|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá dầu tăng, doanh nghiệp liệu có 'nước nổi thuyền lên'?

19:59 | 05/07/2021
Chia sẻ
Giá dầu Brent đã tăng 45% kể từ đầu năm lên quanh mức 75 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí báo lãi lớn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến những đơn vị có đầu vào liên quan tới giá dầu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đội giá vốn.

Báo cáo chiến lược của Chứng khoán VNDirect nhận định nguồn cung có thể sẽ không bắt kịp sự phục hồi dự kiến của nhu cầu, tạo ra sự chênh lệch cung - cầu giúp hỗ trợ cho giá dầu biến động ổn định trên một mặt bằng giá mới, quanh mức 70 USD/thùng trong giai đoạn tới (tương tự như xu hướng ổn định trong giai đoạn 2011 - 2013)

Đơn vị này nhận định đà tăng mạnh mẽ của giá dầu sẽ thúc đẩy các hoạt động E&P (thăm dò và khai thác) tại Việt Nam, cung cấp những cơ hội việc làm tiềm năng cho các doanh nghiệp thượng nguồn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trung nguồn và hạ nguồn cũng có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn.

Giá dầu leo cao, doanh nghiệp liệu có 'nước nổi thuyền lên'? - Ảnh 1.

PVS và PVD ngóng giá dầu tăng bền vững

PVS là đơn vị xây lắp và các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, ảnh hưởng của đà tăng giá dầu có thể bị hạn chế với độ trễ do các hợp đồng của PVS trong các mảng cốt lõi (M&C, FSO / FPSO ..) thường kéo dài trong nhiều năm.

Các mảng khác như tàu dịch vụ và căn cứ cảng, PVS có thể hưởng lợi trực tiếp từ khả năng phục hồi của phí dịch vụ. Tuy nhiên, VNDirect đánh giá giá dầu cao hơn một cách bền vững có thể thúc đẩy tiến độ của các dự án thăm dò khí lớn (Cá Voi Xanh, Lô B - Ô Môn…) tại Việt Nam, tiềm ẩn giá trị backlog rất lớn đối với doanh nghiệp.

Còn thị trường khoan trong khu vực vẫn khá ảm đạm do diễn biến phức tạp của đại dịch, tuy nhiên, đã có các tín hiệu phục hồi vào cuối quý I khi giá dầu tăng đã hâm nóng các hoạt động E&P.

Kỳ vọng thị trường khoan khu vực đang dần sôi động trở lại và đại dịch dần được kiểm soát nhờ vắc xin sẽ giúp hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD phục hồi từ nửa cuối 2021 trở đi, đặc biệt là từ năm 2022 khi đội khoan của PVD có thể quay trở lại hoạt động ở nước ngoài (Malaysia) như năm 2019.

Giá dầu tăng bền vững có thể giúp triển vọng của công ty tươi sáng hơn và cải thiện tỷ suất lợi nhuận mảng khoan.

Giá dầu leo cao, doanh nghiệp liệu có 'nước nổi thuyền lên'? - Ảnh 2.

GAS và PVT sẽ hưởng lợi khi các dự án LNG đi vào hoạt động

Tính đến quý I/2021, dự án LNG Thị Vải đã đạt 49,78% tiến độ, vượt kế hoạch đề ra và dự kiến sẽ hoành thành trong quý IV/2022. 

Trong khi đó, PV Power (POW) đã thông báo mở thầu EPC cho dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 vào trong 7/2021. Dự án Nhơn Trạch 3 được kỳ vọng sớm được khởi công và đi vào hoạt động trong năm 2023, đáp ứng nguồn cung LNG từ kho chứa Thị Vải. 

GAS và PVT được cho sẽ là những đơn vị có thể được hưởng lợi nhất do GAS có thể gia tăng sản lượng bán khí thông qua việc phân phối LNG cho các nhà máy điện còn PVT có thể tham gia vào việc vận chuyển LNG nhập khẩu trong thời gian tới.

Giá dầu leo cao, doanh nghiệp liệu có 'nước nổi thuyền lên'? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: PVN

VNDirect đánh giá mô hình kinh doanh của GAS tương đối ổn định nhờ chính sách giá mua và bán khí đã được xác định (giá sàn bán khí ở mức cao hơn giữa 46% giá dầu FO và giá khí đầu giếng). 

Khi giá dầu tăng, GAS sẽ trực tiếp hưởng lợi từ giá bán khí bình quân (ASP) cao hơn (ngoại trừ đối với phần sản lượng bao tiêu, lợi nhuận sẽ được chuyển giao về cho ngân sách nhà nước) và giá bán LPG cao hơn.

Với PVT, cơ cấu giá thuê tàu hiện tại đảm bảo mức tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định cho thị trường nội địa, trong khi hầu hết các tàu quốc tế được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê định hạn, cho phép PVT chuyển rủi ro biến động giá dầu sang cho đối tác thuê tàu. 

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng khi nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm dầu khí phục hồi, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu vận tải, đặc biệt đối với các tuyến quốc tế. Bên cạnh đó, giá thuê FSO/FPSO có thể phục hồi trở lại mức trước dịch COVID-19 nhờ giá dầu cao hơn.

Giá dầu leo cao, doanh nghiệp liệu có 'nước nổi thuyền lên'? - Ảnh 5.

Các dự án LNG trong quy hoạch

Hạ nguồn có thể lãi lớn nhờ giá dầu

Đối với các nhóm hạ nguồn, tác động của giá dầu phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, tỷ trọng nguyên liệu (dầu và khí) đầu vào trong tổng chi phí sản xuất, và khả năng chuyển đổi giá nguyên liệu đầu vào cao hơn sang giá bán sản phẩm của doanh nghiệp.

BSR được đánh giá rất nhạy cảm với biến động giá dầu do công ty không sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro cho việc nhập nguyên liệu đầu vào (mua theo giá dầu thế giới). VNDirect cho rằng BSR sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của chênh lệch crack spread (tỷ suất lợi nhuận lọc dầu) trong bối cảnh giá dầu phục hồi và nhu cầu được cải thiện.

Nhờ việc crack spread phục hồi, các nhà máy lọc dầu như Dung Quất (BSR với công suất 6,5 triệu tấn) và Nghi Sơn (công suất 10 triệu tấn) sẽ có thể ghi nhận mức lợi nhuận dương đáng kể so với mức lỗ lớn trong năm 2020. 

Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý rằng làn sóng COVID-19 thứ 4 hiện nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam.

Giá dầu leo cao, doanh nghiệp liệu có 'nước nổi thuyền lên'? - Ảnh 7.

Với hai doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm dầu khí là PLX, OIL. Chuyên gia phân tích nhận định do PLX và OIL cần phải dự trữ một lượng hàng tồn kho nhất định, nên tỷ suất lợi nhuận của các công ty có thể cải thiện trong xu hướng tăng của giá dầu, do giá bán bình quân (ASP) được điều chỉnh tăng theo công thức giá nhưng hàng tồn kho được mua với giá thấp hơn.

Nhiều doanh nghiệp "đau đầu" vì giá dầu làm đội giá vốn

Trái ngược với sự hưởng lợi của nhóm doanh nghiệp dầu khí trên thì những doanh nghiệp có đầu vào là giá dầu lại chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đội chi phí đầu vào.

Hai ông lớn điện khí là POW và NT2, mặc dù giá khí đầu vào cao hơn có thể làm tăng chi phí sản xuất, nhưng VNDirect cho rằng tác động là hạn chế do phần lớn sản lượng điện được bán theo hình thức hợp đồng cố định - thỏa thuận mua bán điện (PPA) (chỉ 10-20% tổng sản lượng điện được bán trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Đối với các nhà máy sản xuất phân bón, chi phí khí đầu vào chiếm 50-60% giá thành sản xuất. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu tăng. 

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích nhận thấy giá phân bón trên thị trường trong nước và quốc tế đã tăng 30-50% so với đầu năm do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Điều này có thể bù đắp phần nào tác động tiêu cực của việc giá dầu tăng.

AAA hay BMP, NTP, STK là những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có nguyên liệu đầu vào các sản phẩm hóa dầu cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Do nguyên liệu nhập khẩu chiếm xấp xỉ 75% nhu cầu đầu vào (PE, PET, PP, PVC…) nên các nhà sản xuất nhựa (BMP, NTP, AAA…) được nhận định khá nhạy cảm với sự biến động của giá nhựa nguyên liệu toàn cầu, vốn có diễn biến cùng chiều với giá dầu (nhựa nguyên liệu là sản phẩm của quá trình hóa dầu). 

Đối với nhà sản xuất sợi như STK, giá dầu tăng cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty vì chi phí nguyên liệu PET chiếm 60 - 70% giá vốn hàng bán của STK.

Hoàng Kiều