Doanh nghiệp nào sắp gia nhập 'câu lạc bộ tỷ cổ phiếu'?
Kế hoạch tăng vốn của FLC
Tập đoàn FLC mới đây cập nhật kế hoạch chào bán xấp xỉ 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:7, tức là nhà đầu tư nắm giữ 10 cổ phiếu sẽ được quyền mua 7 cổ phiếu mới.
Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp, thấp hơn khoảng 12% so với thị giá hiện nay của FLC. Giả sử 100% số cổ phiếu chào bán đều được mua hết, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng từ 7.100 tỷ đồng lên 12.070 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu.
Trong năm 2018 và nửa đầu 2019, FLC từng có kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 42,2%, giá phát hành cũng là 10.000 đồng/cp. Tập đoàn thậm chí đã chốt ngày để lập danh sách cổ đông. Tuy nhiên vào tháng 10/2019, FLC đã hủy phương án phát hành này vì đánh giá thị trường chứng khoán giai đoạn đó diễn biến không thuận lợi.
Một điểm khác biệt căn bản giữa đợt chào bán 2021 và kế hoạch chào bán năm trước là hiện nay, thị giá cổ phiếu FLC đang cao hơn 10.000 đồng/cp, còn trong suốt giai đoạn 2018 - 2020, FLC đều ở dưới mệnh giá.
Vì vậy, khả năng thành công của lần chào bán hiện nay lớn hơn so với lần trước. Nếu giá FLC tăng lên trong thời gian tới thì đợt chào bán của Tập đoàn sẽ còn hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
Lần gần đây nhất FLC tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu là vào tháng 8/2016 với tổng khối lượng 179,6 triệu đơn vị, giá phát hành 10.000 đồng/cp.
'Câu lạc bộ tỷ cổ phiếu'
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có 35 doanh nghiệp với trên 1 tỷ cổ phiếu đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch. Đứng đầu bảng là VietinBank (Mã: CTG) với hơn 4,8 tỷ đơn vị.
Nhìn chung, ngành ngân hàng góp mặt đông đảo nhất khi có tới 16 đại diện với tổng cộng hơn 37,6 tỷ cổ phiếu.
Nhóm bất động sản cũng có 5 cái tên trong "câu lạc bộ tỷ cổ phiếu" với tổng cộng gần 13 tỷ đơn vị niêm yết. Dẫn đầu là Vinhomes (Mã: VHM) và công ty mẹ Vingroup (Mã: VIC).
Nhóm tài nguyên cơ bản chỉ có hai thành viên là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) nhưng cũng đủ để đứng ở vị trí thứ 3 với gần 5,6 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Riêng Hòa Phát đã niêm yết tới 4,47 tỷ đơn vị HPG, chỉ kém VietinBank.
Nếu có 1,207 tỷ cổ phiếu sau đợt phát hành, Tập đoàn FLC có thể sẽ đứng ở vị trí số 27 trong danh sách những doanh nghiệp niêm yết nhiều cổ phiếu nhất, trên LienVietPostBank (Mã: LPB) và Tập đoàn Masan (Mã: MSN), đồng thời dưới Eximbank (Mã: EIB) và Tập đoàn Petrolimex (Mã: PLX).
Vốn hóa của FLC hiện nay là khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG). Giá một cổ phiếu FLC (11.400 đồng) đang ở trên HNG (7.450 đồng) nhưng dưới POW (12.450 đồng) và các mã khác.
Một số doanh nghiệp ở thị trường UPCoM có vốn điều lệ lớn nhưng chỉ đăng ký giao dịch một lượng rất hạn chế, và do vậy không có tên trong danh sách kể trên.
Cụ thể, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn có 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lưu hành nhưng chỉ đăng ký 244 triệu đơn vị. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) có 1,2 tỷ cổ phiếu lưu hành nhưng chỉ đăng ký giao dịch 6,4 triệu đơn vị. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (Mã: OIL) cũng có hơn 1 tỷ cổ phiếu lưu hành nhưng chỉ đăng ký khoảng 1/5. Đây đều là những doanh nghiệp mà cổ đông Nhà nước đang kiểm soát trên 80%, thậm chí trên 90% vốn điều lệ.