triệu con.
“Sức cầu giảm nhưng nguồn cung cũng giảm nhiều. Điều này dẫn đến giá thịt heo của Việt Nam cao hơn so nhiều nước trong khu vực, chỉ sau Philippines hiện khoảng 110.000 đồng/kg. Để khắc phục nguồn cung thiếu hụt cũng cần một thời gian rất dài, tối thiểu 18 tháng”, ông So cho biết.
Ông Nguyễn Như So nhận định giá heo hơi trong nước thời gian tới sẽ còn tăng lên khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg ngay cả khi nhu cầu giảm vì tác động của kinh tế khó khăn, phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung.
Cũng tại đại hội đồng cổ đông, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết dịch bệnh trong 2023 làm mất nhiều đàn nái, có áp lực nguồn cung khan hiếm. Hiện giá heo hơi ngoài thị trường khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng.
Cuộc đua tái đàn của các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp chăn nuôi đang kỳ vọng vào giá heo hơi sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay. Do đó, họ đang đẩy mạnh việc tái đàn.
Từ năm 2023, Dabaco đã nhập về 10.000 con heo giống, "nếu không mạnh dạn nhập heo năm ngoái, Dabaco có thể trắng tay trong năm nay", ông So nói.
Tập đoàn này còn nhập thêm một lô heo giống và vừa đáp máy bay về Việt Nam ngày 24/4. Đàn heo giống tiếp tục mở rộng quy mô và đưa năng suất đàn heo của doanh nghiệp lên mức cao nhất trong 28 năm hoạt động.
Ông chia sẻ thêm, công ty vẫn duy trì kế hoạch tăng đàn nái từ 50.000 con lên 60.000 con, trong đó một phần liên kết với nông dân. Tuy nhiên, do luật chăn nuôi đã có hiệu lực nên các yêu cầu về quản lý môi trường rất khắt khe nên nông dân không có đủ sức làm và cũng không thể kiểm soát dịch bệnh.
Do đó, năm nay công ty lên kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, một phần vì mục đích này. Công ty cũng đã gửi văn bản lên Thái Nguyên để xin cấp đất mở rộng trang trại nuôi.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, chậm nhất là năm 2026 có đủ đất để mở rộng đàn nái lên khoảng 90.000 con và đàn heo thịt khoảng 1,5 triệu con”, ông nói.
Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) cũng đẩy mạnh đầu tư sớm để đón sóng hồi phục. BAF dự kiến đưa vào hoạt động thêm 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn) và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).
Riêng cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thị), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.
Doanh nghiệp còn dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt (cuối 2023, con số tương ứng là 37.000 và 330.000 con).
Song một số doanh nghiệp lại cảm thấy tiếc nuối vì để lỡ con sóng ngành. Lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ tại cuộc họp đồng cổ đông tuần trước cho hay công ty không tái đàn sớm từ năm 2023 do phải dành nguồn lực cho các mảng kinh doanh khác, nhưng hiện đầu tư tăng đàn trở lại, cơ sở vật chất, chuồng trại sẵn có, dự kiến 4-5 tháng sau sẽ có sản phẩm.
"Chúng tôi đang bắt đầu nhân đàn nhờ có nguồn tài trợ của LPBank, trong đó có vay 300 tỷ đồng để tăng đàn heo", Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức nói về kế hoạch đón sóng chu kỳ giá heo thường lên xuống sau 2 năm.