|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đón loạt tin tốt, thị trường tiền mã hóa sắp thoát khỏi ‘mùa đông’?

06:57 | 19/07/2023
Chia sẻ
Sau một loạt thông tin tích cực, thị trường tiền mã hóa đang đứng trước cơ hội thoát khỏi trạng thái ngủ đông.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Thị trường tiền mã hóa đã có một năm 2022 đáng quên khi giá bitcoin sụt giảm mạnh mẽ bởi một loạt các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như bê bối trong ngành.

Tuy nhiên, bước sang nửa đầu năm 2023, triển vọng của ngành công nghiệp đang dần trở nên tươi sáng hơn, khi những yếu tố vĩ mô có dấu hiệu cải thiện và tiền mã hóa nhận được sự quan tâm của các ông lớn như BlackRock.

Giá bitcoin đã phục hồi hơn 80% và trở thành loại tài sản có hiệu suất đầu tư tốt nhất trong 6 tháng đầu năm, vượt qua cả chứng khoán, vàng hay trái phiếu. 

Điều kiện vĩ mô cải thiện

Trong năm ngoái, giá bitcoin tụt dốc nhanh chóng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chiến dịch tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát. Đầu tháng 3/2022, giá bitcoin ở ngưỡng 40.000 USD, tuy nhiên sau loạt quyết định nâng lãi suất của Fed, bitcoin, cũng như nhiều đồng tiền mã hóa khác đã cùng nhau tụt dốc.

Kể từ đó đến nay, tình hình lạm phát tại Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới đã được cải thiện rõ rệt. Trong cuộc họp tháng 6 vừa qua, Fed đã quyết định tạm ngừng nâng lãi suất để đánh giá lại phản ứng của nền kinh tế. Các quan chức Fed đã gợi ý sẽ chỉ còn 2 lần tăng lãi suất nữa trước khi chu kỳ thắt chặt kết thúc.

Việc Fed sắp bước tới giai đoạn cuối cùng của chu kỳ thắt chặt có thể là động lực hỗ trợ giá của bitcoin trong thời gian tới. Trong giai đoạn nới lỏng định lượng (QE) thời đại dịch COVID, việc Fed bơm một lượng lớn tiền vào nền kinh tế đã thúc đẩy bitcoin cũng như chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục.

Giá bitcoin đã tăng 80% kể từ đầu năm tới nay.

Vào năm ngoái, hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa đã sụp đổ. Vào tháng 5, đồng tiền ổn định (stable coin) terraUSD (UST) sụp đổ, khiến hàng tỷ USD bị thổi bay và kéo theo những doanh nghiệp như Terraform Labs, hay quỹ đầu cơ Three Arrow Capital. 

Đến tháng 11, thị trường tiếp tục đón nhận thêm thông tin còn đáng ngại hơn: sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ ba thế giới, FTX sụp đổ. Sự ra đi của một gã khổng lồ như FTX khiến niềm tin trên thị trường bị phá vỡ, giá bitcoin và vốn hóa xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuối năm 2020. 

Sang đầu năm 2023, dường như tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng ưa thích của các công ty công nghệ, công ty tiền mã hóa, đã sụp đổ, kéo theo một loạt nhà băng khác. Tới tháng 6, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã kiện hai sàn tiền mã hóa hàng đầu là Binance và Coinbase. 

Tuy nhiên, bất chấp loạt tin xấu kể trong năm 2023, bitcoin và thị trường tiền mã hóa vẫn phục hồi mạnh mẽ. Vượt qua chứng khoán, vàng, bitcoin đã trở thành tài sản sinh lời nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm. Và xu hướng trên dự kiến sẽ tiếp tục trong tháng 7, khi đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vượt qua ngưỡng 31.000 USD.

BlackRock đang quản lý khối tài sản trị giá 9.425 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với JPMorgan - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. 

Sự tham gia của các "ông lớn"

Ngoài bối cảnh vĩ mô, nhân tố mạnh mẽ nhất thúc đẩy giá bitcoin và tiền mã hóa phải kể đến sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn, chẳng hạn như BlackRock. 

Vào giữa tháng 6, BlackRock, cùng nhiều gã khổng lồ tài chính như Fidelity, đã nộp đơn lên SEC xin mở quỹ bitcoin ETF. Ông Larry Fink, CEO của BlackRock còn liên tục đưa ra những thông điệp kỳ vọng vào tương lai của ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Trước kia, ông Fink từng chỉ trích tiền mã hóa. Vào năm 2017, theo CNBC, ông nói rằng sự phổ biến của các đồng tiền điện tử một phần tới từ hoạt động rửa tiền. 

Tuy nhiên, sự quan tâm từ khách hàng và chi phí giao dịch cao đã thúc đẩy BlackRock xem xét kỹ hơn việc thâm nhập lĩnh vực này, ông Fink nói. Ông cũng tiết lộ rằng tiền mã hóa có thể giúp BlackRock đa dạng hóa danh mục đầu tư.

“[Tiền mã hóa] có giá trị khác biệt so với các loại tài sản khác. Nhưng quan trọng hơn, bởi tính chất quốc tế nên [tiền mã hóa] sẽ vượt qua bất kỳ loại tiền tệ nào”, CEO Fink nói. SEC từng từ chối hàng chục đơn đăng ký quỹ ETF tương tự. Tuy nhiên, việc BlackRock, với vị thế là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, tham gia thị trường, làm nhiều người trong ngành đặt kỳ vọng.

"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan quản lý bởi vì ở bất kỳ thị trường mới nào, nếu tên của BlackRock xuất hiện, chúng tôi sẽ đảm bảo [thị trường đó] an toàn, lành mạnh cũng như được bảo vệ", ông Fink khẳng định.

Ngoài việc thu hút được sự tham gia của các gã khổng lồ tài chính, thị trường tiền mã hóa còn đạt được chiến thắng pháp lý trước SEC. Vào ngày 13/7, một thẩm phán đã kết luận rằng XRP - đồng tiền mã hóa do Ripple phát hành - “về cơ bản không nhất thiết là chứng khoán”.

Vào năm 2020, SEC đã kiện Ripple vì vi phạm luật chứng khoán của Mỹ khi bán XRP mà không đăng ký với cơ quan chức năng. Vụ kiện đã kéo dài trong ba năm và được nhiều người cho là một rào cản lớn với lĩnh vực tiền mã hóa. 

Kết luận của thẩm phán phần nào giúp thị trường có thêm sự chắc chắn, định nghĩa pháp lý rõ ràng hơn. Ngoài ra, Coinbase và Binance - hai sàn giao dịch đang bị SEC kiện - cũng có được sự lạc quan sau những tiến bộ trong vụ việc của XRP.

Khó khăn ở phía trước

Một báo cáo mới được công bố của Galaxy Research cho biết các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) đã rót 2,3 tỷ USD vào ngành công nghiệp tiền mã hóa trong quý II/2023. Cùng kỳ năm ngoái, các công ty VC đã đầu tư tới 8 tỷ USD vào ngành công nghiệp này.

Môi trường kinh doanh đầy thách thức và lãi suất đi lên đã khiến các khoản đầu tư vào tiền mã hóa giảm xuống mức nhỏ giọt và đang tiếp tục thu hẹp lại. Báo cáo của Galaxy Research nhấn mạnh "vốn đầu tư vẫn chưa xuống đáy". Hiện nay, tổng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp tiền mã hóa đã đi lùi trong quý thứ 5 liên tiếp.

Số tiền đầu tư vào ngành công nghiệp tiền mã hóa đã giảm liên tiếp trong 5 quý.

Phán quyết của thẩm phán trong vụ kiện giữa Ripple và SEC cũng không phải là chiến thắng tuyệt đối với ngành công nghiệp tiền mã hóa. Kết luận của tòa án chia hoạt động bán XRP thành ba tình huống thực tế: bán hàng của tổ chức, bán hàng bằng phần mềm, chương trình và các kênh phân phối khác, chẳng hạn như thù lao nhân viên.

Tòa án đã đứng về phía SEC trong trường hợp "bán XRP theo tổ chức của Ripple cho các cá nhân và tổ chức", nói rằng những hoạt động này là giao dịch chứng khoán và là một khoản đầu tư. Tuy nhiên, Ripple ghi điểm trước SEC trong hoạt động bán hàng "có lập trình" hay bán hàng sử dụng thuật toán giao dịch và cách kênh phân phối khác.

Ông Larry Fink, CEO của BlackRock. (Ảnh: Ethan Hill).

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia trong ngành, đơn đăng ký mở bitcoin ETF của BlackRock sẽ khó được SEC phê duyệt. CEO của Opimas, ông Octavio Marenzi, nhận định: "[BlackRock] đang muốn hợp tác mới một đơn vị giám sát mà SEC tuyên bố là đang hợp động bất hợp pháp ... Tôi không hiểu BlackRock sẽ làm thế nào để quỹ ETF được thông qua". 

Tổ chức "hoạt động bất hợp pháp" mà ông Marenzi đang nhắc tới là Coinbase - sàn giao dịch tiền mã hóa bị Fed kiện hồi tháng 6. 

Giám đốc đầu tư của Volatility Shares, ông Stuart Barton, người đã thành công trong việc thuyết phục SEC thông qua quỹ ETF tương lai có đòn bẩy 2x Bitcoin Strategy ETF (BITX), tiết lộ rằng quá trình cấp phép sẽ kéo dài nhiều năm.

Hai chuyên gia khác trong ngành được CoinDesk phỏng vấn là nhà quản lý quỹ phòng hộ James Koutoulas và ông Jai Waterman, CEO của nền tảng giao dịch tài sản tiền điện tử Blockstation, đều dội gạo nước lạnh vào ý tưởng bitcoin ETF sẽ sớm được phê duyệt.

Cả hai đều khẳng định đề xuất của BlackRock chưa chắc sẽ được chấp thuận bởi Coinbase còn đang vướng vào các vụ kiện với SEC.

Minh Quang