|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể thiết lập kỷ lục mới?

15:42 | 19/04/2023
Chia sẻ
Các doanh nghiệp, hiệp hội dự báo rằng xuất khẩu gạo năm 2023 dự kiến giảm về sản lượng nhưng tăng về giá, kim ngạch. Tuy nhiên, việc mặt hàng này có thể thiết lập kỷ lục mới sẽ phụ thuộc vào diễn biến lực cầu các thị trường và giá cả trong những quý tiếp theo.

Trong bức tranh ảm đạm của xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I, mặt hàng gạo nổi lên như “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành.

 

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo quý I chạm mốc 1,8 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là kết quả tốt nhất trong 12 năm qua và chỉ đứng sau quý I/2011 với 1,9 triệu tấn và 967 triệu USD.

 

Sự tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo bắt nguồn từ việc các quốc gia trên thế giới tăng cường dự dữ lương thực, trong đó có bộ ba thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, gồm Phillipines, Trung Quốc và Indonesia.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV đánh giá năm 2023 sẽ là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi Phillipines có thể nhập khẩu 3,1-3,2 triệu tấn gạo của Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc cũng có kế hoạch mua gạo dự trữ vì thời tiết cực đoan...

“Đã có nhiều đối tác cả cũ và mới liên hệ với chúng tôi mua gạo, tuy nhiên ở thời điểm này doanh nghiệp chưa vội bán, mà tạm trữ khoảng 15.000 – 18.000 tấn gạo, chờ khi vụ Đông Xuân kết thúc, nguồn cung co hẹp, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu với giá tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thành nói.

 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho niên vụ 2022-2023 tại Việt Nam đã giảm 3% so với niên vụ trước, dẫn đến sản lượng lúa  có thể giảm 1% xuống 27 triệu tấn trong niên vụ 2023. 

Một yếu tố khác tác động đến giá gạo trong năm 2023 được đại diện Phước Thành IV chỉ ra là diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả bị thu hẹp, nông dân nhiều nơi giảm sản xuất từ 3 vụ xuống còn 2 vụ, điều này sẽ khiến sản lượng gạo giảm và giá sẽ đi lên.

“Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể giảm 5-7% về lượng so với năm 2022 (6,5-6,7 triệu tấn) vì sản lượng giảm, tồn kho năm trước ở mức thấp. Tuy nhiên lực cầu tốt sẽ đẩy giá lên, kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay có thể tăng 10-15% với khoảng 3,85 – 4 tỷ USD”, ông Thành dự báo.

Trong báo cáo mới đây, Fitch Solutions cho biết thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023. Fitch Solutions là đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings.

Theo đó, báo cáo dự báo niên vụ 2022 - 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo, mức thâm hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004. 

Theo giới phân tích, sự thâm hụt nguồn cung của một trong những loại ngũ cốc được trồng nhiều nhất trên thế giới sẽ gây tổn hại cho các nhà nhập khẩu lớn. 

Nhà phân tích hàng hóa Charles Hart của Fitch Solutions cho biết: “Ở cấp độ toàn cầu, tác động rõ ràng nhất của thâm hụt gạo toàn cầu là giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ”.

Theo báo cáo, giá thóc trung bình dự kiến duy trì ở mức 17,3 USD/cwt cho đến năm 2023 và sẽ chỉ giảm xuống còn 14,5 USD/cwt vào năm 2024. Cwt (hundredweight) là một đơn vị đo lường cho một số mặt hàng như gạo (1 cwt = 45,4 kg).

 

 Số liệu: Investing.com (Tổng hợp: H.Mĩ)

 

 

Giá gạo dự kiến ​​sẽ duy trì quanh mức cao hiện tại cho đến năm 2024, theo báo cáo của Fitch Solutions Country Risk & Industry Research ngày 4/4.

 

Để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng nói trên, đại diện Phước Thành IV cho rằng các doanh nghiệp ngành gạo cần theo dõi thị trường, kiểm soát hàng tồn kho để bán ra ở thời điểm giá tốt, giảm rủi ro trượt giá, doanh nghiệp bị lỗ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không nên bỏ trứng vào một giỏ, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường  bên cạnh việc chăm sóc các khách hàng, đối tác truyền thống.

 

Chia sẻ tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thông qua các cuộc gặp song phương, Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu gạo mới, bên cạnh các đối tác truyền thống như Philippines, các nước châu Phi...

 

 

 

 

Còn về phía hiệp hội, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đồng tình rằng lực cầu của thế giới năm nay rất lớn, doanh nghiệp có thể bán ra với giá tốt. Tuy nhiên vị này cho rằng giá tốt chưa chắc có thể giúp kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể lập kỷ lục bởi sản lượng xuất khẩu năm nay có thể giảm.

“Ở mặt bằng chung, Việt Nam thường xuất khẩu khoảng 6,3-6,5 triệu tấn gạo/năm là tốt năm rồi. Năm 2022, sản lượng gạo xuất khẩu lên tới 7,1 triệu tấn, điều này có nghĩa tồn kho năm nay sẽ thấp và 2023 khó chạm tới con số này.

Giá có lên mấy cũng khó tăng trưởng 25%, tôi cho rằng kim ngạch xuất khẩu bằng mức 3,5 tỷ USD của năm 2022 đã là thành công”, ông Đỗ Hà Nam nhận định.

Gạo Việt chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng Thái Lan

Công ty chứng khoán VNDirect nhận định năm 2023 đang mở ra nhiều cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, nhưng cũng có nhiều thách thức đang đón chờ, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh với Thái Lan.

Trong khi sản lượng lúa của Việt Nam dự kiến giảm trong năm nay thì Thái Lan có thể có một mùa thu hoạch bội thu. Niên vụ 2022-2023, Thái Lan dự kiến sản xuất khoảng 20,2 triệu tấn gạo, tăng từ 19 triệu tấn của niên vụ trước.

Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.

Ngoài vấn đề cạnh tranh với Thái Lan, VNDirect cũng chỉ rủi ro về việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa; giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác. 

Phạm Mơ