|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dòng người tấp nập mua cây cảnh, sắm đồ trang trí trong ngày 29, 30 Tết

19:22 | 11/02/2021
Chia sẻ
Cận ngày Tết Nguyên Đán 2021, mọi người đã có nhiều thời gian hơn để mua sắm các đồ còn thiếu cho gia đình. Trong khi các cửa hàng không thiết yếu đã đóng cửa gần hết thì các khu chợ hoa, điểm mua sắm tấp nập người buôn kẻ bán.
Dòng người tấp nập mua sắm cây cảnh, đồ trang trí trong ngày 29, 30 Tết - Ảnh 1.

Người dân tới mua sắm tại phố Hàng Mã, Hà Nội. (Ảnh: Tường Vy).

Cận kề dịp Tết Nguyên đán, người người rủ nhau tới các tụ điểm buôn bán đào, quất, đồ trang trí để sắm sửa những món đồ cuối cùng. Theo các tiểu thương, tuy năm nay hàng hóa phong phú nhưng sức mua giảm hẳn so với năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ghi nhận vào ngày 11/2 (tức 30 Tết) tại phố Hàng Mã, tuy đã là ngày cuối cùng của năm nhưng con phố này vẫn tấp tập người qua lại xem hàng, mua bán.

Như mọi năm, các tiểu thương bày bán nhiều mặt hàng trang trí dịp Tết như quả châu hình tuổi Sửu, lì xì Tết, câu đối đỏ, đèn lồng, mẹt ngũ quả... thậm chí nổi lên một số gian hàng bày bán hương trầm, đồ trang trí bằng đồng. Giá cả từ 15.000 đồng cho tới vài triệu đồng.

Các mặt hàng được bày bán tại phố Hàng Mã. (Ảnh: Tường Vy).

Bà Như, một chủ cửa hàng đồ trang trí Tết trên phố Hàng Mã, cho hay thông thường như các năm trước các mặt hàng Tết đều bán rất chạy vì nhu cầu mua sắm cao. Còn năm nay là một cái Tết buồn đối với họ.

"Tưởng rằng sẽ thu về một khoản lời sau một năm kinh doanh ế ẩm do COVID-19 thì dịch bệnh lại ập tới. Rất nhiều dân buôn trên con phố này rơi vào tình cảnh ôm hàng, buôn bán ế ẩm. Tuy đã hạ giá tới gần giá mua vào nhưng sức mua rất thấp", bà Như nghẹn ngào chia sẻ.

Bà Như nói thêm rằng sẽ mở cửa cho tới đêm Giao thừa, được khách nào mua hàng thì hay tới đó.

Không chỉ rơi vào tình trạng ế ẩm, một số cửa hàng đã quyết định "xả kho" để thu lại vốn liếng. Tại một cửa hàng hạ giá, các mặt hàng như bao lì xì, hình dán trang trí, đèn nháy được bán với giá từ 5.000 đồng tới 30.000 đồng/sản phẩm.

Dòng người tấp nập mua sắm cây cảnh, đồ trang trí trong ngày 29, 30 Tết - Ảnh 3.

Một gian hàng "xả kho" cuối năm trên phố Hàng Mã. (Ảnh: Tường Vy).

Tuy đã hạ giá tới kịch sàn nhưng tiểu thương này vẫn gặp tình trạng khách đòi giá thấp hơn. Một số người mua chia sẻ do năm nay kinh tế không "xông xênh" nên phải chắt chiu từng đồng tiền túi bỏ ra.

"Dịch bệnh khiến chúng tôi luôn phải tính toán khoản tiền chi ra để sao trong nhà vẫn đầy đủ, có không khí Tết nhưng tiết kiệm nhất", một người trong nhóm mua sắm tại phố Hàng Mã nói.

Trên các con phố tại Hà Nội, đa số cửa hàng đều đã đóng cửa, ngừng kinh doanh ngày từ những hôm 27 Tết. Theo quan sát, chỉ có một số cửa hàng tạp hóa, thực phẩm, khu chợ vẫn còn mở cửa để phục vụ người dân mua sắm hàng thiết yếu. Một số quán cà phê tại các điểm vẫn mở cửa nhưng chủ yếu phục vụ cho khách mang về.

Các loại hoa, quất phục vụ Tết có vẻ tấp nập hơn trong những ngày cuối năm. Ghi nhận ngày 10/2 (tức 29 Tết), các dân buôn đào, quất và các loại hoa Tết vẫn tụ họp đông đúc dọc trên nhiều tuyến phố như Trần Thái Tông, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân.

Dòng người tấp nập mua sắm cây cảnh, đồ trang trí trong ngày 29, 30 Tết - Ảnh 4.

Người dân tấp nập xem đào, quất trong những ngày cuối cùng của năm tại phố Lê Đức Thọ, đối diện sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Tường Vy).

Tại chợ đầu mối Mai Dịch, dù đã tới gần trưa nhưng kẻ buôn người bán vẫn tấp nập ra vào tại khu chợ hoa. Các loại đào, quất, lay ơn, tuylip, thanh liễu, tuyết mai, hồng, cúc... được bày bán la liệt, giá từ 70.000 đồng tới 2 - 3 triệu đồng.

Theo các tiểu thương và người mua sắm, năm nay thị trường chuộng cành đào huyền có dáng nghiêng thích hợp trang trí phòng khách và lối lên cầu thang trong nhà. Ngoài ra, hoa thanh liễu đang là xu hướng mua sắm trong năm nay, dù có giá thành khá đắt, tới 200.000 đồng/bó.

Bà Hương, một tiểu thương buôn hoa thanh liễu tại chợ đầu mối Mai Dịch, cho biết loại hoa này có đặc điểm là để được lâu, có thể cắm chơi Tết tới hai tháng, tuy nhìn như hoa giả nhưng có rất nhiều màu lựa chọn và không cần đổ nước quá nhiều.

Năm nay, hoa tuyết mai và violet cũng được ưa chuộng và chọn mua nhiều, từ 40.000 đồng tới 150.000 đồng/bó. Các loại đào, quất cỡ nhỏ dáng đẹp cũng đã có giá từ 300.000 đồng/cành.

Tại khu chợ hoa tự phát trên phố Lê Đức Thọ (đối diện sân vận động Mỹ Đình), các loại đào, quất, mai vàng, mai chiếu thủy cũng được bày bán thành hàng dài  trên đoạn đường gần 500m. Nhiều cây lớn dáng đẹp có thể có giá lên tới gần chục triệu đồng. Một số loại đào tuyết, mai vàng bonsai có giá từ 200.000 đồng/chậu tới hàng triệu đồng.

Dòng người tấp nập mua sắm cây cảnh, đồ trang trí trong ngày 29, 30 Tết - Ảnh 5.

Chậu mai vàng bonsai loại nhỏ vận chuyển từ Nam ra Bắc có giá 200.000 đồng. (Ảnh: Tường Vy).

Ông Tuân, một tiểu thương buôn hoa mai từ Bến Tre ra Hà Nội cho biết thị trường hiện nay chuộng các loại cây độc lạ nên ông không quản đường xa để đem những loại cây này từ Nam ra Bắc để phục vụ người tiêu dùng.

Do tính cả công vận chuyển xa nên ai đòi trả giá thấp hơn ông nhất quyết không bán. Các loại mai bonsai cỡ nhỏ tới trung bình có giá lần lượt là 200.000 đồng và 700.000 đồng/chậu. Ngoài ra, ông cũng mang tới Hà Nội cây mai chiếu thủy, các chậu đều đồng giá 1,5 triệu đồng.

Tuy vẫn túc tắc bán được chậu nào hay chậu đó, ông Tuân cho hay việc kinh doanh phần nào bị ảnh hưởng do dịch bệnh, sức mua giảm hẳn so với những năm trước đó.

Khác với cảnh tượng tại chợ đào, quất, một số nơi bán hoa địa lan rơi vào cảnh "xả hàng gấp" vì kinh doanh ế ẩm, tại một gian hàng hoa Tết trên phố Trần Thái Tông, một giò địa lan chỉ có giá 85.000 đồng tới vài trăm ngàn đồng nhưng rất ít người tới hỏi mua.

Các loại cây lạ như đào Nhật bonsai tại đây có giá lên tới 300.000 đồng/cây. Một số loại cây có giá rẻ và lạ hơn như ly lùn, giá 150.000 đồng/chậu 5 cây, hoa tuylip giá 180.000 đồng/chậu 5 cây lại được người tiêu dùng hỏi mua nhiều.

Đào Nhật bonsai và tuylip. (Ảnh: Tường Vy).

Các tiểu thương cho hay ngày 29 và 30 Tết là cao điểm mua sắm bởi lúc này mọi người đã gác lại công việc để chăm lo cho cái Tết của gia đình, nên dù ế ẩm nhưng họ sẽ bán hàng cho tới thời điểm Giao thừa.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tường Vy

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.